25/12/2024

Thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ – Kỳ 4: Những điểm sáng công nghiệp hỗ trợ

Thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ – Kỳ 4: Những điểm sáng công nghiệp hỗ trợ

Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành và áp lực cạnh tranh lớn, ngành công nghiệp hỗ trợ VN vẫn có nhiều điểm sáng. Dưới đây là những câu chuyện điển hình thành công.

 

 

Thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ - Kỳ 4: Những điểm sáng công nghiệp hỗ trợ - Ảnh 1.

Sản xuất tại Công ty Cát Vạn Lợi, cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp nội địa và xuất khẩu – Ảnh: N.HIỂN

Ngay trong thời điểm dịch bệnh, các đơn hàng xuất khẩu vẫn đều đều, cá biệt có những doanh nghiệp tăng mạnh.

 

Sản xuất khuôn cho Hãng xe điện Tesla

Cuối tháng 6, ông Nguyễn Văn Trí – tổng giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, một đơn vị chuyên về cơ khí khuôn mẫu – dẫn chúng tôi tham quan nhà máy đang được mở rộng hơn 10.000m² với 4 tòa nhà khang trang tại quận 7 (TP.HCM). Ông cho biết đã đầu tư mạnh vào cơ khí khi nhìn thấy cơ hội đón sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng trong 2 năm dịch bệnh và quyết định “chơi lớn”: đầu tư dây chuyền máy móc, tăng sản lượng và chất lượng toàn cầu nhưng giá phải rẻ hơn các doanh nghiệp Trung Quốc.

Chỉ tay vào khuôn cản nhựa, hộp đựng cầu chì xe điện Tesla của tỉ phú Elon Musk, GM Motor và một số dạng khuôn cung cấp cho GS (đơn vị sản xuất ăcquy) đang đóng được quấn nilông, ông Trí cho biết lô hàng này đã gửi mẫu sang Mỹ kiểm tra, khi hoàn tất đánh giá sẽ xuất trong tháng 7.

Từ lầu 1 đến lầu 7 của tòa nhà sản xuất khuôn, ông Trí cho hay đã đầu tư hàng trăm tỉ vào hệ thống máy móc do tốc độ đơn đặt hàng của các đối tác bên Mỹ tăng nhanh trong 3 năm gần đây. Trước đây doanh thu khoảng 1 triệu USD, năm 2021 Công ty Lập Phúc đã tăng tới 4 triệu USD.

Theo ông Trí, hiện nay cuộc thương chiến Mỹ – Trung, khuôn từ Trung Quốc đang áp thuế 28%, còn khuôn của VN chỉ 3%. Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vừa là thách thức vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp có tiềm lực. Tuy vậy, không phải đơn giản đơn hàng chạy về. Cầm những sản phẩm mẫu vừa được hoàn thiện, ông Trí cho biết là kết quả của hành trình “ngủ ngày, họp đêm” để giành đơn hàng. Có 4 người con trai theo học ngành cơ khí tại Mỹ, trái múi giờ, công ty vẫn tăng ca làm việc ban ngày, ban đêm sáng đèn để họp với đối tác ở Mỹ. Lợi thế về ngôn ngữ và mối quan hệ trước đó, ông Trí cùng 4 người con trai đã làm việc xuyên suốt mùa dịch để chốt đơn hàng. “Nói thành công cũng chưa phải, nhưng 2 năm dịch bệnh, chúng tôi vẫn làm không xuể” – ông Trí nói.

 

Vươn lên từ “ngành xí quách”

Ít ai có thể hình dung một nhà máy của người Việt chuyên sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện công nghiệp đặt tại TP.HCM chỉ với quy mô 150 nhân sự nhưng nhiều năm qua đã là nhà cung cấp uy tín, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho các tập đoàn lớn như Toshiba, Jesco Asia, Comin Asia…

Trong nhà xưởng rộng 15.000m² áp dụng mô hình 5S của Nhật Bản tại Khu công nghiệp Cơ khí ôtô TP.HCM, các công nhân của Công ty CP thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi miệt mài vận hành máy móc để cho “ra lò” các sản phẩm vật tư cơ điện phục vụ thị trường trong nước và xuất ngoại. Trải qua 2 năm dịch bệnh, nhà máy này vẫn luôn sáng đèn để xuất khẩu và cung ứng cho khoảng 20 nhà thầu cơ điện Nhật tại VN.

Kiểm tra những lô hàng vừa xuất xưởng, tổng giám đốc Lê Mai Hữu Lâm cho biết để có chỗ đứng trên thương trường như bây giờ, doanh nghiệp trầy trật đi lên từ con số 0 suốt 15 năm qua.

Ông Lâm nói đùa rằng đây là ngành “xí quách”, khó nhai khi mua sắm máy móc hàng triệu USD nhưng nếu không thể cạnh tranh và không có đơn hàng thì chỉ có nước đi bán… sắt vụn.

Với quyết tâm tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Lâm đã nhiều lần tham gia các khóa học về đào tạo nguồn nhân lực tại Nhật Bản và mỗi năm dành đến 3 tháng đi tiếp thị, học tập xu hướng thế giới khắp các hội chợ về công nghiệp phụ trợ quốc tế.

Do là doanh nghiệp đi sau, những sản phẩm làm ra khó cạnh tranh về giá cả, máy móc với các nhà sản xuất khác trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc nên ông Lâm đã quyết định chọn thị trường ngách với những sản phẩm hiếm ở VN: các ống thép luồn dây điện, hệ treo, giá đỡ, sản phẩm chống sét, máng cáp lưới… đạt chuẩn quốc tế.

Bên cạnh xuất khẩu, các sản phẩm của doanh nghiệp này cũng xuất hiện ở các công trình lớn trong nước như tuyến metro số 1, các nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vân Phong, Nhà máy lọc dầu Long Sơn…

Thép VN đã có thể chủ động nguyên liệu đầu vào, song vẫn còn rất nhiều nguyên liệu khác phải nhập khẩu từ các nước mà trong đó chủ yếu là Trung Quốc. Vì vậy, trước một Trung Quốc có lợi thế về máy móc, sản xuất các đơn hàng lớn nên giá rẻ, ông Lâm quyết tâm phải đảm bảo uy tín, đảm bảo chất lượng sản phẩm 10 lô như 1, giao hàng đúng tiến độ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

“Làm kiểu lôm côm là thua. Nhờ có các chứng nhận quốc tế, được đưa vào danh sách các nhà cung ứng uy tín nên rất thuận lợi để tham gia vào chuỗi cung ứng”, ông Lâm chia sẻ.

Về phía chính sách trợ lực từ Nhà nước, ông Lâm cho hay dù đã có nhưng cần đẩy mạnh hơn nữa để chính sách đi vào thực tế, nhất là ưu đãi về đất đai, hạ lãi suất, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn…

 

Tình hình đang thay đổi

“VN có nền công nghiệp hỗ trợ tự cường và tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu là mong ước không dễ thực hiện”, ông Lê Mai Hữu Lâm nói từ kinh nghiệm của mình và cho rằng mấu chốt là làm ăn bài bản, chất lượng.

Với Công ty Cát Vạn Lợi, ông Nguyễn Văn Trí cho rằng nếu như trước đây có sự e ngại cạnh tranh với Trung Quốc thì hiện nay đã khác, doanh nghiệp Việt nếu làm bài bản có chiến lược vẫn chớp được thời cơ và làm tốt hơn. Các doanh nghiệp FDI, trong đó có “ông lớn” Panasonic hay các doanh nghiệp nội như Tân Á Đại Thành, cũng tìm đến đặt hàng các loại khuôn của ông.

NGỌC HIỂN – CÔNG TRUNG
TTO