23/12/2024

Bộ GD-ĐT: Không dạy văn mẫu, không ‘sao y’ SGK khi ra đề thi ngữ văn

Bộ GD-ĐT: Không dạy văn mẫu, không ‘sao y’ SGK khi ra đề thi ngữ văn

“Trong đánh giá kết quả học tập cuối kỳ, cuối năm học tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng đề kiểm tra đọc hiểu và viết”.

 

 

Bộ GD-ĐT: Không dạy văn mẫu, không sao y SGK khi ra đề thi ngữ văn - Ảnh 1.

Một tiết dạy văn theo hướng đổi mới ở Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Đó là một trong những nội dung công văn của Bộ Giáo dục và đào tạo về hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn ở trường phổ thông.

Theo Bộ Giáo dục và đào tạo, việc đổi mới này nhằm khắc phục tình trạng dạy học nặng nề về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu đối với môn tiếng Việt cấp tiểu học và môn ngữ văn cấp trung học (sau đây gọi là môn ngữ văn).

 

Khuyến khích sử dụng đề “mở”

Theo công văn trên, Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu trong đánh giá kết quả học tập (cuối kỳ, cuối năm học, cuối cấp học), các nhà trường tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết. Việc này nhằm mục đích đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Bộ cũng khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh; xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm.

Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, bộ chỉ đạo các giáo viên cần tôn trọng, khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.

Trong đó, việc đánh giá học sinh trong môn ngữ văn cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic.

“Các nhà trường cần tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kỹ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới; gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe” – Bộ Giáo dục và đào tạo hướng dẫn.

 

Tăng cường cho học sinh trình bày, thảo luận

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và đào tạo còn yêu cầu các nhà trường tăng cường hơn nữa việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập môn ngữ văn; dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn luyện kỹ năng đọc, viết, nói, nghe và cảm thụ thẩm mỹ theo yêu cầu, mức độ với từng lớp học, cấp học.

“Trong quá trình dạy học, giáo viên cần giao nhiệm vụ học tập rõ ràng, phù hợp với khả năng của học sinh; nêu cụ thể các yêu cầu về sản phẩm mà học sinh phải hoàn thành; chú trọng kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ, động viên học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập.

Giáo viên cần xây dựng kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy học môn ngữ văn theo hướng tăng cường rèn luyện học sinh phương pháp đọc, viết, nói, nghe; thực hành, trải nghiệm tiếp nhận, vận dụng kiến thức tiếng Việt, văn học thông qua các hoạt động học ở trong và ngoài lớp học” – công văn trên nêu cụ thể.

Cũng theo Bộ Giáo dục và đào tạo, đối với việc dạy đọc, giáo viên cần xác định rõ mục đích giúp học sinh biết cách đọc, tự đọc hiểu được văn bản; thông qua đó hình thành phẩm chất, nhân cách học sinh.

Đối với dạy viết, giáo viên chú trọng yêu cầu học sinh hình thành ý tưởng, biết cách trình bày ý tưởng một cách mạch lạc, sáng tạo, có sức thuyết phục để qua đó rèn luyện tư duy, cách viết các kiểu văn bản; tập trung vào yêu cầu hướng dẫn học sinh thực hiện các bước tạo văn bản.tại giao ban báo chí toàn quốc về quá trình rà soát, xác định trách nhiệm trong nội bộ liên quan tới vụ đề thi môn sinh của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

HOÀNG HƯƠNG
TTO