Bỏng thực quản do hoá chất: Người lớn vô ý, trẻ em vô viện
Bỏng thực quản do hoá chất: Người lớn vô ý, trẻ em vô viện
Từ sự sơ ý của người lớn trong bảo quản các loại hoá chất như nước tro tàu, nước tẩy nốt ruồi, chất thông cống…, khiến trẻ nhầm lẫn nuốt phải gây bỏng thực quản, điều trị nhiều năm với hậu quả nặng nề.
BS.CK2 Vương Minh Chiều, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, cho biết hiện nay bỏng thực quản do hóa chất ở trẻ em, hay gặp nhất ở trẻ em dưới 6 tuổi, là một vấn đề toàn cầu, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Hằng năm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận và điều trị cho rất nhiều trẻ em bị bỏng thực quản do nuốt phải hóa chất mà người lớn sử dụng.
“Tùy thuộc vào mức độ sâu, rộng của tổn tương bỏng, các bé thường phải trải qua nhiều giai đoạn chăm sóc, điều trị kéo dài nhiều năm, từ nội soi tiêu hóa nong thực quản nhiều lần, phẫu thuật cắt nối thực quản và cả phẫu thuật chuyển dạ dày lên lồng ngực để thay thế thực quản”, bác sĩ Chiều chia sẻ.
Dưới đây là những trường hợp bỏng thực quản nặng điển hình từ sự sơ ý của người lớn trong quá trình bảo quản hóa chất.
Nước tro tàu
Theo bác sĩ Chiều, đây là loại hóa chất gây bỏng thực quản thường gặp nhất ở trẻ em. Công thức hóa học gồm Kali hydroxit (KOH) hoặc Natri hydroxit (NaOH), được các gia đình sử dụng chủ yếu trong việc làm bánh.
“Nước tro tàu là một hóa chất có tính kiềm cực mạnh, nước tro tàu kết hợp với protein mô gây xà phòng hóa và hoại tử rất sâu, hầu hết là toàn bộ thành thực quản”, bác sĩ Chiều chia sẻ.
Nước tro tàu có màu trong đựng trong chai khiến bé tưởng nước suối ẢNH MINH HỌA: BSCC |
Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận và điều trị cho các bé N.T.Đ, T.T.N, L.V.N trong hoàn cảnh rất thương tâm. Các bé đang ở tuổi ăn tuổi chơi thì vô tình uống phải chai đựng nước tro tàu của mẹ, của bà vì nhầm là nước uống.
Cả 3 bé bị hẹp toàn bộ thực quản ngực, không ăn được đường miệng nên phải mở dạ dày, đặt ống nuôi ăn. Các bé phải trải qua vài năm điều trị trong bệnh viện. Qua nhiều lần nong thực quản, mổ cắt nối thực quản nhưng vẫn tái hẹp, cuối cùng là đi đến phẫu thuật thay thế thực quản bằng dạ dày. Hiện giờ các bé đã ăn uống lại được nhưng vẫn tiếp tục tái khám, theo dõi.
Hình ảnh lòng thực quản hẹp, thành nham nhở toàn bộ đoạn thực quản ngực và đoạn bụng của bé N.T.Đ BSCC |
Nước tẩy nốt ruồi
Theo bác sĩ Chiều, đây là loại sản phẩm đứng thứ hai trong những loại gây bỏng thực quản gần đây tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Nước tẩy nốt ruồi gồm hai loại: loại chứa chất kiềm mạnh gồm Kali hydroxit (KOH) hoặc Natri hydroxit (NaOH), loại chứa axit mạnh như Trichloroacetic (CCl3COOH). Sản phẩm này thường bán rất nhiều trên thị trường.
Sản phẩm dùng tẩy nốt ruồi mà bé uống nhầm GIA ĐÌNH CUNG CẤP |
Vì nhu cầu làm đẹp, người lớn mua về tẩy nốt rùi nhưng bất cẩn để trẻ em tiếp cận được loại hóa chất gây bỏng cực mạnh này. Điển hình là các bé L.T.C.T, T.K.N, các bé vô tình nuốt phải hóa chất này khi mẹ và người thân sử dụng còn dư lại, khi đó bé mới 2, 3 tuổi. Hậu quả là bé phải phẫu thuật nhiều lần mới giúp bé được ăn trở lại đường miệng.
Vết mổ trên ngực và bụng bé L.T.C.T BSCC |
Chất thông cống dạng lỏng, bột hay viên
Thành phần chủ yếu của hóa chất thông cống dạng lỏng thường sử dụng là axit Sulfuric (H2SO4) đậm đặc, dạng bột và viên thường gồm Kali hydroxit (KOH) hoặc Natri hydroxit (NaOH) và các phụ gia khác.
Bé N.H.Y.T (2 tuổi) uống nước thông cống còn dư của bà để lại sau khi sử dụng. Tương tự bé (V.G.B) 5 tuổi nuốt bột thông cống vì nghi đó là đường cát. Hai bé bỏng toàn bộ thực quản, không ăn được, phải mở dạ dày ra da.
Bé phải ăn qua ống thông đặt vào dạ dày BSCC |
Từ đó, cuộc sống của 2 bé là những đợt nhập viện, nuôi ăn, dùng thuốc, gây mê nong thực quản, phẫu thuật mục đích giúp các bé trở lại gần cuộc sống bình thường mà trước đó các bé từng có.
Hoá chất không rõ loại
Đựng hóa chất (tẩy kim loại) trong lon nước tăng lực, đựng hóa chất (dùng để sinh khí Hydro trong bơm bong bóng) trong ly nước uống, đựng hóa chất (rửa bồn cá cảnh) trong chai nước ngọt… là các cách bảo quản hóa chất bất cẩn của người lớn khiến trẻ nhầm lẫn.
Bác sĩ Chiều nhớ lại trường hợp bé H.H.N (4 tuổi), L.T.T (5 tuổi), T.N.K.Đ (3 tuổi) đã uống hóa chất từ những dụng cụ bảo quản như trên. Cơn ác mộng ngay lập tức đổ lên đầu các bé và gia đình. Ông nội bé H.H.N mỗi lần bác sĩ gọi hỏi thăm bé là mỗi lần ông nghẹn ngào: giờ thấy bé ăn uống được sau 3 lần phẫu thuật ở cổ, ngực, bụng và nhiều lần nong thực quản, ông mừng rơi nước mắt.
Nước sôi
Nước sôi khi đi qua thực quản gây bỏng nhưng không có tính chất ăn mòn như các loại hóa chất khác.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp bé V.B.Đ (5 tuổi) nuốt nước sôi dùng nấu mì mà mẹ bé mới bất cẩn để trên bàn. Trong 5 năm sau đó bé không thể đi học, phải vào bệnh viện rất nhiều lần để nong thực quản nhưng vẫn tái hẹp, cuối cùng phải mổ cắt nối thực quản.
Theo bác sĩ Chiều, tất cả những trường hợp trẻ em gặp bất hạnh do bỏng hóa chất là do sự bất cẩn của người lớn. Do đó thông qua những trường hợp này gióng một hồi chuông cảnh báo cho người lớn, phải thật thận trọng trong bảo quản hóa chất, để xa tầm tay trẻ, tránh ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.
“Khi nghi ngờ trẻ bị bỏng thực quản, người nhà không nên tự ý móc họng cho trẻ ói vì sẽ làm hóa chất tiếp xúc thêm thực quản một lần nữa. Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất kèm theo hóa chất gây bỏng”, bác sĩ khuyến cáo.
LÊ CẦM
TNO