23/01/2025

Rời Trung Đông, Tổng thống Biden không mang về nhiều ‘món quà’ lớn

Rời Trung Đông, Tổng thống Biden không mang về nhiều ‘món quà’ lớn

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman đã cố hàn gắn quan hệ, nhưng nhà lãnh đạo Mỹ kết thúc chuyến thăm Trung Đông mà không mang về nhiều thắng lợi lớn.

 

 

Chuyến công du 4 ngày của ông Biden ở Israel và Ả Rập Xê Út – lần đầu tiên ông tới Trung Đông trên cương vị tổng thống Mỹ – nhằm mục đích thiết lập lại quan hệ với “đại gia” dầu mỏ Vùng Vịnh, thể hiện cam kết của Washington với khu vực và chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran, Nga và Trung Quốc.

Song những vấn đề gai góc đã bao phủ chặng dừng ở Ả Rập Xê Út khi ông Biden tránh tỏ ra quá thân mật với vị thái tử vốn bị tình báo Mỹ cho là chủ mưu trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của Washington Post năm 2018, cáo buộc mà Riyadh đã bác bỏ.

Ông Biden đã rời Trung Đông ngày 16.7 mà không có được cam kết ủa Riyadh về việc tăng sản lượng dầu hay sự ủng hộ của công chúng đối với các nỗ lực của Washington nhằm thiết lập trục an ninh khu vực bao gồm Israel. Dù vậy, chuyến đi này không phải là công cốc, theo Reuters.

 

Cú chạm tay biểu tượng

Cú chạm tay của ông Biden với Thái tử Mohammed trước cung điện hoàng gia ở Jeddah sẽ là hình ảnh định hình chuyến đi, nhưng đó là kết quả của nhiều tháng cân nhắc. Các quan chức Nhà Trắng đã bất đồng về việc ông Biden có nên đi Ả Rập Xê Út hay không. Cuối cùng, họ kết luận rằng việc duy trì mối quan hệ chiến lược 80 năm với Riyadh là điều quan trọng đối với lợi ích của Mỹ và sẽ giúp hai bên lật ngược tình thế.

Rời Trung Đông, Tổng thống Biden không mang về nhiều 'món quà' lớn - ảnh 1
Ông Biden và Thái tử Mohammed chạm tay trước cung điện hoàng gia ở Jeddah ngày 15.7  REUTERS

Riyadh đã thực hiện một số bước quan trọng để mở đường cho chuyến thăm, bao gồm ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn do Liên Hiệp Quốc làm trung gian trong cuộc xung đột ở Yemen. Đây là một chiến thắng lớn cho ông Biden, người ủng hộ chiến dịch quân sự do Ả Rập Xê Út dẫn đầu tại Yemen. Riyadh cũng giúp đẩy nhanh việc tăng sản lượng dầu đã được phê duyệt thông qua OPEC+.

Bruce Riedel, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Viện Brookings (Mỹ), nhận xét: “Hội nghị thượng đỉnh của 9 nhà lãnh đạo Ả Rập, cũng như việc ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen, rõ ràng là thành tựu. Nhưng những thành tựu này đã phải trả giá bằng cú chạm tay (giữa ông Biden và Thái tử MbS)”.

Ông Biden đến Ả Rập Xê Út với hy vọng thuyết phục được tổ chức OPEC tăng sản lượng dầu, nhưng vương quốc Vùng Vịnh kiên định với chiến lược rằng họ phải hoạt động trong khuôn khổ liên minh OPEC+, bao gồm Nga, và không hành động đơn phương.

Giá nhiên liệu cao đã thúc đẩy lạm phát tăng vọt ở Mỹ và trên toàn cầu, khiến tỷ lệ hài lòng của công chúng đối với ông Biden sụt giảm mạnh trước khi ông bước vào cuộc bầu cử quốc hội quan trọng (bầu cử giữa nhiệm kỳ) trong tháng 11.

Tuy nhiên, giới chức Nhà Trắng tin rằng những nỗ lực ngoại giao của họ sẽ giúp định hình các cuộc thảo luận khi OPEC+ tổ chức cuộc họp tiếp theo.

“Mọi con mắt đều đổ dồn vào cuộc họp ngày 3.8 của OPEC+. Nếu Ả Rập Xê Út và UAE muốn tăng sản lượng dầu, họ sẽ làm điều đó thông qua OPEC+. Nhưng chúng ta phải lưu ý rằng nhu cầu đang giảm dần. Tôi không chắc các nước này tin rằng thị trường cần nhiều dầu thô hơn”, Ben Cahill, nhà phân tích trong lĩnh vực năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ), cho biết.

 

Quan hệ khởi sắc

Chuyến đi chứng kiến ​​sự ấm lên dù ít ỏi trong quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Israel sau khi Riyadh cho biết họ sẽ mở cửa không phận cho tất cả các hãng hàng không, mở đường cho nhiều chuyến bay đến và đi từ Israel.

Ngoài ra, Mỹ cũng làm trung gian giúp đạt được một thỏa thuận giữa Israel, Ai Cập và Ả Rập Xê Út. Theo đó, một đội gìn giữ hòa bình quốc tế quy mô nhỏ do Mỹ dẫn đầu sẽ rời khỏi hòn đảo chiến lược Tiran, nơi mà quyền kiểm soát đã được Cairo nhường lại cho Riyadh vào năm 2017.

Rời Trung Đông, Tổng thống Biden không mang về nhiều 'món quà' lớn - ảnh 2
Ông Biden cùng lãnh đạo các nước Ả Rập tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Ả Rập Xê Út ngày 16.7  REUTERS

Mỹ và Israel hy vọng những động thái đó và hội nghị thượng đỉnh Ả Rập có thể giúp xây dựng động lực giúp Israel hội nhập sâu rộng hơn nữa tại khu vực, bao gồm với Ả Rập Xê Út.

Tuy nhiên, ngoại trưởng Ả Rập Xê Út đã bác bỏ khả năng nước này sẽ sớm bình thường hóa quan hệ với Israel, nói rằng đây không phải là dấu hiệu báo trước cho các bước tiến xa hơn. Ông cho biết Riyadh không tham gia bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc thiết lập liên minh quốc phòng Vùng Vịnh – Israel để chống lại Iran.

Hôm 14.7, Mỹ và Israel đã cùng ký cam kết sẽ không cung cấp vũ khí hạt nhân cho Iran, thể hiện sự đoàn kết của hai nước đồng minh lâu nay vẫn bất đồng về vấn đề ngoại giao với Tehran. Tuyên bố này là một phần trong nỗ lực của ông Biden nhằm tập hợp đồng minh tại khu vực hướng tới việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran.

Ả Rập Xê Út và Israel không hài lòng với thỏa thuận hạt nhân ban đầu do chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama làm trung gian và đã vui mừng khi người tiền nhiệm của ông Biden, cựu Tổng thống Donald Trump, rút khỏi thỏa thuận.

Giờ đây, ông Biden đang yêu cầu hai nước này kiên nhẫn, đảm bảo với họ rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ lực như biện pháp cuối cùng nếu các cuộc đàm phán thất bại và Iran tiếp tục tiến hành hoạt động mà phương Tây tin là chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Tehran phủ nhận những cáo buộc này.

 

Iran, Trung Quốc chỉ trích chuyến thăm của ông Biden

Tehran ngày 17.7 cáo buộc Mỹ lợi dụng “hội chứng sợ Iran” để tạo ra căng thẳng tại Trung Đông trong chuyến thăm của ông Biden. “Mỹ đã một lần nữa tìm cách tạo ra căng thẳng và khủng hoảng tại khu vực bằng chính sách lợi dụng hội chứng sợ Iran vốn đã cho thấy sự thất bại”, truyền thông nhà nước dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani, theo Reuters.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trước đó đã chỉ trích Mỹ “can thiệp” vào Trung Đông. “Mỹ và phương Tây nên thay đổi thói quen cũ của họ, ngừng chỉ tay và can thiệp vào các vấn đề của Trung Đông, cố gắng thay đổi khu vực theo các tiêu chuẩn của riêng họ”, ông Vương nói với người đồng cấp Syria Faisal Mekdad trong cuộc gặp trực tuyến hôm 15.7, theo South China Morning Post.

LAM VŨ

TNO