23/12/2024

Kêu gọi WHO bỏ tên ‘đậu mùa khỉ’ vì sợ bệnh nhân mặc cảm trốn tránh

Kêu gọi WHO bỏ tên ‘đậu mùa khỉ’ vì sợ bệnh nhân mặc cảm trốn tránh

Trong thư gửi đến người đứng đầu WHO, giới chức y tế thành phố New York (Mỹ) cho rằng cái tên “đậu mùa khỉ” sẽ khiến người bệnh mặc cảm và trốn tránh thay vì tìm kiếm sự hỗ trợ, chăm sóc y tế.

 

Kêu gọi WHO bỏ tên đậu mùa khỉ vì sợ bệnh nhân mặc cảm trốn tránh - Ảnh 1.

Nhiều người xếp hàng bên ngoài một trung tâm tiêm vắc xin đậu mùa khỉ ở New York ngày 17-7 – Ảnh: AFP

Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu ngành y tế New York, ông Ashwin Vasan, gửi thư đến ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Lá thư được công bố ngày 26-7, theo Hãng thông tấn AFP.

Thành phố có khoảng 19 triệu dân này đang là nơi có nhiều ca mắc đậu mùa khỉ nhất ở nước Mỹ, nếu tính theo cấp thành phố. Hiện có 1.092 ca đã được công bố ở New York nhưng truyền thông cho rằng con số thực tế có thể còn cao hơn.

Trong thư gửi ông Tedros, ông Vasan cho rằng cái tên đậu mùa khỉ không xuất phát từ việc virus gây bệnh có nguồn gốc từ khỉ. Thay vào đó, cái tên này bắt nguồn từ việc căn bệnh xuất hiện ở những người da màu châu Phi.

Nếu tiếp tục giữ cái tên này, nó không chỉ gợi lại ký ức phân biệt chủng tộc đau đớn của nhân loại, mà còn khiến những người mắc bệnh hiện nay bị kỳ thị và trốn tránh sự hỗ trợ y tế, khiến cộng đồng da màu và cộng đồng LGBTQIA+ tổn thương cảm xúc.

Tháng trước, WHO đã lần đầu đề cập đến ý tưởng đổi tên bệnh đậu mùa khỉ. Đây không phải là lần đầu tổ chức này đổi tên các bệnh truyền nhiễm để tránh tạo ra các tranh cãi về nguồn gốc mầm bệnh, hoặc hình ảnh một quốc gia, khu vực.

Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy WHO đã chọn được một cái tên mới cho căn bệnh này. Tuần trước, tổ chức này đã phát cảnh báo khẩn cấp y tế toàn cầu vì bệnh đậu mùa khỉ.

Căn bệnh này đã xuất hiện từ hàng chục năm qua ở khu vực Tây và Trung Phi, nhưng hiếm khi lan ra các châu lục khác.

Thế giới chỉ thực sự chú ý khi các ca bệnh xuất hiện ở châu Âu, sau đó lan sang hàng chục nước với gần 17.000 người mắc phải chỉ trong vài tuần sau đó.

Các triệu chứng đầu tiên có thể bao gồm sốt và mệt mỏi, sau đó vài ngày là phát ban, chuyển thành các tổn thương da đau đớn kéo dài trong vài tuần trước khi biến thành vảy cứng và bong tróc.

Cho đến nay, không có trường hợp tử vong nào được báo cáo ở châu Âu hoặc Mỹ, nhưng đã có hơn 70 người chết tại châu Phi.

BẢO DUY
TTO