23/01/2025

Giao điểm Đông – Tây giữa tranh bá toàn cầu: Thời thế đổi thay

Giao điểm Đông – Tây giữa tranh bá toàn cầu: Thời thế đổi thay

Thái Bình Dương, nơi có thể xem là một trong các giao điểm Đông – Tây của thế giới về mặt địa chiến lược, đang đứng trước một cuộc cạnh tranh quyết liệt mới trên bình diện toàn cầu.

 

 

Một buổi trưa đầu tháng 7, quần thể khu vực tưởng niệm vụ tấn công Trân Châu Cảng ở Honolulu (Hawaii, Mỹ) đông đúc người đến tham quan.

Tại quần thể trên, những thông tin về vụ Nhật Bản bất ngờ tấn công hồi năm 1941 đã được tái hiện khá chi tiết, như một nhắc nhớ về sự kiện đầy bi thương.

 

Khu vực quan trọng

Ngược dòng lịch sử, Thái Bình Dương từ khoảng 1 thế kỷ trước đã thể hiện vai trò địa chiến lược quan trọng. Đầu thế kỷ 20, kinh tế Nhật phát triển bùng nổ kết hợp cùng một số lý do từ Đại khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933, thì nước này càng có động lực mở rộng ảnh hưởng cũng như thuộc địa. Trong đó, khu vực Thái Bình Dương trở thành một mục tiêu quan trọng, Nhật Bản cũng đồng thời mở rộng ảnh hưởng, thiết lập căn cứ ở các đảo thuộc khu vực nam Thái Bình Dương nhằm từng bước đẩy lùi ảnh hưởng của phương Tây ở khu vực.

Thế chiến 2 bùng nổ vào năm 1939, Mỹ thời gian đầu xem như đứng ngoài cuộc chiến, nhưng thực tế vẫn can dự bằng một số biện pháp. Giữa bối cảnh như vậy, Nhật Bản đã bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng – nơi Mỹ đặt “tổng hành dinh” cho hạm đội Thái Bình Dương. Từ đó, Washington chính thức tham chiến. Và chỉ một thời gian ngắn sau, vào mùa hè cách đây đúng 80 năm, Mỹ và Nhật đã điều động lực lượng khổng lồ để quyết chiến với nhau trong 2 trận đánh ở Thái Bình Dương.

Giao điểm Đông - Tây giữa tranh bá toàn cầu: Thời thế đổi thay - ảnh 1
Tàu sân bay Mỹ cùng tàu chiến nhiều nước tham dự RIMPAC 2022 neo đậu gần khu tưởng niệm Trân Châu Cảng vào ngày 2.7  NGÔ MINH TRÍ

Đầu tiên là hải chiến biển San Hô diễn ra từ ngày 4 – 8.5.1942. Trong đó, Mỹ triển khai 2 tàu sân bay, 8 tàu tuần dương, 14 tàu khu trục, 2 tàu tiếp dầu cùng 128 chiến đấu cơ. Còn phía Nhật huy động tổng cộng 3 tàu sân bay, 9 tàu tuần dương, 15 tàu khu trục, cùng gần 20 tàu quân sự khác và gần 140 chiến đấu cơ. Kết thúc trận đánh, dù thiệt hại lớn hơn, nhưng Mỹ đã chiếm ưu thế, ngăn cản thành công kế hoạch Nhật tấn công Úc để chiếm thế thượng phong ở Thái Bình Dương.

Sau đó 1 tháng là hải chiến Midway diễn ra từ ngày 4 – 7.6.1942. Trong trận chiến này, Mỹ tung ra 3 tàu sân bay, 8 tàu tuần dương, 15 tàu khu trục, 16 tàu ngầm cùng khoảng 360 chiến đấu cơ bao gồm phiên bản dùng cho tàu sân bay và phiên bản cất hạ cánh trên đất liền. Còn phía Nhật điều động 4 tàu sân bay, 2 thiết giáp hạm, 7 tàu tuần dương, 14 tàu khu trục, 13 tàu ngầm, 28 thủy phi cơ cùng gần 250 chiến đấu cơ dùng cho tàu sân bay. Trong trận đánh này, Nhật Bản hứng chịu thất bại nặng nề, chiến trường Thái Bình Dương dần bước sang bước ngoặt mới để tiến tới kết thúc cuộc chiến mà phần thắng thuộc về phía Mỹ

 

Đến đồng minh

Thế nhưng, đó là quá khứ. Trong những ngày đầu tháng tháng 7 này, ngay tại khu vực tham quan, du khách dễ dàng nhìn thấy tàu sân bay Mỹ đang neo đậu cùng tàu chiến do nhiều nước điều động đến, trong đó có Nhật Bản, để tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2022. Diễn ra lần đầu vào năm 1971 và về sau được tổ chức vào các năm chẵn, RIMPAC là cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới. Và trong suốt nhiều năm qua, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản hầu như góp mặt đầy đủ trong các lần RIMPAC.

Năm nay, RIMPAC kéo dài từ ngày 29.6 – 4.8, quy tụ lực lượng từ 26 quốc gia, trong đó có đủ 4 thành viên của “bộ tứ an ninh” là Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ vốn là nền tảng của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và rộng mở mà Washington theo đuổi nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Giới quan sát nhận định RIMPAC biểu thị sức mạnh và quy mô đối tác hàng hải toàn cầu của Mỹ, nhằm giúp Washington gửi đi thông điệp răn đe đến các đối thủ tiềm năng có ý định đánh giá ảnh hưởng và vị thế chiến lược của Mỹ đang suy giảm. Trong thông cáo phát đi, hải quân Mỹ nhấn mạnh RIMPAC 2022 nhằm tăng cường lực lượng tập thể để thúc đẩy một Indo-Pacific tự do và rộng mở.

Phản ứng lại, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chỉ trích nhóm các nước tham gia RIMPAC là một “NATO châu Á”. Ngược lại, phát biểu ở một sự kiện Hội nghị truyền thông quốc tế, do Trung tâm Đông – Tây tổ chức cùng thời điểm mở màn RIMPAC 2022, tướng Chris McPhillips (Giám đốc chính sách và kế hoạch chiến lược, Bộ tư lệnh Indo-Pacific của Mỹ) đã không ngần ngại chỉ trích các hành động gây bất ổn trong khu vực, mà mục tiêu ông hướng đến chính là Trung Quốc.

Giờ đây, tại Thái Bình Dương, cựu thù Nhật Bản đã trở thành đồng minh và Mỹ đang đối phó sự thách thức quyền lực đến từ Trung Quốc. (còn tiếp)

NGÔ MINH TRÍ

TNO