19/11/2024

‘Con tin’ Nord Stream 1

Dù đang ở giữa mùa hè nóng nhất lịch sử, châu Âu vẫn phải lo sốt vó cho mùa đông sắp đến sau những ồn ào liên quan tới đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) kéo dài mấy tuần qua.

 

 

Con tin Nord Stream 1 - Ảnh 1.

Đường ống khí đốt Nord Stream 1 ở Lubmin (Đức) – Ảnh: Reuters

Ngày 19-7, Reuters dẫn hai nguồn tin “có hiểu biết về các kế hoạch xuất khẩu [khí đốt của Nga]” nói Nga dự kiến sẽ mở lại đường ống Nord Stream 1 đúng dự kiến vào ngày hôm nay (21-7) sau khi hoàn tất bảo trì.

 

Giảm tiếp nguồn cung?

Đường ống này, vốn chiếm hơn 1/3 lượng xuất khẩu khí đốt của Nga cho Liên minh châu Âu (EU), đã ngừng hoạt động được 10 ngày để bảo dưỡng định kỳ hằng năm từ ngày 11-7. Trong hoàn cảnh bình thường, chuyện này không có gì phải ầm ĩ. Nhưng tình hình chính trị ở châu Âu lúc này chẳng bình thường chút nào, và mọi động chạm tới khí đốt và đường ống Nord Stream 1 đều cực kỳ nhạy cảm.

Các nguồn tin giấu tên của Reuters nói đường ống dự kiến sẽ trở lại hoạt động đúng lịch, nhưng cho biết thêm công suất có thể thấp hơn so với mức 160 triệu m3 mỗi ngày như trước khi bảo dưỡng. Hãng năng lượng nhà nước khổng lồ của Nga Gazprom đã cắt giảm xuất khẩu khí đốt qua đường ống này xuống chỉ còn 40% công suất vào tháng 6 với lý do chậm trễ trong việc giao lại một tuôcbin mà Hãng Siemens Energy mang sang Canada bảo dưỡng.

Nord Stream 1 là đường ống dài 1.220km nằm dưới đáy biển Baltic nối Nga với Đức, tâm điểm của nhiều tranh cãi kể từ khi Nga khai chiến tại Ukraine vào ngày 24-2. Phương Tây cáo buộc Nga, nhà sản xuất khí đốt lớn nhất và dầu thô lớn thứ hai thế giới, sử dụng nhiên liệu làm “con tin” để gây sức ép với EU. Matxcơva bác bỏ những cáo buộc đó, khẳng định họ là một nhà cung cấp “đáng tin cậy” và sẽ hoàn thành các hợp đồng như đã ký.

Đầu tuần này, báo Nga Kommersant dẫn các nguồn tin nói Canada đã chuyển tuôcbin cần thiết để vận hành Nord Stream 1 cho Đức bằng máy bay vào ngày 17-7 sau khi việc sửa chữa hoàn tất. Tuy nhiên trong một bản tin ngày 18-7, Reuters nói tuôcbin này có thể không lắp kịp vào ngày 21-7 để đưa đường ống trở lại vận hành.

 

Tình huống xấu nhất

EU cũng đã chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất: khí đốt không được cung cấp trở lại. “Chúng tôi không mong đợi khí đốt sẽ trở lại – Cao ủy phụ trách ngân sách của Ủy ban châu Âu (EC) Johannes Hahn nói với AFP ngày 19-7 – Chúng tôi đang chuẩn bị cho tình huống đó”. Nếu nguồn cung khí đốt từ Nga đứt đoạn, nhiều lĩnh vực sản xuất và nhiều quốc gia EU sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tuần trước đã nói tới một “kịch bản ác mộng” với nước Đức nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt. Khí đốt của Nga là tối quan trọng với cả nền kinh tế lẫn dân sinh ở Đức. “Chúng ta phải thật sự chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất và nỗ lực hết sức ứng phó tình hình”, ông Habeck nói.

Reuters tiết lộ dự thảo kế hoạch ứng phó của EC mà họ có được cho thấy các biện pháp như cấp tiền cho các công ty đạt được những mục tiêu cắt giảm khí đốt cụ thể, sử dụng hỗ trợ từ nhà nước để khuyến khích các ngành nghề và nhà máy chuyển sang những loại năng lượng khác, đặt mục tiêu cụ thể cho giảm sử dụng khí đốt và ngưng sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2027…

Vụ tranh cãi về tuôcbin mang đi sửa ở Canada của Nord Stream 1 đã khiến Gazprom ngày 14-7 nói họ phải xem xét các điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng cung cấp.

Các điều khoản bất khả kháng của những hợp đồng giao dịch kiểu này cho phép một bên không hoàn thành nghĩa vụ của họ do những điều kiện cực đoan như chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai… Việc tuyên bố áp dụng điều khoản này không nhất thiết có nghĩa Gazprom sẽ ngừng cung cấp khí đốt lập tức, mà chỉ là họ tuyên bố không chịu trách nhiệm nếu như không đáp ứng được các điều kiện hợp đồng.

Cung cấp khí đốt từ Nga sang EU qua các tuyến đường ống chính đã giảm liên tục trong vài tháng qua, gồm tuyến qua Ukraine và Belarus cũng như Nord Stream 1. Với Matxcơva và Gazprom, nhiên liệu là một nguồn thu nhập hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh bị phương Tây cấm vận gắt gao như hiện nay.

Theo Bộ Tài chính Nga, ngân sách liên bang nhận được 6.400 tỉ rúp (115 tỉ USD) từ bán dầu mỏ và khí đốt trong nửa đầu năm nay, một mức tăng mạnh nhờ giá các mặt hàng này đã tăng liên tục nhiều tháng qua..

H.MINH
TTO