23/12/2024

Không thể nhân danh sự yêu thương

Không thể nhân danh sự yêu thương

Học bạ ‘đẹp như mơ’ là do nhiều trường phổ thông dễ dãi trong việc chấm điểm, tạo điều kiện cho học sinh của trường mình đỗ đại học để vừa có thành tích vừa được tiếng là ‘yêu thương’ học sinh.

 

 

Không thể nhân danh sự yêu thương - Ảnh 1.

Thí sinh và phụ huynh tìm hiểu nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ vào một trường đại học ở TP.HCM – Ảnh: M.G.

Nhìn vào bản chất của việc “giúp đỡ” này, ta không thể phủ nhận rằng đây chính là hành vi gian lận học đường.

Và dù được biện minh bằng bất cứ lý do gì thì bản chất của sự gian lận học đường này vẫn không thay đổi. Điều đáng buồn, người tiếp tay cho hành vi gian lận này lại chính là các thầy cô, nhân danh sự yêu thương và giúp đỡ học sinh của mình.

 

Phá hỏng tinh thần giáo dục

Sự gian lận này trái với luật chơi của bất cứ cuộc thi nào, khi sự trung thực cần được coi như điều kiện tiên quyết của các cuộc thi. Vì nếu không có sự trung thực, mọi cuộc thi đều trở nên vô nghĩa.

Đó chính là lý do vì sao trong các cuộc thi thể thao, việc đảm bảo sự trung thực của các vận động viên được đặt lên hàng đầu. Bất cứ hành vi bán độ hay sử dụng doping, mua chuộc trọng tài để có được thiên vị… đều bị xử phạt rất nặng, thậm chí cấm thi đấu.

Với góc nhìn như thế, ta sẽ thấy việc các trường phổ thông cho điểm cao trong học bạ để tạo điều kiện cho học sinh của mình trúng tuyển đại học không khác gì tình trạng các trọng tài thiên vị đội nhà trong các cuộc thi thể thao.

Nếu sự thiên vị của các trọng tài trực tiếp phá hỏng tinh thần thể thao thì sự thiên vị của các thầy cô và nhà trường cho học sinh của mình cũng trực tiếp phá hỏng tinh thần giáo dục.

Khi thấy một số trọng tài thiên vị đội nhà, các trọng tài khác cũng tìm mọi cách thiên vị cho đội của mình để đỡ thiệt.

Tương tự như thế, khi thấy một số trường hoặc địa phương dễ dãi cho điểm học bạ với học sinh của mình để trúng tuyển đại học, các trường và địa phương khác cũng sẽ thiên vị tương tự hoặc hơn, dẫn đến một cuộc đua lao dốc về chất lượng giáo dục.

 

Lối ra nào?

Phản ứng tất yếu là các trường thuộc nhóm dẫn đầu sẽ hạn chế hoặc nói không với tuyển sinh bằng xét tuyển học bạ.

Còn các trường nhỏ hoặc thuộc nhóm dưới sẽ vẫn tiếp tục hình thức này vì đằng nào cũng không tuyển được học sinh tốt nếu xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp, nhưng lại có được cảm giác an toàn do “chốt” được tuyển sinh sớm hơn chút ít.

Vậy giải pháp là gì để các trường đều tuyển đủ chỉ tiêu và chất lượng giáo dục phổ thông không bị ảnh hưởng?

Nếu nhìn vào chỉ tiêu tuyển sinh đại học năm 2021 (khoảng 530.000) và số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đăng ký xét tuyển vào đại học (khoảng 785.000) và cao đẳng sư phạm mầm non (khoảng 14.000), ta sẽ thấy tỉ lệ học sinh trúng tuyển đại học chiếm khoảng 67,5% số học sinh có nguyện vọng học đại học.

Như vậy, các trường đại học hoàn toàn có cơ hội tuyển đủ chỉ tiêu thông qua việc xét điểm tốt nghiệp trung học phổ thông, vì số chỉ tiêu vẫn nhỏ hơn số đăng ký.

Vì thế, với các trường lớn, các trường thuộc nhóm đầu, hãy để họ tự chủ tuyển sinh thông qua các kỳ thi đánh giá năng lực riêng của nhà trường, kết hợp cùng xét tuyển qua điểm thi tốt nghiệp phổ thông, để tuyển chọn được những thí sinh phù hợp nhất với tiêu chí đào tạo của nhà trường.

Với các trường còn lại, hãy dùng kết quả thi tốt nghiệp phổ thông làm cơ sở xét tuyển, vì kỳ thi này có tính khách quan cao hơn, được tổ chức theo quy trình chặt chẽ hơn so với việc cho điểm học bạ của các thầy cô trong trường phổ thông, vốn dễ mang theo sự cảm tính và thiên vị.

Cách làm này sẽ không làm giảm khả năng tuyển đủ chỉ tiêu của các trường đại học, nhưng sẽ giúp chặn đứng gian lận học đường do chấm điểm học bạ dễ dãi của các trường phổ thông. Nhờ đó, sự công chính của kỳ thi tuyển sinh đại học và chất lượng giáo dục sẽ phần nào được khôi phục.

 

Cái giá phải trả

Một sự thiên vị trong thể thao, giáo dục hay bất cứ cuộc thi nào khác sẽ dẫn đến tình trạng vàng thau lẫn lộn, thật giả khó phân, lòng tin của xã hội bị suy thoái. Và cái giá phải trả cho sự an toàn này là chất lượng đầu vào không tương xứng với kết quả của học bạ.

Điều này ảnh hưởng đến danh tiếng và chất lượng đào tạo của các trường đại học, đặc biệt là các trường lớn, thuộc nhóm dẫn đầu.

GIÁP VĂN DƯƠNG
TTO