18/11/2024

Tuyển sinh đại học bằng học bạ: Nên duy trì hay huỷ bỏ?

Tuyển sinh đại học bằng học bạ: Nên duy trì hay huỷ bỏ?

Hàng chục năm qua giáo dục nước ta cứ lặp đi lặp lại vấn đề, Bộ GD-ĐT đưa ra quy chế thi, tuyển sinh mới là học sinh, giáo viên, nhà trường, phụ huynh có đối sách ‘lách quy chế’.

 

 

Tiêu cực, gian lận nảy sinh đến mức phải bỏ để thay bằng quy chế mới khác hoặc trở về như cũ. Liệu việc tuyển sinh đại học bằng kết quả học tập THPT (xét học bạ) có bị hủy bỏ, khi phương thức này nảy sinh nhiều bất cập và bất công.

Tuyển sinh đại học bằng học bạ: Nên duy trì hay hủy bỏ? - ảnh 1
Hầu hết các trường đại học hiện nay đều có phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ  ĐÀO NGỌC THẠCH

Tuyển thẳng học sinh tốt nghiệp THPT giỏi phải hủy do tiêu cực

Giai đoạn từ năm 1998 – 2005, giáo dục nước ta thực hiện quy chế tuyển thẳng đại học đối với học sinh tốt nghiệp THPT giỏi. Đây là một chính sách tiến bộ nhằm khuyến khích mọi học sinh (HS) nỗ lực học tập, rèn luyện. Tiêu chuẩn ban đầu là, HS tốt nghiệp loại giỏi (học lực giỏi, hạnh kiểm tốt, trung bình điểm thi (TBĐT) 8,0 trở lên, không có môn nào dưới 7,0 điểm). Năm đầu tiên áp dụng, số HS được tuyển thẳng rất ít, có tỉnh chỉ 3-5 em. Đến năm thứ 2, số HS được tuyển thẳng tăng lên hàng chục lần, đa số là con em giáo viên, cán bộ công chức.

Để đạt được tuyển thẳng ĐH, trước hết HS đạt HS giỏi cả năm nên con em giáo viên, cán bộ quản lý trường có lợi thế vì được nâng đỡ. Khi thi, HS được gửi gắm, bố trí giám thị coi thi là người quen để dễ quay cóp tài liệu, được gợi ý lời giải hoặc nhận bài giải từ ngoài vào. Khi chấm thi nhờ giám khảo tìm bài, đoán phách hoặc xin phách, khi tìm được bài, xin giám khảo nâng điểm. Cá biệt, có trường hợp giám khảo là người quen rút bài về nhà cho HS làm lại rồi mang trả vào tập bài để chấm.

Trước thực trạng tiêu cực, năm 2004, 2005 Bộ GD-ĐT bỏ tuyển thẳng, chỉ cộng điểm thưởng cho HS tốt nghiệp giỏi: 2 điểm đối với HS có TBĐT từ 9 trở lên; 1,5 điểm đối với HS có TBĐT từ 8,5 đến cận 9; 1,0 điểm đối với HS có TBĐT từ 8,0 đến cận 8,5. Từ năm 2006, Bộ GD-ĐT bỏ luôn việc thưởng điểm.

Tuyển sinh đại học bằng học bạ: Nên duy trì hay hủy bỏ? - ảnh 2
Trước đây từng thực hiện quy chế tuyển thẳng đại học đối với học sinh tốt nghiệp THPT giỏi  NGỌC DƯƠNG

Nâng điểm để học sinh đạt giải quốc gia đỗ loại khá

Từ năm 2006, quy chế mới chỉ còn diện tuyển thẳng ĐH đối với HS đạt giải nhất, nhì, ba quốc gia kèm theo yêu cầu HS phải tốt nghiệp THPT loại khá trở lên. Nhưng do những HS tham gia đội tuyển quốc gia tập trung cao độ cho luyện môn thi, các môn học khác không có thời gian học, kiến thức bị hỏng khá nhiều, việc dạy bù, kiểm tra nhẹ nhàng hoặc cho khống điểm để hợp thức hóa. Tuy nhiên, thi tốt nghiệp phải thi 6 môn, nên những HS này khó đạt tốt nghiệp khá, giỏi. Điều này ảnh hưởng tâm lý HS dự thi quốc gia, nhiều em đã từ chối vào đội tuyển. Do đó, một số Sở GD-ĐT khi chấm thi đã lưu ý phách bài 6 môn thi của những HS đã đạt giải quốc gia để rà soát, nếu có môn nào điểm thấp thì “cứu” môn này bằng cách đề nghị khéo giám khảo nâng điểm.

Đến nay, diện tuyển thẳng không yêu cầu tốt nghiệp loại khá nên việc rà soát điểm chấm dứt.

 

Muôn kiểu gian lận

Từ năm 2015, ngành GD-ĐT đổi mới phương thức thi theo hướng giảm áp lực và tốn kém mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, làm cơ sở cho xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Điểm xét tốt nghiệp bao gồm 50% TBĐT và 50% điểm trung bình cả năm lớp 12.

Tuyển sinh đại học bằng học bạ: Nên duy trì hay hủy bỏ? - ảnh 3
Có trường yêu cầu giáo viên ký khống học bạ trước và thuê người nhập điểm riêng   T.L

Từ đó, đã nở rộ hiện tượng “làm đẹp” học bạ lớp 12 của nhiều trường. Có trường định hướng kiểm tra lớp 12 nhẹ nhàng để HS có đạt điểm cao nhưng hạn chế đạt HS giỏi, vì tỷ lệ HS giỏi cao sẽ bị thanh tra. Từ năm 2017, tuyển sinh ĐH có thêm phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập cấp THPT, nên gian lận, tiêu cực, phóng điểm “trăm hoa đua nở”.

Có trường THPT thực hiện 2 sổ điểm khác nhau, một sổ điểm phản ánh trung thực, một sổ điểm “làm đẹp” theo nhu cầu tuyển sinh ĐH của HS. Cách thức thực hiện rất chặt chẽ nên khó phát hiện khi thanh tra. Có trường yêu cầu giáo viên ký khống học bạ trước và thuê người nhập điểm riêng.

ĐH quốc gia TP.HCM tuyển thẳng những HS đạt HS giỏi ở các trường chuyên, trường THPT chất lượng cao trong toàn quốc. Từ đó, các trường chuyên đua nhau cho HS điểm cao, tỷ lệ HS giỏi có trường chuyên trên 50%. Nhưng khi thi tốt nghiệp, điểm thi HS chuyên nhiều môn đạt rất thấp so với điểm học bạ. Bằng chứng là có trường chuyên ở miền Trung có chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi cao nhất tỉnh.

Có trường tư thục cam kết với phụ huynh là HS đỗ ĐH, nên ngay từ lớp 10, nhà trường đã khảo sát nhu cầu, tư vấn để HS chọn trường, ngành ĐH thích hợp. Nhà trường chỉ đạo làm học bạ với điểm cao hơn điểm chuẩn xét theo học bạ các năm của trường ĐH mà HS muốn học, bất chấp kết quả học tập của HS như thế nào. Do đó, chênh lệch điểm học bạ và điểm thi của các nhiều trường tư rất cao, có trường trên 3,5 điểm (trung bình học bạ 8,5 nhưng TBĐT dưới 5,0).

Các trường ĐH tăng chỉ tiêu tuyển sinh học bạ nên học thêm của HS lớp 12 thay đổi theo hướng: học với thầy cô trong trường hoặc học thêm một lúc 2 thầy, một thầy để nâng cao kiến thức và thầy dạy trên lớp để kiếm điểm, dẫn đến bất công ngay trong lớp, trong trường, giữa các trường và giữa các địa phương.

Theo xu hướng của thế giới, tuyển sinh ĐH ở nước ta ngày càng đa dạng hóa, với hàng chục phương thức xét tuyển như: dựa vào kết quả tốt nghiệp THPT; dựa vào kết quả học tập theo tổ hợp môn; dựa vào kết quả kỳ thi riêng (đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá năng lực chuyên biệt,…); tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD-ĐT, theo quy định của ĐH Quốc gia TPHCM; dựa vào giải HS giỏi; học lực kết hợp phỏng vấn; chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi THPT; kết hợp học bạ với năng khiếu…

Sự đa dạng này mang tính tích cực, tiến bộ, tạo cơ hội cho HS học ĐH, mỗi phương thức có những ưu, nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nếu không hạn chế tiêu cực sẽ gây nhiều hệ lụy. Thực trạng điểm chuẩn ĐH theo phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ theo hướng “lạm phát” như hiện nay đang đặt ra nhiều mối lo về chất lượng thật sự của giáo dục.

HỒ SỸ ANH

TNO