23/12/2024

Nhà nông lao đao vì chi phí tăng cao

Nhà nông lao đao vì chi phí tăng cao

Giá thức ăn chăn nuôi, phân bón tăng vọt khiến nông dân từ chăn nuôi đến trồng trọt gặp nhiều khó khăn. Sản xuất và xuất khẩu nông sản được xem là trụ đỡ của nền kinh tế đang bị lung lay.

 

 

Mặt bằng giá thức ăn chăn nuôi năm 2021 vốn dĩ đã ở mức cao do khâu vận chuyển gặp khó khăn, chuỗi cung ứng đứt gãy. Đến đầu năm 2022, nhóm hàng này liên tiếp tăng vọt khiến người chăn nuôi điêu đứng.

Ông Lý Văn Bon, ngụ Q.Bình Thủy (Cần Thơ), sống bằng nghề nuôi cá bè, cho biết: Tùy loại cá mà giá thức ăn cao thấp khác nhau nhưng nhìn chung là đầu năm đến nay, tăng liên tục. Gần như mỗi tháng tăng một lần, mỗi lần tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với cuối năm ngoái, mặt bằng giá thức ăn nuôi cá đã tăng thêm khoảng 7.000 đồng. Cụ thể, thức ăn cho cá thác lác hiện khoảng 27.000 đồng/kg, thức ăn cho cá điêu hồng khoảng 18.000 đồng/kg. Ngoài giá thức ăn thì thuốc thú ý, chi phí xăng dầu, tiền thuê nhân công, lãi ngân hàng… cái gì cũng tăng. Nếu cộng thêm khấu hao cơ sở vật chất (lồng bè) nữa thì người nuôi cá không còn lợi nhuận.

Nhà nông lao đao vì chi phí tăng cao - ảnh 1
Nông dân nuôi cá tra ở ĐBSCL  CHÍ NHÂN

Sống với nghề nuôi cá hơn 30 năm, ông Bon nhớ lại: 20 năm trước, giá cá thác lác lên đến cả 100.000 đồng/kg, trong khi giá thức ăn chỉ 10.000 đồng/kg. Giờ giá thức ăn tăng gấp gần 3 lần mà giá cá bán ra hiện giảm còn 60.000 – 70.000 đồng/kg, thậm chí nhiều lúc có 40.000 đồng/kg. Nhiều loại cá khác cũng trong tình trạng tương tự. Cụ thể, cá điêu hồng trước 40.000 – 50.000 đồng/kg mà thức ăn chăn nuôi chỉ có 5.000 đồng/kg; nay thì giá thức ăn tăng hơn 3 lần mà giá cá thường chỉ 30.000 – 40.000 đồng/kg.

Tương tự tình cảnh ông Bon là những người nuôi cá tra xuất khẩu. Giá cá tra hiện khoảng 28.000 – 29.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 – 6.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chậm hơn so với mức tăng giá thức ăn chăn nuôi, khiến người nuôi cá không có lãi.

Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy sản CAFATEX (Cần Thơ), lo ngại: Không có lời khiến nhiều người nuôi cá đành treo ao không dám tái đàn. Việc này cũng làm giá cá giống giảm xuống ngang giá cá thịt, trong khi thông thường giá cá giống luôn cao hơn gấp đôi giá cá thịt. Sắp tới, ngành chế biến cá tra xuất khẩu đối diện nguy cơ thiếu nguyên liệu.

Nhiều nông dân nuôi tôm ở các tỉnh ven biển miền Tây cũng đang đối mặt với sự thua lỗ do dịch bệnh làm sản lượng giảm và giá thức ăn tăng cao. Ông Dương Văn Sẻn, ngụ xã Hòa Tú 1 (H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), so sánh: Năm nay giá thức ăn, thuốc thú y tăng bình quân ít nhất 30% so với đầu năm, nhưng người dân vẫn lạc quan vì giá tôm tăng cao 10.000 – 15.000 đồng/kg. Không ngờ thời tiết bất lợi làm tôm hao hụt nhiều, tôm nuôi không lớn, có người mất trắng dẫn đến thua lỗ nặng.

Chiếm số lượng đông nhất và gặp khó khăn nhất cũng chính là nông dân trồng lúa. Ông Nguyễn Văn Thành ở Thoại Sơn (An Giang) mấy ngày này đang rất rối do lúa chín chuẩn bị thu hoạch mà trời cứ mưa. Trong khi đó, giá lúa thì thấp trung bình từ 5.500 – 6.000 đồng/kg, tùy loại và chất lượng. Ngoài giá phân urê giảm nhẹ khoảng 1.000 đồng/kg, các loại phân khác vẫn cao. Chi phí sản xuất vụ hè thu năm nay cao gấp đôi năm trước. Vậy mà giá lúa hiện nay còn giảm khoảng 200 đồng/kg so với đầu năm nay. “Làm lúa bây giờ chán lắm, nhưng không làm cũng không được bỏ hẳn sẽ không có đồng ra đồng vào”, ông Thành cho biết.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong vụ hè thu năm 2022, diện tích gieo sạ toàn vùng Nam bộ trên 1,5 triệu ha, giảm 20.000 ha so với vụ hè thu 2021. Riêng vùng ĐBSCL diện tích xuống giống giảm 16.000 ha. Vụ thu đông 2022, vùng ĐBSCL diện tích gieo sạ giảm 3.500 ha. Phát biểu tại hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu 2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông, vụ mùa năm 2022”, bà Hồ Thị Ngọc Lan – Phó giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Long An, cho biết nông dân bỏ lúa vì giá vật tư nông nghiệp tăng cao.

CHÍ NHÂN

TNO