23/12/2024

Bộ Công thương loại nhiều dự án điện than, tăng điện gió, điện mặt trời

Bộ Công thương loại nhiều dự án điện than, tăng điện gió, điện mặt trời

Sẽ có 14.120MW nhiệt điện than được đề xuất không đưa vào Quy hoạch điện 8, nhưng Bộ Công thương tiếp tục kiến nghị cho đầu tư 2.428,42MW điện mặt trời với tổng chi phí là 12.700 tỉ đồng cùng các dự án điện khí.

Bộ Công thương loại nhiều dự án điện than, tăng điện gió, điện mặt trời - Ảnh 1.

Khu vực điện gió và điện mặt trời ở huyện Thuận Nam, Ninh Thuận – Ảnh: T.T.D.

Trong báo cáo mới nhất gửi Thường trực Chính phủ ngày 25-7 về các nội dung của đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8), Bộ Công thương đã nêu 3 kịch bản phát triển điện lực.

Bộ cho biết sẽ rà soát các dự án điện than đã có trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, nhưng sẽ không đưa vào dự thảo Quy hoạch điện 8, để thực hiện cam kết tại COP26. Cụ thể, trong tổng công suất 14.120MW nhiệt điện than không đưa vào Quy hoạch điện 8, có 8.420MW do các tập đoàn nhà nước được giao làm chủ đầu tư, bao gồm: dự án của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 3.600MW (Quảng Trạch 1, Tân Phước 1 và Tân Phước 2); dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là 1.980MW (Long Phú 3); dự án của Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV) được giao 2.840MW (Cẩm Phả 3, Hải Phòng 3 và Quỳnh Lập 1).

Ngoài ra, dự án đầu tư theo hình thức BOT là 4.500MW (Quỳnh Lập 2, Vũng Áng 3, Long Phú 2) và chưa giao nhà đầu tư 1.200MW (Quảng Ninh 3).

Với quy mô của các nguồn nhiệt điện than vào năm 2030 giảm mạnh, nhưng phù hợp với hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nên Quy hoạch điện 8 đã thay thế công suất điện than này bằng khoảng 14GW nguồn điện nền sạch hơn là điện LNG.

Còn lại bù bằng 12-15GW các nguồn năng lượng tái tạo (do số giờ vận hành các dự án nguồn năng lượng tái tạo chỉ bằng khoảng 1/3 (điện gió) và 1/4 (điện mặt trời) so với các nguồn điện than hoặc khí).

Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14-18 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 13-16 tỉ m3 vào năm 2045.

Theo đó, cùng với loại bỏ các nguồn điện than, Bộ Công thương kiến nghị tiếp tục đưa vào 2.428,42MW nguồn điện mặt trời tại các dự án đã có chủ trương đầu tư, được chấp thuận đầu tư và đang triển khai xây dựng, có tổng chi phí ước tính khoảng 12.700 tỉ đồng.

Lý do của việc tiếp tục đưa vào vận hành các dự án này theo Bộ Công thương là nếu trường hợp không tiếp tục triển khai sẽ gây lãng phí tài sản xã hội, có khả năng dẫn tới kiện tụng đòi bồi thường của Nhà nước. Vì vậy, để tránh rủi ro về mặt pháp lý, tránh xảy ra khiếu kiện và đền bù cho nhà đầu tư, cần tiếp tục chấp thuận triển khai dự án.

Đối với 4.136,25MW nguồn điện mặt trời còn lại tại các dự án đã được quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận đầu tư, Bộ Công thương kiến nghị giãn tiến độ sang giai đoạn sau năm 2030.

Tuy nhiên, định kỳ hằng năm sẽ rà soát, tính toán khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia, khả năng giải tỏa công suất cục bộ, vận hành hệ thống, trong trường hợp cần thiết sẽ xem xét, báo cáo Chính phủ đưa vào giai đoạn trước năm 2030 nếu các nguồn khác chậm tiến độ để đảm bảo cung ứng điện.

 

Yêu cầu cấp bách giải bài toán “nguy cơ thiếu điện”

Trước sự cố ngày 4-7 của hệ thống điện miền Bắc khi xuất hiện hiện tượng dao động điện áp dẫn tới ảnh hưởng gián đoạn cung cấp điện (mất điện), tờ trình về kế hoạch tiết kiệm điện năm 2022 và giai đoạn 2023 – 2025 của Bộ Công thương vừa được gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây đã chỉ rõ, việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Thực tế, dẫn chứng số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), sản lượng điện ngày toàn hệ thống điện quốc gia lần đầu tiên vượt 909 triệu kWh, vượt xa mức đỉnh năm 2021 là 880 triệu kWh.

Trong khi đó tốc độ xây dựng các nhà máy điện tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu tăng cao đang bị chậm, công suất đưa vào chỉ đạt 53% so với Quy hoạch điện 7, đặc biệt các dự án nhiệt điện than gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới cung cấp điện.

Bởi vậy, Bộ Công thương cho rằng tiết kiệm điện năng là một trong những giải pháp hữu hiệu, giúp đảm bảo an ninh cung ứng điện. Chỉ thị số 20/2020 của Thủ tướng đã đặt ra yêu cầu toàn dân và các tổ chức phải có trách nhiệm trong sử dụng tiết kiệm điện, mỗi năm giảm tối thiểu từ 2% tổng điện năng tiêu thụ quốc gia, giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6,5%; lĩnh vực chiếu sáng công cộng tiết kiệm 20% lượng điện.

Các lĩnh vực khác như thương mại, dịch vụ, du lịch, nông lâm, ngư nghiệp tiết kiệm tối thiểu 2%; lĩnh vực dân dụng tiết kiệm tối thiểu 2,5%.

NGỌC AN
TTO