Hàng không muốn bỏ kiểm tra thẻ hành lý ký gửi: Có lo mất cắp, thất lạc?
Hàng không muốn bỏ kiểm tra thẻ hành lý ký gửi: Có lo mất cắp, thất lạc?
Khách mang hành lý từ băng chuyền ra khỏi sân bay sẽ không có nhân viên kiểm tra lại thẻ hành lý ký gửi. Đây là xu hướng của nhiều hãng bay, sân bay trên thế giới.
Theo nguồn tin Tuổi Trẻ, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV – đơn vị quản lý, khai thác 22 sân bay) đã có cuộc họp với các hãng bay, bàn bạc thống nhất phương án bỏ quy định kiểm tra thẻ hành lý ký gửi để tạo sự thông thoáng, phù hợp xu hướng của thế giới.
“Cũ người, mới ta”
Theo Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS), việc kiểm tra thẻ hành lý đến của hành khách trong tình hình hiện nay làm mất mỹ quan và thêm phần tắc nghẽn cho khu vực lối ra của nhà ga đến quốc nội.
Ông Nguyễn Đình Hùng, tổng giám đốc SAGS, cho biết vào các khung giờ cao điểm, khi 6 hãng bay có chuyến bay đến cùng giờ, mỗi hãng phải có ít nhất 2 nhân viên kiểm tra thẻ ký gửi hành lý. Điều này làm cản trở lối ra với những khách không có hành lý.
Công ty đã thử nghiệm cùng 3 hãng bay Vietjet, Vietravel Airlines và Bamboo Airways, không kiểm tra 100% hành lý ký gửi khi đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) trong những khung giờ khác nhau.
Sau 8 ngày thí điểm (từ ngày 2 đến 10-7), có 17 trường hợp của 2 hãng là Vietjet và Bamboo Airways ghi nhận cầm nhầm hành lý của người khác, còn Vietravel Airlines không có trường hợp nào. Cơ sở đánh giá trên tổng số khách đến là 223.176 và 79.841 kiện hành lý, tỉ lệ thất lạc, cầm nhầm 0,02%.
Vietnam Airlines cũng đồng tình khi bỏ thủ tục này sẽ góp phần giúp nhà ga thông thoáng, giảm một phần nhân lực để phân bổ cho công việc khác.
Lo mất hành lý, trộm cắp
Các hãng bay, sân bay đều bày tỏ sự đồng thuận bỏ quy định này để tạo sự thông thoáng, phù hợp với xu thế, thậm chí giảm bớt căng thẳng nguồn nhân lực cho công việc này.
Chị Nguyễn Thùy Dương, du học sinh Nhật Bản, cho biết đi nhiều nước trên thế giới, các sân bay không áp dụng kiểm tra thẻ hành lý ký gửi. Khách xuống máy bay, đến băng chuyền lấy hành lý là đi thẳng ra nhà ga. Đây là sự văn minh, đi lại thuận lợi.
Dù vậy, nhiều khách hàng vẫn lo ngại tình trạng mất cắp, thất lạc hành lý sẽ diễn ra nhiều hơn nếu bỏ kiểm tra thẻ. Anh Nguyễn Văn Hậu, tổng giám đốc một công ty bất động sản tại TP.HCM, cho biết khi đi công tác, anh thường mang theo bộ golf. Nếu bỏ quy định kiểm tra thẻ, trường hợp anh xuống máy bay, chưa kịp ra lấy hành lý, rủi ro mất tài sản ký gửi có giá trị vẫn hiện hữu. “Nhiều vali có giá hàng ngàn đô, chưa kể đồ đạc trong đó. Mất cắp hành lý, phiền phức cho khách lẫn hãng bay”, anh Hậu băn khoăn.
Cùng quan điểm với anh Hậu, nhiều khách hàng bày tỏ sự lo ngại ngay cả khu vực soi chiếu an ninh, khách đi qua cũng “chôm đồ” của người khác ngay trước khu vực có camera dày đặc, lực lượng an ninh cũng đứng đông đúc. Chưa kể, có một số khách táy máy hành lý của người khác, thậm chí nảy sinh những tiêu cực như trộm cắp…
Thực tế, việc bỏ kiểm tra thẻ hành lý đến ở ga nội địa đã được các hãng triển khai trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát. Qua ghi nhận số ít khoảng 2 – 3 khách của Vietnam Airlines thất lạc, mất hành lý/tháng. Một số hãng khác cũng ghi nhận trường hợp khách khiếu nại khi không được kiểm tra thẻ hành lý, dẫn đến nguy cơ mất hành lý của khách.
Kết quả này cũng giống như tại nhà ga quốc tế hiện nay vẫn xảy ra tình trạng cầm nhầm nhưng sau đó nhân viên đã liên hệ và hành khách lên sân bay để đổi lại. Không phát sinh trường hợp nào bồi thường.
Cấp quyền giám sát camera, tăng kiểm tra ngẫu nhiên
Trao đổi về lo ngại của khách hàng, đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết trước khi thay đổi quy định này, các hãng sẽ thí điểm bỏ kiểm tra thẻ ký gửi một thời gian chứ chưa hoàn toàn bỏ hẳn. Nhấn mạnh đây là xu hướng văn minh, cần thực hiện từng bước, phù hợp với thực tế của khách đi lại nội địa. Vị này cho biết sẽ phối hợp với các hãng và công ty dịch vụ mặt đất, phân quyền truy cập vào camera an ninh giám sát tại khu vực sảnh đến, đặc biệt băng chuyền.
Ông Nguyễn Đình Hùng cho rằng để kiểm soát tốt hơn và ngăn chặn các trường hợp thất lạc, cầm nhầm hành lý khi bỏ bước kiểm tra thẻ hành lý ký gửi tại điểm đến, công ty đề xuất bổ sung các biển thông báo, biển hiệu các lối vào nhà ga đến quốc nội và khu vực băng chuyền trả hành lý. Trang bị bổ sung camera tại khu vực nhà ga đến và yêu cầu nhân viên an ninh kiểm soát chặt chẽ người ra vào để hạn chế việc cầm nhầm hành lý.
Cùng quan điểm, Vietnam Airlines, Vietjet và Vietravel Airlines cũng cho rằng ngoài việc lắp đặt thêm camera kiểm soát tại khu vực chờ lấy hành lý, khu vực hành khách lưu thông cửa ga đến cần lắp thêm camera mỗi băng chuyền đến, tức là hành lý từ xe chở hành lý từ máy bay vào đến khu vực băng chuyền. Điều này giúp giám sát chặt chẽ hơn, nhận dạng được hành khách, hành lý khi có bất thường xảy ra.
Mỹ: lắp camera theo dõi khu hành lý ký gửi
Ở Mỹ, người dân không phải đối chiếu hành lý khi ra khỏi sân bay vì có khâu kiểm tra an ninh chặt chẽ. Trên mỗi chuyến bay, các kiện hàng/hành lý ký gửi sẽ được dán barcode để dễ dàng kiểm tra. Từ đó, địa điểm và hành trình của các kiện hàng đều được lưu lại trên máy tính để cả nhân viên sân bay lẫn hành khách dễ dàng theo dõi.
Hành khách cũng có thể theo dõi chuyến bay của mình qua Google, từ đó biết được hành lý của mình đang ở đâu, có đến đúng giờ hay không…
Khi hành khách không tìm thấy hành lý của mình, nhân viên sân bay sẽ hướng dẫn khách hàng làm thủ tục online để theo dõi xem sân bay có thể tìm lại được hành lý không. Nếu quá 5 ngày mà hành lý vẫn chưa được tìm thấy, các nhân viên hãng hàng không sẽ trực tiếp làm việc với hành khách để tìm kiếm kiện hàng bị thất lạc. Ngoài ra, hành khách sẽ được bồi thường thiệt hại cho những vật dụng bị mất.
Để phòng chống hành lý bị trộm cắp hoặc cầm nhầm, an ninh tại các sân bay lớn của Mỹ có gắn các camera để theo dõi hành vi của mọi người tại chỗ lấy hành lý. Nếu phát hiện dấu hiệu gì đó bất thường, nhân viên an ninh sân bay sẽ yêu cầu kiểm tra hành lý cũng như giấy tờ liên quan của hành khách. Với các hành lý không có người nhận, nhân viên sân bay sẽ thu lại những kiện hàng này, đồng thời sử dụng barcode để liên lạc với người ký gửi để tìm ra chủ nhân.
MINH TRÍ