Tình huống nào dễ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ?
Tình huống nào dễ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ?
Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (sờ, chạm…), quan hệ tình dục; làm việc trong khoảng cách gần hoặc không gian kín với người mắc đậu mùa khỉ,… có nguy cơ cao bị lây nhiễm.
Hôm nay 26.7, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã nghiệm thu “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở người”.
Tại cuộc họp, các chuyên gia nhận định, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Việt Nam dù chưa ghi nhận ca bệnh nhưng cần sớm ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị để ngăn chặn từ những ca bệnh đầu tiên, tránh nguy cơ lây lan thành dịch. Hiện, những quốc gia xung quanh Việt Nam như: Campuchia, Singapore, Thái Lan… cũng đã ghi nhận bệnh nhân.
Các chuyên gia của Bộ Y tế hưỡng dẫn về chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ; nêu các tình huống dễ lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ
LÊ HẢO |
Tham khảo từ thực tế các trường hợp bệnh cụ thể trên thế giới và hướng dẫn của WHO và các tổ chức y tế khác, các chuyên gia xác định có 4 giai đoạn trong diễn biến bệnh đậu mùa khỉ (ủ bệnh, khởi phát, toàn phát, hồi phục).
Các chuyên gia, nhà khoa học thống nhất chia các thể lâm sàng của bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ thành 3 thể: không triệu chứng, nhẹ và nặng.
Tại dự thảo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở người, Bộ Y tế cũng đưa ra phân loại 4 nguy cơ phơi nhiễm đậu mùa khỉ.
Trong đó, nguy cơ cao phơi nhiễm: là người tiếp xúc gần, trực tiếp với ca bệnh mà không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân.
Cụ thể, người tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh bao gồm các tiếp xúc da kề da với người bệnh (như: sờ, chạm…) và quan hệ tình dục; nhân viên y tế không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân thích hợp khi trực tiếp khám, chăm sóc, điều trị cho người bệnh; người cùng làm việc trong khoảng cách gần hoặc ở cùng phòng làm việc với không gian kín hoặc thông khí kém mà không sử dụng khẩu trang, phương tiện phòng hộ cá nhân.
Hoạt động giám sát với những trường hợp nguy cơ cao phơi nhiễm là theo dõi sức khoẻ trong 21 ngày sau phơi nhiễm; thực hiện báo cáo ca bệnh có thể nếu có biểu hiệu triệu chứng. Phòng sau phơi nhiễm bằng tiêm vắc xin theo hướng dẫn.
Nguy cơ trung bình: là khi tiếp xúc gần với các vật dụng có nguy cơ lây nhiễm. Cụ thể là tiếp xúc với các vật dụng sinh hoạt của người bệnh như: quần áo, chăn, chiếu, gối…
Một số tình huống phơi nhiễm đặc biệt khác do cán bộ dịch tễ trực tiếp điều tra xác định, bao gồm cả phơi nhiễm trong phòng xét nghiệm; hành khách ngồi ngay cạnh ca nhiễm bệnh trên máy bay.
Những trường hợp nguy cơ trung bình cần được theo dõi sức khoẻ trong 21 ngày sau phơi nhiễm. Đồng thời, thực hiện báo cáo ca bệnh nếu có biểu hiện triệu chứng. Phòng sau phơi nhiễm bằng tiêm vắc xin theo hướng dẫn.
Nguy cơ thấp là các ca nghi ngờ tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Cụ thể là tiếp xúc với trường hợp bệnh đậu mùa khỉ nhưng có sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân; tiếp xúc với trường hợp bệnh đậu mùa khỉ nhưng có sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân; tiếp xúc trong cộng đồng từ 1 – 3 m với ca bệnh có triệu chứng nghi ngờ; hành khách ngồi xung quanh hàng ghế với bệnh nhân có triệu chứng. Những trường hợp này được theo dõi sức khoẻ trong vòng 21 ngày, đồng thời cung cấp số điện thoại cho cơ quan giám sát và không bắt buộc tiêm vắc xin phòng sau phơi nhiễm.
Không có nguy cơ: là người không có tiếp xúc với ca bệnh. Cụ thể là không có tiếp xúc với ca bệnh đậu mùa khỉ có triệu chứng trong 21 ngày qua; hành khách ngồi cách xa trên 3 hàng ghế; nhân viên phòng thí nghiệm tuân thủ sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân…
LIÊN CHÂU
TNO