23/12/2024

Bối rối chọn tổ hợp môn lớp 10

Bối rối chọn tổ hợp môn lớp 10

 ‘Xem qua các tổ hợp môn định sẵn của trường, gia đình tôi cũng đã có hướng chọn cho con mình rồi. Tuy nhiên, tôi chưa dám quyết định vì còn nhiều câu hỏi thắc mắc…’.

 

 

 

Bối rối chọn tổ hợp môn lớp 10 - Ảnh 1.

Phụ huynh và học sinh lớp 10 Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP.HCM) được tư vấn chọn tổ hợp môn trước khi nộp hồ sơ trúng tuyển vào trường – Ảnh: NHƯ HÙNG

Bà Dung – phụ huynh có con học Trường THPT Phú Nhuận, quận Phú Nhuận, TP.HCM – cho biết như trên tại buổi họp phụ huynh lớp 10 năm học 2022 – 2023 do trường tổ chức ngày 17-7.

 

Phụ huynh lo lắng

Theo bà Dung: “Tôi băn khoăn vì không biết ba năm nữa con mình sẽ thi tốt nghiệp THPT như thế nào? Các trường ĐH, CĐ tuyển sinh có còn giữ các khối A, A1, B, C… hay không? Tôi hiểu việc chọn tổ hợp môn từ lớp 10, tức con mình phải theo tổ hợp ấy đến hết lớp 12 nên rất lo lắng…”.

Trong khi đó, bà N.T.M.Lan – phụ huynh có con vào lớp 10 tại một trường THPT ở TP Thủ Đức, TP.HCM – bức xúc: “Con tôi mới học hết lớp 9, chưa biết thiên hướng như thế nào giờ bắt chọn tổ hợp môn để học trong suốt ba năm THPT thì quá khó. Tôi được tư vấn nên dựa vào điểm học bạ THCS của con để chọn lớp khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội.

Suy đi nghĩ lại đúng là chỉ có một căn cứ này thôi. Tuy nhiên, tôi cũng là giáo viên hiểu việc đánh giá học sinh ở THCS chưa chắc đã chính xác. Có giáo viên đánh giá chặt chẽ, có giáo viên lại rất nương tay”.

Bà Lan đặt vấn đề: “Nếu năm nay con tôi chọn lớp khoa học tự nhiên nhưng hết lớp 10 cháu thấy không hợp chuyển sang lớp khoa học xã hội thì sao? Giáo viên trường THPT đã tư vấn cho tôi học sinh được phép chuyển lớp nhưng phải đảm bảo đạt trình độ từ trung bình trở lên các môn của lớp khoa học xã hội.

Tôi cho rằng quy định này đẩy cái khó về phía phụ huynh và học sinh. Lớp 10 học sinh không được học môn đó mà phải đạt trình độ từ trung bình trở lên thì phải học thêm trong ba tháng hè hay sao, ai sẽ dạy cho các em có nguyện vọng như thế này?

Tại sao Bộ Giáo dục và đào tạo không cho học sinh lớp 10 học tất cả các môn trong một năm học hoặc ít nhất một học kỳ rồi mới chọn tổ hợp môn?”.

 

Họp phụ huynh để tư vấn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Công Tuấn – hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận – thông tin: “Năm nay trường chúng tôi có 14 lớp 10, dự kiến có 8 lớp thuộc khối khoa học tự nhiên, 6 lớp thuộc khối khoa học xã hội với các tổ hợp môn cụ thể để học sinh lựa chọn.

Do đã có kinh nghiệm hướng dẫn học sinh lớp 10 chọn ban trước đây nên lần này chúng tôi tổ chức cho học sinh chọn tổ hợp theo ba nguyện vọng.

Tùy vào nguyện vọng của học sinh, trường sẽ làm việc với phụ huynh để tư vấn cụ thể, giúp học sinh chọn được tổ hợp môn phù hợp”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Minh Tâm – hiệu trưởng Trường Phong Phú (huyện Bình Chánh) – cũng cho hay: “Trường đang nhận hồ sơ nhập học vào lớp 10 nên tạm thời mới chỉ cho học sinh chọn lựa theo lớp khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội mà thôi. Sau khi nắm tình hình việc chọn lựa cơ bản này, chúng tôi sẽ họp phụ huynh để tư vấn cụ thể về việc chọn tổ hợp môn.

Đối với những lớp có số học sinh quá ít, trường sẽ xin ý kiến Sở GD-ĐT rồi quyết định có mở lớp hay không”.

 

Điều chỉnh tổ hợp đã công bố

Tại Hà Nội, thời điểm này nhiều trường THPT dự kiến điều chỉnh cả tổ hợp môn và cơ cấu lớp 10 từng công bố trước đó. Việc điều chỉnh này do có sự thay đổi đột ngột ở môn lịch sử (giảm số tiết/năm học và chuyển về dạy học bắt buộc). Tuy nhiên, có điều chỉnh cũng căn cứ vào nhu cầu thực tế của học sinh.

“Trường đã tổ chức họp phụ huynh lớp 10 năm học tới để trao đổi về chương trình giáo dục phổ thông 2018, nguyện vọng của học sinh.

Căn cứ vào đó, trường có điều chỉnh so với phương án đã xây dựng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu học sinh, đồng thời phù hợp với định hướng mới sau khi môn lịch sử dạy bắt buộc” – cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), chia sẻ.

Theo điều chỉnh này, Trường THPT Yên Hòa trước đây có 8 lớp 10 ở nhóm khoa học tự nhiên, 6 lớp ở nhóm khoa học xã hội. Nhưng từ nhu cầu thực tế, cơ cấu lớp 10 đổi lại với 8 lớp khoa học xã hội, 6 lớp khoa học tự nhiên.

Theo thầy Nguyễn Gia Khánh – hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội), trường đã công bố năm tổ hợp môn. Trong đó có 9 lớp khoa học tự nhiên cho phép học sinh lựa chọn trong ba tổ hợp môn gồm lý, hóa, sinh, tin, sử; lý, hóa, sinh, tin, địa; và lý, hóa, sinh, tin, giáo dục kinh tế và pháp luật.

Có 7 lớp khoa học xã hội cho phép học sinh lựa chọn trong hai tổ hợp gồm: sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật, lý, công nghệ; sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật, hóa, công nghệ.

Cách xây dựng tổ hợp này đưa được nhiều hơn số môn học vào các tổ hợp. Nhưng với điều chỉnh đưa môn lịch sử về bắt buộc, thầy Gia Khánh cho biết sẽ phải thay đổi.

“Sau khi tuyển sinh chúng tôi đã phát phiếu khảo sát nguyện vọng. Dựa trên nguyện vọng thực tế và quy định mới về môn lịch sử, chúng tôi sẽ điều chỉnh nhưng cũng không có khó khăn quá trong việc này” – thầy Khánh cho biết.

 

Chờ hướng dẫn chính thức từ Bộ Giáo dục và đào tạo

Tại Hà Nội, nhiều trường khác cũng tiến hành họp phụ huynh, lấy ý kiến khảo sát nhưng chưa chính thức công bố tổ hợp môn học dự kiến mới mà chờ hướng dẫn chính thức từ Bộ GD-ĐT. Tuy vậy, theo các hiệu trưởng thì đã phải cân nhắc, điều chỉnh theo hướng rút một môn trong tổ hợp môn lựa chọn (còn bốn môn), đồng thời cũng bớt cả số tổ hợp môn lựa chọn. Có trường dự kiến chỉ còn hai tổ hợp môn.

 

Dự kiến không bắt buộc mỗi nhóm chọn ít nhất một môn

Ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và đào tạo) – cho biết dự kiến không quy định bắt buộc mỗi nhóm phải chọn ít nhất một môn nữa. Nhưng Bộ phải chờ ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung thông tư 32/2018/TT-BGDĐT mới có hướng dẫn cụ thể về việc này.

 

Việc thi cử sẽ như thế nào?

DP_THPT_2022_Thutuc (21) 19-7 1(Read-Only)

Học sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2022. Với chương trình mới thì việc thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học như thế nào được nhiều học sinh, phụ huynh quan tâm – Ảnh: DUYÊN PHAN

Tại các buổi họp phụ huynh học sinh lớp 10 đầu năm học, câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là “chương trình mới thì việc thi cử sẽ thay đổi thế nào?”. Trăn trở này không phải chỉ của phụ huynh mà của cả giáo viên và các nhà quản lý cấp trường.

“Phụ huynh hỏi rất nhiều về kỳ thi tốt nghiệp THPT có còn như hiện nay không hay thay đổi thế nào, việc tuyển sinh vào đại học ra sao với học sinh học chương trình mới. Hiện Bộ Giáo dục và đào tạo cũng chưa thông tin cụ thể về việc này. Do đó, trường đành trả lời cho phụ huynh yên tâm là “bộ sẽ có phương án phù hợp” và trường đại học sẽ tự chủ nhiều hơn theo hướng đa dạng hóa phương thức xét tuyển, không chỉ dựa vào kỳ thi tốt nghiệp” – cô Nhiếp chia sẻ.

Tuy nhiên, cô Nhiếp cũng cho rằng bộ cần có định hướng cụ thể và thông tin sớm hơn về việc đổi mới thi. Vì không chỉ là để giải đáp cho phụ huynh năm nay mà các nhà trường cũng biết để có kế hoạch giáo dục phù hợp cho giai đoạn mới.

Tại Trường THPT Đa Phúc (Hà Nội), để yên lòng phụ huynh sau khi công bố các tổ hợp môn học dự kiến đã ghi chú luôn hướng xét tuyển đại học dựa trên các đề án tuyển sinh năm nay.

Ví dụ học tổ hợp vật lý, hóa học, sinh học, tin học thì sau này sẽ tuyển sinh đại học theo khối A, A1 (các tổ hợp nằm trong môn thi tốt nghiệp THPT như hiện nay) hoặc xét tuyển với kết quả thi đánh giá năng lực có bài thi khoa học tự nhiên, xét học bạ các môn khoa học tự nhiên…

Tuy nhiên rất có thể việc thi và tuyển sinh sẽ khác với cách các trường đang dựa vào để tư vấn cho phụ huynh như thế này.

Hơn nữa, với chương trình dạy học theo hướng phát triển năng lực, có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, nội hàm đề thi, cấu trúc đề thi cũng sẽ phải thay đổi. Đây mới là những thay đổi lớn tác động đến hoạt động dạy học ở địa phương đang cần được Bộ Giáo dục và đào tạo định hình rõ nét.

HOÀNG HƯƠNG – VĨNH HÀ
TTO