23/01/2025

Người Việt ở Ukraine đi tị nạn mong ngóng quay về

Người Việt ở Ukraine đi tị nạn mong ngóng quay về

6 tháng đầu năm 2022, với gần 800.000 đơn xin tị nạn chiến tranh Ukraine, Đức trở thành nước không giáp biên với Ukraine có số đơn xin tị nạn nhiều nhất, theo Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR).

 

Người Việt ở Ukraine đi tị nạn mong ngóng quay về - Ảnh 1.

Bà Petra Burkhard-Ost – một tình nguyện viên đã có 15 năm giúp đỡ người nước ngoài và người tị nạn – tại một lớp học tiếng Đức miễn phí của thành phố Neu-Isenburg – Ảnh: NGUYEN, P.

Từ TP Dortmund, chị Đỗ Thị Hoa Lý, người Ukraine gốc Việt, cho biết với một người phải chạy nạn chiến tranh, bỏ lại những gì thân thương nhất phía sau, cuộc sống không có tiếng còi báo động hiện tại ở Đức là một thế giới bình yên.

“Xin cảm ơn nước Đức về những gì đang có, nhưng trái tim tôi mong một ngày gần nhất có thể về Ukraine”, chị Lý tâm sự.

 

Tâm lý đã ổn định hơn

Ngày 3-3, một tuần sau khi Nga khai chiến tại Ukraine vào ngày 24-2, vợ chồng chị Lý cùng một số người Việt khác thuê ôtô sơ tán khỏi Ukraine và 4 ngày sau đó họ đã tới Đức. Một tháng đầu, vợ chồng chị Lý sống trong trại tị nạn. Sau đó cùng với 3 người Việt Nam khác đến từ Kharkov (Ukraine), họ được bố trí vào ở căn nhà hiện nay. Trong nhà có đồ nội thất cơ bản như bàn, ghế, giường, tủ lạnh…

Chị Lý cho biết chị vô cùng cảm kích sự giúp đỡ hào phóng của các nước châu Âu với hàng triệu người Ukraine đi tị nạn. Tiền điện nước, tiền ở, tiền đi lại, sim điện thoại… tất cả đều miễn phí. Và còn rất nhiều hỗ trợ khác như mỗi người được cấp 306 euro/tháng để mua thực phẩm, được hỗ trợ học tiếng Đức, được giới thiệu việc làm…

Ngày 17-7, chị Lý đi khám sức khỏe và làm thẻ bảo hiểm y tế ở Dortmund, thuốc chữa bệnh cũng được phát hoàn toàn miễn phí.

Chị cho biết một số người Việt từ Ukraine sang Đức tị nạn đã đi làm với công việc chủ yếu là phục vụ nhà hàng, quán ăn, dọn phòng khách sạn… Một phần vì những việc này không cần biết tiếng Đức, phần nữa vì nhiều người có ý chờ tình hình ổn định sẽ trở lại Ukraine.

Chị Lý chia sẻ nhờ “ơn giời” mà căn hộ của hai vợ chồng ở Kiev vẫn còn nguyên. Chị cầu mong chiến sự chấm dứt để mình trở về nhà ở Kiev và gặp lại con gái.

Người Việt ở Ukraine đi tị nạn mong ngóng quay về - Ảnh 2.

Đồ ủng hộ của một khu dân cư nhỏ cách trung tâm Frankfurt khoảng 8km về phía nam cho người tị nạn Ukraine vào ngày 5-3-2022 – Ảnh: NGUYEN, P.

“Trải thảm” bao bọc người tị nạn

Không coi người tị nạn là gánh nặng, Chính phủ Đức tin rằng nếu được quản lý tốt thì họ sẽ là nguồn lao động dồi dào bổ sung cho sự thiếu hụt nhân lực tại quốc gia dân số già.

Chính vì vậy, trước làn sóng tị nạn từ Ukraine, nước Đức hoàn toàn không lúng túng mà chủ động gửi thông điệp chào đón. Đầu tháng 4-2022, Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser thay mặt chính phủ hứa sẽ trợ giúp tốt nhất có thể để những người từ Ukraine chạy sang Đức tránh chiến tranh sớm có cuộc sống ổn định.

Trước hết, để giúp người tị nạn không hoang mang, lúng túng, nhiều năm qua cổng thông tin chính thức của Chính phủ Đức đã nêu đủ mọi thông tin liên quan người tị nạn và cả chuyên trang cho từng làn sóng tị nạn.

Điển hình như năm 2022 cổng thông tin “Germany4Ukraina” (Nước Đức hướng về Ukraine) nhanh chóng được lập ra bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có cả video ngôn ngữ cho người khuyết tật.

Trong chính sách với người tị nạn, ông Amar Ali, luật sư về người tị nạn, cho rằng Đức đã có những sửa đổi nhanh chóng nhằm nâng mức ưu đãi lên 90% mức trợ cấp xã hội thông thường từ năm 2015.

“Cụ thể, mỗi người lớn sẽ được hỗ trợ hơn 650 euro/người/tháng bao gồm 354 euro cho nhà ở và tiêu vặt, 161 euro cho bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe, 135 euro tiền đi lại.

Riêng với trẻ em từ 18 tuổi trở xuống, gói hỗ trợ cao nhất lên tới 500 euro/trẻ/tháng, trong đó 284 euro nhà ở và tiêu vặt, còn lại là mức bảo hiểm y tế và đi lại”, ông Ali cho biết thêm.

 

Người Ukraine sơ tán muốn quay về

Theo Hãng tin AP, hàng chục ngàn người Ukraine sơ tán khi chiến sự nổ ra nay đã hồi hương. Thiếu tiền vẫn là nguyên nhân lớn nhất khiến họ phải trở về. Văn phòng thị trưởng thành phố Pokrovsk ước tính 70% những người di tản ở địa phương này đã trở về nhà.

Tại thành phố lớn hơn như Kramatorsk, chính quyền cho biết trong thời gian đầu chiến sự dân số đã giảm từ 220.000 người xuống còn khoảng 50.000 người, nhưng nay con số này đã tăng lên 68.000 người. (MINH KHÔI)

 

200 người Việt lánh nạn đã về Ukraine

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 26-7, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch cho biết cộng đồng người Việt tại Ukraine hiện chỉ còn khoảng 400 người. Trong số này có khoảng 200 người vừa trở về Ukraine sau thời gian lánh nạn ở các nước láng giềng.

“Phần lớn những người trở về đều có lý do riêng, chẳng hạn họ có hàng hóa hay cơ sở làm ăn ở Ukraine. Đại sứ quán Việt Nam vẫn tiếp tục khuyến cáo bà con tiếp tục di chuyển đến những nơi an toàn hơn”, Đại sứ Thạch thông tin thêm.

Trước đó, trong thông tin gửi đến báo chí ngày 15-7, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết có khoảng 350 công dân Việt Nam đang ở tại Ukraine. Phần lớn (khoảng 270 người) đang ở tại thành phố cảng Odessa phía tây nam Ukraine.

Trước khi chiến sự bùng nổ, cộng đồng người Việt tại Ukraine có khoảng 7.000 người. Các cơ quan Việt Nam và hội đoàn người Việt đã phối hợp sơ tán được 5.200 người sang các nước lân cận, tổ chức các chuyến bay hồi hương khoảng 1.700 người. (DUY LINH)

HỒNG VÂN – NGUYEN, P. (từ Frankfurt, Đức)
TTO