19/11/2024

Tương lai khó đoán của đồng euro

Tương lai khó đoán của đồng euro

Ngày 21-7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) họp bàn về chính sách tiền tệ của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro (Eurozone) tại Frankfurt (Đức) và công bố quyết định nâng lãi suất lên nửa điểm phần trăm.

 

Tương lai khó đoán của đồng euro - Ảnh 1.

Bà Christine Lagarde, chủ tịch ECB, sẽ đối mặt với những thách thức rất lớn trước các quyết sách quan trọng về chính sách tiền tệ cho toàn Liên minh châu Âu – Ảnh: Reuters

Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên trong 11 năm qua của ECB. Việc tăng lãi suất được cho là sẽ giúp người dân châu Âu đối phó lạm phát và vực dậy đồng euro (EUR) đang suy yếu.

 

Chống lạm phát, ổn định tăng trưởng

Quyết định tăng lãi suất của ECB đã khớp với nhiều dự báo trước đó cho rằng ECB sẽ nâng lãi suất lên 0,5 điểm %, trong đó có đánh giá của Ngân hàng Goldman Sachs.

Nhiều ngân hàng dự báo ECB sẽ còn có các đợt điều chỉnh lãi suất tiếp theo để có thể đưa tỉ giá đồng euro so với USD về mức trung lập vừa phải. Việc đồng euro trượt giá xuống bằng USD (có lúc thấp hơn) đang thể hiện tình trạng kinh tế yếu kém ở châu Âu.

Tuần trước, ngày 13-7, đồng euro giảm mạnh với 1 EUR đổi 0,9981 USD – mức yếu nhất kể từ năm 2002. Đến sáng 20-7, đồng euro nhích lên 1,02 so với USD.

Việc euro mất giá gây rất nhiều ảnh hưởng cho thị trường châu Âu cũng như cuộc sống của người dân nơi đây.

Chi phí nhập khẩu hàng hóa vào châu Âu tăng mạnh trong lúc lạm phát vốn đã tăng cao, hàng xuất khẩu từ châu Âu lại mất giá khiến lục địa già mấp mé bên bờ một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn.

Một nguyên nhân chính khiến đồng euro mất giá so với USD là chính sách lãi suất của ECB và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Washington đang cần một đồng đôla mạnh để chống lại lạm phát.

Chủ tịch FED, ông Jerome Powell, tháng trước đã nói với các lãnh đạo tại quốc hội rằng đồng đôla mạnh có thể giúp giảm lạm phát.

Trong những tuần qua, một số quan chức ECB đã công khai bày tỏ quan điểm muốn thấy một đồng euro mạnh hơn, đây là tín hiệu cho thấy ECB có thể sẵn sàng tăng lãi suất.

Nhà kinh tế trưởng của ECB, ông Philip Lane, đã phê phán sự yếu kém của đồng euro tại cuộc họp chính sách mới nhất của ngân hàng vào tháng 6 vừa qua, và các quan chức ECB đã để ngỏ tại cuộc họp đó về khả năng tăng lãi suất trong tháng này.

Tương lai khó đoán của đồng euro - Ảnh 2.

Nguồn: TradingView – Đồ họa: N.KH.

Lo khủng hoảng kinh tế

Tuy vậy, vẫn có một số thành viên trong ECB tin rằng việc tăng lãi suất nhanh chóng quá sẽ tạo ra thất bại thị trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của ECB.

Ông Kiran Ganesh, chiến lược gia tại Ngân hàng UBS, cho rằng đồng euro sẽ phục hồi so với USD khi FED giảm lãi suất.

Ông Christian Keller, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Công ty Barclays, nói với Hãng tin Reuters rằng nếu cuộc khủng hoảng năng lượng tiếp tục xảy ra thì đồng euro có thể sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.

Ngoài ra, ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng chính trị tại Ý cũng tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực tới tỉ giá EUR – USD.

Việc Thủ tướng Ý Mario Draghi đệ đơn từ chức tuần trước do không nhận được sự ủng hộ của Đảng Phong trào 5 sao về kế hoạch ngăn chặn giá cả tăng cao sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp lên cách ECB xử lý vấn đề lãi suất.

Nếu ông Draghi từ chức, ECB sẽ phải đối mặt với một Chính phủ Ý ít thân thiện hơn với đồng euro ngay giữa một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn.

Việc ECB vẫn còn do dự trong việc tăng lãi suất là tín hiệu cho thấy tỉ giá EUR – USD sẽ vẫn ở mức thấp trong thời gian tới khi mà các cuộc khủng hoảng chính trị nói trên vẫn chưa có lối ra.

Dù tỉ giá EUR – USD có dấu hiệu phục hồi trong sáng 20-7, các chuyên gia kinh tế ở Ngân hàng Morgan Stanley dự đoán tỉ giá này sẽ giảm xuống 0,97 trong thời gian tới. Một số chuyên gia thậm chí còn dự đoán tỉ giá sẽ giảm xuống dưới mức 0,9 trước khi tăng trở lại.

 

Thách thức hiện nay với đồng euro

Việc tỉ giá đồng euro kém hơn USD hiện nay khiến người châu Âu nhớ về những năm 2000, khi đồng euro mới đưa vào sử dụng và cũng yếu hơn nhiều so với USD.

Vào thời điểm đó, để thúc đẩy kinh tế châu Âu, ngân hàng trung ương các nước đã vào cuộc. Phải mất gần 3 năm, từ 2000 – 2002, đồng euro mới đạt mức ngang giá với USD. Tỉ giá giao dịch của nó đã mạnh hơn so với USD kể từ đó.

Tuy vậy, nếu vào những năm 2000 thách thức với đồng euro là vấn đề “khủng hoảng niềm tin” thì lúc này là các chính sách không kịp thời của ECB và các biến cố chính trị nghiêm trọng, bao gồm cả cuộc khủng hoảng chính trị ở Ý và khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga – Ukraine gây ra.

MINH TRÍ
TTO