23/01/2025

‘Chữa bệnh’ trẻ sốc khi bị phê bình

‘Chữa bệnh’ trẻ sốc khi bị phê bình

Sau mỗi kỳ thi, khi biết kết quả, nhiều trẻ bị sốc, buồn bã khi điểm số không như mong muốn. Có những trẻ lại bị sốc khi nhận được lời phê bình từ người khác.

 

 

Theo các chuyên gia, trạng thái tâm lý này rất nguy hiểm, nếu cha mẹ không thay đổi cách dạy con sẽ gây nhiều hệ lụy khi trẻ trưởng thành.

 

Ức chế, bật khóc khi thua ván cờ

Anh Hoàng Văn Chính, ngụ chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, kể: “Hai cha con tôi thường chơi cờ vua với nhau. Vì muốn con vui nên tôi hay nhường để con thắng. Đến một lần con chơi với bạn bị thua, con đã xấu hổ đến mức về nhà lầm lì cả buổi, không nói năng gì, mẹ hỏi thì bật khóc rất đau khổ. Con nói tại sao chơi với ba toàn thắng mà nay con lại bị thua, con không chấp nhận điều đó và muốn mình luôn chiến thắng”.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thúy Hà có con học lớp 4 Trường tiểu học Phan Chu Trinh, Q.Tân Phú, lại đau đầu vì có lần góp ý cho con khi tô tranh thì bé đã giãy nảy quăng bút màu, bỏ vào phòng, tuyên bố không muốn tô tranh nữa. “Con cảm thấy sốc vì cho rằng mẹ chê mình tô màu xấu, trong khi con đang nghĩ như vậy là đẹp. Tôi không nghĩ việc mình góp ý lại tạo nên cảm xúc tiêu cực cho con như vậy”, chị Hà bày tỏ.

'Chữa bệnh' trẻ sốc khi bị phê bình - ảnh 1

Cha mẹ cần phải hiểu con trước khi đưa ra lời phê bình  SHUTTERSTOCK

Dạy con vượt qua thất bại

Là một phụ huynh có 3 con ở độ tuổi THPT, THCS và tiểu học, nhà văn Hoàng Anh Tú (sinh sống tại Hà Nội) cho rằng không phải đứa trẻ nào cũng dễ dàng tiếp nhận những lời phê bình hay nhận ra mình chưa hoàn hảo. “Với những đứa trẻ nhạy cảm, việc phê bình con đúng cách là vô cùng quan trọng. Mỗi đứa trẻ có một tính cách, khả năng tiếp nhận lời phê bình và cách chấp nhận thất bại khác nhau. Thế nên cha mẹ cần nhất là phải hiểu con mình trước khi đưa ra bất cứ một lời phê bình nào, cũng như cùng con đón nhận những thất bại, sự chưa hoàn hảo”, ông Tú nhìn nhận.

Theo ông Tú, cha mẹ đừng phê bình con chỗ đông người hay phê bình kiểu “dội gáo nước lạnh”. “Các con cần được nghe lời nói thật lòng của cha mẹ về mình nhưng không phải kiểu “thuốc đắng dã tật”. Làm sao để sau lời phê bình đó, mọi thứ phải tốt hơn chứ không phải tệ đi”, ông Tú chia sẻ.

Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Phó trưởng khoa Công tác xã hội Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nêu quan điểm: “Cha mẹ dĩ nhiên phải khen ngợi, khích lệ, tôn trọng sự khác biệt và độc lập của con nhưng cần phải nghiêm khắc và kỷ luật tích cực khi con phạm lỗi, khéo léo giúp con nhận ra đâu là sai, đâu là đúng. Không nên nuông chiều con thái quá, cũng như khiến con nghĩ mình là trung tâm, mình luôn hoàn hảo, mình không bao giờ thua kém…”.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thanh Tính, Giám đốc Công ty cổ phần giáo dục Ước Mơ Xanh (TP.HCM), cũng cho rằng ngày nay ba mẹ có ít con nên luôn lấy con là trung tâm, thường khen con vì nghĩ như vậy thì con vui và mình cũng hạnh phúc. “Dần dần con không chấp nhận lời chê bai và khi không nhận được lời khen thì cảm thấy buồn, tự ái. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tính cách của các con, khi bị ai đó phê bình, chê trách, khi bị điểm kém, trượt kỳ thi… thì cảm thấy sốc rồi thu mình lại và không muốn giao tiếp. Nếu kéo dài tâm lý này, trẻ sẽ hình thành tính đố kỵ và luôn mệt mỏi vì phải nỗ lực để không bị chê hay so sánh”.

Theo bà Tính, cần có lời động viên đúng lúc và cũng cần cho các con thấy sự thiếu sót của mình để khi ai đó góp ý hay phê bình thì các con không bị sốc và sẵn sàng đón nhận để phát triển bản thân.

MỸ QUYÊN

TNO