23/12/2024

Đăng ký nguyện vọng xét tuyển: Tưởng trúng tuyển nhưng coi chừng lại… rớt

Đăng ký nguyện vọng xét tuyển: Tưởng trúng tuyển nhưng coi chừng lại… rớt

“Tưởng trúng tuyển nhưng coi chừng lại… rớt” có thể xem là một cảnh báo rất đặc biệt với thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay. Trong những trường hợp nào nếu không cẩn thận và không tính toán kỹ về mặt chiến lược, thí sinh có nguy cơ trên?

 

 

 

 

Đăng ký nguyện vọng xét tuyển: Tưởng trúng tuyển nhưng coi chừng lại… rớt - ảnh 1
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH năm nay  Đ.N.T.

Thông tin trên được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Đăng ký nguyện vọng sao cho chắc trúng tuyển” của Báo Thanh Niên chiều 28.7. Chương trình diễn ra ở các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên. Chương trình do THACO tài trợ.

Đến thời điểm này, thí sinh đã trải qua những ngày đầu tiên của giai đoạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Số liệu thống kê sơ bộ trong ngày đầu tiên cho thấy có hơn 36.500 thí sinh đã nhập nguyện vọng. Tuy nhiên, hệ thống cũng ghi nhận có 149 nguyện vọng không hợp lệ với nhiều tình huống xảy ra.

Đăng ký nguyện vọng xét tuyển: Tưởng trúng tuyển nhưng coi chừng lại… rớt - ảnh 2
Tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Việt Đức  THANH HẢI

Tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Việt Đức, cho biết trên hệ thống của Bộ GD-ĐT có mục để thí sinh kiểm tra các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm. Thực tế, có những trường hợp trong quá trình nhập dữ liệu có những sai sót, dẫn đến thông tin trúng tuyển sớm của thí sinh chưa có trên hệ thống.

“Nếu rơi vào trường hợp này, thí sinh cần liên hệ với trường để kịp thời xử lý, tránh mất quyền lợi đáng tiếc”, tiến sĩ Huy lưu ý.

Đăng ký nguyện vọng xét tuyển: Tưởng trúng tuyển nhưng coi chừng lại… rớt - ảnh 3
Thạc sĩ Trần Hải Nam, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM  THANH HẢI

Thạc sĩ Trần Hải Nam, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, lưu ý, sau khoảng một tuần Bộ GD-ĐT mở cổng đăng ký xét tuyển nguyện vọng, trường nhận được nhiều thắc mắc về kỹ thuật xét tuyển và những trục trặc thí sinh gặp phải. Cụ thể, có những thí sinh khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, ở mục số 9 của phiếu đăng ký có ô đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Nhưng ở thời điểm đó thí sinh không đánh dấu vào ô này, kết quả hiện thí sinh không được tham gia chọn nguyện vọng trên hệ thống bất kể xét tuyển theo phương thức nào.

Theo thạc sĩ Nam: “Giải pháp trong trường hợp này là thí sinh quay về nơi đăng ký dự thi (trường phổ thông hoặc Sở GD-ĐT) để được hỗ trợ xử lý”.

Ngoài ra, cũng theo thạc sĩ Hải Nam, có những thí sinh bị quên mật khẩu đăng nhập vào hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Nếu nhập sai 5 lần thì bị khóa hệ thống và các trường hợp này xảy ra khá nhiều.

Đăng ký nguyện vọng xét tuyển: Tưởng trúng tuyển nhưng coi chừng lại… rớt - ảnh 4
Tiến sĩ Đinh Văn Phúc, Trưởng đại diện tuyển sinh Trường ĐH Duy Tân tại TP.HCM  THANH HẢI

Tiến sĩ Đinh Văn Phúc, Trưởng đại diện tuyển sinh Trường ĐH Duy Tân tại TP.HCM, thì lưu ý về tên chương trình đào tạo. Cụ thể, các trường ĐH có chương trình đào tạo đại trà và chương trình chất lượng cao. Tuy nhiên, trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT, thí sinh chỉ thấy chương trình đại trà mà không hiển thị chương trình chất lượng cao. “Trong trường hợp này, thí sinh cứ đăng ký vào chương trình đại trà sau khi trúng tuyển có thể lựa chọn học đại trà hoặc chất lượng cao”, tiến sĩ Phúc nói.

Đăng ký nguyện vọng xét tuyển: Tưởng trúng tuyển nhưng coi chừng lại… rớt - ảnh 5
Thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn   THANH HẢI

Còn thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết quá trình tiếp xúc trực tiếp với thí sinh, có nhiều trường hợp không nhớ được thông tin mình xét tuyển bằng các phương thức sớm như tổ hợp xét tuyển. Do đó, lúc đăng ký nguyện vọng trên hệ thống, thí sinh gặp khó khăn khi điền thông tin các nguyện vọng trúng tuyển sớm. “Một cách giải quyết đơn giản cho trường hợp này là đăng nhập vào hệ thống và tra cứu thông tin các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm, trong đó có thông tin mã tổ hợp xét tuyển”, thạc sĩ Trắng chia sẻ.

Thạc sĩ Trắng đồng thời nêu ra một lưu ý đặc biệt quan trọng giúp thí sinh tránh được tình trạng “Tưởng trúng tuyển nhưng coi chừng lại… rớt”. Ông Trắng nói: “Có một bước cuối cùng sau khi đăng ký nguyện vọng thí sinh rất dễ nhầm lẫn. Sau khi chọn nguyện vọng, hệ thống hiện lên dòng chữ “nguyện vọng đã được ghi nhận” và thí sinh nghĩ rằng đã hoàn thành việc đăng ký. Tuy nhiên, thí sinh vẫn cần thực hiện thêm một bước xác nhận bằng số điện thoại đến tổng đài, nhận mã và nhập mã vào hệ thống thì mới chính thức hoàn tất quy trình đăng ký”.

HÀ ÁNH

TNO