19/11/2024

Nhiều doanh nghiệp vận tải sẽ giảm giá cước

Nhiều doanh nghiệp vận tải sẽ giảm giá cước

Giá xăng dầu dự kiến điều chỉnh giảm mạnh, xuống mốc khoảng 25.000 đồng/lít. Nhiều doanh nghiệp vận tải “thở phào” khi gánh nặng chi phí được giảm bớt và cho biết đang tính toán hạ giá cước với khách hàng.

 

 

Nhiều doanh nghiệp vận tải sẽ giảm giá cước - Ảnh 1.

Giá cước vận tải đang có xu hướng điều chỉnh giảm theo giá xăng dầu – Ảnh: C.TRUNG

Là công ty chuyển phát với đội xe nhiều, hoạt động khắp cả nước, ông Đỗ Văn Thắng – tổng giám đốc Công ty CP Bưu chính VN (Vintrans) – cho hay khi giá xăng điều chỉnh là giá cước lập tức sẽ tự động giảm.

 

Có doanh nghiệp cam kết

Theo các hợp đồng ký kết của đối tác với Vintrans, xăng dầu tăng giảm 10% sẽ tự động điều chỉnh giá theo tỉ lệ 3,5%. Dù không đưa con số chi tiết nhưng ông Thắng cho biết giá cước của Vintrans đang bắt đầu giảm.

Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết sức lan tỏa của việc giảm giá xăng dầu sẽ thể hiện rõ hơn khi giá cả hàng hóa đồng loạt hạ nhiệt sau một thời gian căng thẳng. Đây là tín hiệu đáng mừng trong giai đoạn hiện nay.

Ông Trần Văn Thành – tổng giám đốc Công ty vận chuyển Á Châu (quận 12, TP.HCM) cho biết sẽ tiết kiệm hơn 600 – 800 triệu đồng/tháng nếu giá xăng tiếp tục giảm ở mức kỳ vọng 25.000 đồng/lít. Mức giảm này giúp mỗi chuyến hàng vận chuyển “dễ thở” hơn so với trước đây.

 

Giảm giá cước chưa rõ nét

Trong khi đó, dù nhiều doanh nghiệp vận tải nói sẽ giảm giá cước khi giá xăng dầu giảm nhưng trên thực tế không hẳn vậy.

Hiện nay hàng trái cây, thủy sản từ miền Tây lên TP.HCM, theo các đầu mối nhập hàng, vẫn đang căng với giá cước vì nhà xe chưa chịu giảm. Chị Thanh, chủ vựa Cua Cà Mau (quận Bình Thạnh), phàn nàn nhà xe chuyên chở từ Cà Mau lên TP.HCM vẫn hứa tới hẹn lui chứ chưa giảm cước. 3 ngày/lần, chị Thanh đặt chở hơn 50 thùng cua gạch, giá trọn gói 7 triệu đồng. Từ tháng 3 đến tháng 6-2022, giá xăng dầu tăng mạnh, phía nhận chuyển đề nghị tăng 9 triệu đồng và chị Thanh đồng ý. Tuy nhiên đến nay xăng dầu giảm nhưng giá cước vẫn giữ nguyên. “Họ cứ hứa nhưng đâu có giảm. Nếu giá cước giảm, tất nhiên giá cua bán sỉ sẽ rẻ hơn so với trước” – chị Thanh nói.

Khảo sát giá tại các công ty chuyển phát, cơ bản giá cước chuyển hàng vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Thậm chí giá cước giao hàng như Grab, Ahamove, Shopee biến động theo chiều hướng tăng. Chặng hạn, gửi hàng khoảng cách 5km giữa tháng 7-2022 giá rơi vào 35.000 – 47.000 đồng, tùy thời điểm. Mức giá này tương đương với 2 tháng trước khi giá xăng lập đỉnh 31.000 đồng/lít.

Trong khi đó, các app gọi xe như Grab, Be, Gojek vẫn chưa có động thái giảm giá cước sau những lần tăng giá gần nhất vào tháng 5. Đặt vấn đề giá xăng giảm, giá cước sao chưa giảm, các app vẫn hứa “đang trong quá trình theo dõi và thông báo giảm giá sau”.

Nhiều doanh nghiệp vận tải khác lý giải đã phải bù lỗ quá nhiều ngày khi giá xăng dầu liên tục leo thang từ đầu năm đến nay, do vậy việc giảm giá dịch vụ là chưa thể. Bên cạnh đó, chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu rút ngắn còn 10 ngày/lần. Giá xăng có thể giảm xuống 25.000 đồng/lít nhưng khó giữ vững ở mức này nên theo dõi thêm. Khi giảm giá, thông báo với khách hàng rồi vài ngày sau lại tăng giá. “Không có sự ổn định mà thay đổi giá cước, khách hàng họ cự ngay. Chờ thêm xem sao” – anh Khôi, chủ một doanh nghiệp xe khách chạy tuyến Quảng Nam – TP.HCM, nói.

Nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết vẫn canh cánh nỗi lo “vui chưa lâu, nỗi buồn lại tới” khi giá xăng vừa giảm lại bức tốc tăng ngay sau đó. Thực tế cho thấy giá xăng dầu đang là “biến số” gây tác động đến lạm phát trên toàn cầu. Với người dân, doanh nghiệp trong nước, điều đáng quan tâm là sự ổn định về giá xăng dầu như thế nào sau đợt giảm vừa qua mới là quan trọng.

CÔNG TRUNG
TTO