23/01/2025

Cơ hội ‘bung’ nhà ở xã hội

Cơ hội ‘bung’ nhà ở xã hội

Sau loạt bài về nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông HÀ QUANG HƯNG, cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đưa ra nhận định về nút thắt lớn nhất và nhiều giải pháp.

 

 

Cơ hội bung nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Tại khu lưu trú văn hóa thanh niên công nhân ở phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Công nhân làm việc trong các khu công nghiệp thường có xu hướng xê dịch. Thời gian tới, các chính sách phát triển nhà ở công nhân sẽ tập trung hỗ trợ phát triển mô hình ký túc xá công nhân và căn hộ cho gia đình công nhân thuê.

Ông HÀ QUANG HƯNG

Ông Hưng nói:

– Khoảng 1,2 triệu công nhân làm việc trong các khu công nghiệp có nhu cầu nhà ở. Hàng triệu người thu nhập thấp ở các đô thị cũng đang mong có nhà. Vì thế, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đặc biệt quan tâm tới việc tạo lập nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp tại đô thị.

Theo đó, Chính phủ tung cùng lúc hai gói tín dụng hỗ trợ phát triển nhà ở quy mô hàng chục ngàn tỉ đồng, yêu cầu Bộ Xây dựng sửa đổi Luật nhà ở theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Cụ thể thông tin hai gói hỗ trợ

* Theo nhận định của ông, nút thắt lớn nhất của chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân những năm qua là ở đâu và gỡ thế nào?

– Nút thắt lớn nhất là thiếu vốn. Nút thắt này dần được “gỡ” khi Chính phủ dành hai gói tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ trong chương trình phục hồi kinh tế – xã hội 2022 – 2023. Điều này sẽ kích thích việc phát triển nhà ở xã hội.

Đó là gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỉ đồng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho các khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất 4,8%/năm.

Và hỗ trợ 2% lãi vay ngân hàng thương mại cho các chủ đầu tư vay để xây nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ và nhà ở công nhân. Gói này nằm trong tổng thể gói hỗ trợ chung cho một số lĩnh vực sản xuất với quy mô hỗ trợ khoảng 40.000 tỉ đồng, tương đương tổng nguồn vay ưu đãi khoảng 2 triệu tỉ đồng.

* Với mức thu nhập của đa số công nhân hiện nay từ 7-10 triệu đồng/tháng, theo ông, họ cần bao nhiêu năm để có thể mua được một căn nhà?

– Hiện có nhiều mô hình nhà ở xã hội, với mô hình nhà ở xã hội cho hộ gia đình gồm 1-2 phòng ngủ, 1 phòng khách và bếp đang có giá bán khá cao. Ví dụ như khu nhà ở công nhân Viglacera xây dựng tại Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh (cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km), giá bán căn hộ khoảng 8 – 8,5 triệu đồng/m2; với một căn hộ diện tích trung bình khoảng 50 – 55m2, giá bán khoảng 425 – 500 triệu đồng/căn hộ.

Và với một hộ gia đình công nhân có thu nhập của cả hai vợ chồng khoảng 15 triệu đồng/tháng, mỗi tháng họ bỏ ra khoảng 3 triệu đồng tiền tiết kiệm mua nhà.

Với giá bán nhà này, nếu công nhân các khu công nghiệp và người thu nhập thấp tại đô thị tiếp cận được nguồn vay ưu đãi từ Chính phủ thời gian tới thì họ có thể mua nhà.

Nhưng người làm trong các khu công nghiệp thường có xu hướng xê dịch. Thường 3-5 năm họ di chuyển sang nhà máy khác. Ngoài 40 tuổi, họ thường có xu hướng về quê. Vì vậy, mô hình phù hợp nhất đối với công nhân là nhà ở cho thuê.

Thời gian tới, các chính sách phát triển nhà ở công nhân sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển hai mô hình: ký túc xá công nhân và căn hộ cho gia đình công nhân thuê.

Chính sách… quá khó

* Nhu cầu về nhà ở xã hội có cả triệu, nhưng vì sao đang có rất ít doanh nghiệp tham gia phát triển phân khúc này?

– Nhu cầu nhà ở xã hội thực sự lớn nhưng các doanh nghiệp lại không “nhiệt tình” đầu tư vì còn nhiều bất cập trong cơ chế.

Cụ thể, Luật nhà ở 2014 quy định các ưu đãi cho chủ đầu tư như được miễn tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, vay vốn tín dụng ưu đãi, được hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật…

Nhưng trên thực tế các ưu đãi này chủ đầu tư gần như không được hưởng mà chỉ có người mua nhà được hưởng lợi do những ưu đãi này không được tính vào giá thành nhà ở xã hội. Do đó không thu hút được doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân.

Luật nhà ở cũng không quy định việc bán nhà ở xã hội cho các tổ chức nên các doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu công nghiệp không thể đứng ra mua, thuê nhà ở xã hội cho người lao động.

Luật cũng có những quy định chưa phù hợp như: dự án nhà ở xã hội buộc phải dành 20% diện tích nhà ở cho thuê, nhưng nhiều khu nhà ở xã hội không cho thuê được dẫn tới tình trạng để không. Hay quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được giảm 70% thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng thực tế họ không được giảm thuế.

Bên cạnh đó, quy định về chọn chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân còn nhiều bất cập, thiếu tín dụng ưu đãi, thiếu mô hình nhà ở cho thuê…

Sẽ sửa luật, tạo thông thoáng hơn

* Nhiều chủ đầu tư kêu thủ tục phê duyệt một dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội phức tạp hơn nhiều so với nhà ở thương mại. Khi sửa Luật nhà ở trong thời gian tới, vấn đề này sẽ được gỡ vướng thế nào?

– Đúng là trình tự, thủ tục phê duyệt một dự án nhà ở xã hội có nhiều bước hơn so với nhà ở thương mại. Điều này một phần do dự án nhà ở xã hội nhận được ưu đãi, giảm thuế của Nhà nước, được dành 20% diện tích đất ở đầu tư nhà ở thương mại để bán… Vì thế, Nhà nước phải quản lý.

Tất nhiên, các quy định quản lý dự án nhà ở xã hội hiện nay quá chặt chẽ, nên Bộ Xây dựng đang dự thảo sửa đổi Luật nhà ở theo hướng tách riêng chính sách với nhà ở công nhân khỏi quy định chung về nhà ở xã hội theo hướng phê duyệt dự án, lựa chọn chủ đầu tư sẽ thông thoáng hơn.

* Để tăng nhanh nguồn cung về nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở của hàng triệu công nhân và người thu nhập thấp hiện nay, theo ông cần có giải pháp gì?

– Muốn tăng nhanh nguồn cung nhà ở, điều đầu tiên là các địa phương phải tạo quỹ đất sạch để nhà đầu tư có đất xây nhà ở xã hội. Thời gian qua Bộ Xây dựng đã kiểm tra tại nhiều địa phương, qua đó đốc thúc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Về lâu dài, bộ đang tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế ưu đãi hơn với các chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy giải ngân hai gói hỗ trợ vốn vay ưu đãi và đẩy nhanh việc sửa đổi các quy định pháp luật liên quan.

Hai luật “bẻ” nhau, công nhân khổ

Có sự không thống nhất giữa các quy định pháp luật. Luật nhà ở quy định trong quy hoạch phát triển khu công nghiệp của địa phương phải bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân. Nhưng Luật đất đai lại quy định người dân không được sinh sống trong khu công nghiệp. Không được sinh sống thì không thể làm nhà ở trong khu công nghiệp.

Để khắc phục điều này, Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư chuẩn bị trình Chính phủ sửa nghị định 82 năm 2018 về quản lý phát triển khu công nghiệp, trước mắt sẽ giải quyết vướng mắc này theo hướng quy định trong quy hoạch diện tích đất phát triển khu công nghiệp có phần đất dịch vụ thương mại dành để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân.

Mặt khác, trong việc quy hoạch các khu công nghiệp hiện nay các địa phương chưa thực sự quan tâm tới dành quỹ đất phát triển nhà ở công nhân. Trong khi trung bình một khu công nghiệp có ít nhất 50% lao động ngoại tỉnh, họ có nhu cầu chỗ ở để làm việc.

Cả nước đang xây 399 dự án nhà ở xã hội

QD_NhaOXaHoi_duongHoangHoaTham11 3(Read-Only)

Dự án nhà ở xã hội trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến hết năm 2020 cả nước có khoảng 2,7 triệu công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở.

Tính đến tháng 4-2021, cả nước có khoảng 392 khu công nghiệp với tổng diện tích 119.900ha, trong đó 286 khu công nghiệp đang hoạt động.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng cho biết tính đến nay cả nước đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội, với quy mô xây dựng 147.000 căn nhà, và đang tiếp tục triển khai xây dựng 399 dự án nhà ở xã hội với quy mô 372.000 căn nhà.

Tính riêng trong năm 2021 đã xây dựng được 17 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng 28.700 căn.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, cả nước hoàn thành xây dựng 9 dự án nhà ở xã hội với quy mô 4.900 căn nhà.

BẢO NGỌC – QUANG THẾ thực hiện
TTO