24/01/2025

Vật liệu xây dựng sẽ đảo chiều giảm giá?

Vật liệu xây dựng sẽ đảo chiều giảm giá?

Chi phí đầu vào tăng cao, thị trường xây dựng đình trệ khiến các doanh nghiệp ngành cung cấp vật liệu xây dựng lao đao trong cơn “bão giá”. Giá cả vượt ngưỡng thời gian qua sẽ phải đảo chiều, bắt đầu từ sắt thép và sắp tới có thể là xi măng.

 

 

 

Ông Tống Văn Hoành, Giám đốc Công ty xây dựng và quảng cáo Simba (TP.HCM), cho biết: Giá vật liệu xây dựng (VLXD) mấy tháng nay tăng rất cao, xi măng, sơn nước, gạch, đá, dây điện… đều tăng mạnh từ 15 – 20%. Trong đó nhôm, kính tăng cao nhất, trên 20%. “Đối với các nhà thầu xây dựng như tôi thì giá VLXD tăng cũng không ảnh hưởng nhiều lắm vì chi phí đội lên thì báo giá thầu cũng tăng tương ứng, nếu chủ đầu tư chịu thì làm, còn không thì hẹn lại dịp khác. Tăng giá cũng là tình hình chung nên các chủ đầu tư không có nhiều lựa chọn. Nhu cầu xây dựng trong thời điểm hiện nay cũng không giảm nhiều vì chủ nhà đến lúc cần xây hay có đủ điều kiện thì họ xây. Vấn đề nan giải nhất hiện nay là nhân công. Lương công nhật của thợ chính hay thợ phụ đều phải tăng lên, chưa kể tăng rồi mà tuyển người vẫn không có. Lương công nhân tăng thì nhà thầu phải giảm bớt lợi nhuận. Nếu trước đây lợi nhuận mỗi công trình của công ty tôi vào khoảng 15% thì hiện nay giảm còn 12%”, ông Hoành nói.

Vật liệu xây dựng sẽ đảo chiều giảm giá? - ảnh 1
Ngành sản xuất xi măng của VN đang tồn kho lớn do tiêu thụ nội địa chậm và xuất khẩu khó khăn  NGỌC THẮNG

Dự báo về thị trường VLXD trong thời gian tới, Công ty CP chứng khoán VNDirect cho rằng: Trong 6 tháng đầu năm, giá hàng hóa đã tăng mạnh khi chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng. Sau một đợt tăng giá nóng, xu hướng giá hàng hóa đảo chiều giảm nhanh.

 

Xi măng và cuộc chiến “giải phóng hàng tồn”

Hiệp hội Xi măng VN cho biết: Năm 2022, nguồn cung xi măng tiếp tục duy trì ở mức khoảng 108 triệu tấn, trong khi tiêu thụ nội địa ước tính chỉ đạt 65 triệu tấn, xuất khẩu tiếp tục là kênh tiêu thụ quan trọng. Sở dĩ tiêu thụ nội địa trở thành thứ yếu vì tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng ước chỉ đạt 28% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức 29% của cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư ít thì giải ngân vốn ít, kéo theo nhu cầu xi măng ở mức thấp. Doanh nghiệp (DN) phải tìm mọi giải pháp, nhưng bán hàng rất vất vả. Một nguyên nhân nữa, theo nhiều nhà phân phối, giá xi măng tăng cao nên người tiêu dùng không muốn xây sửa nhà, do thu nhập của họ cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh suốt 2 năm qua, thậm chí có nhà đang xây cũng tạm dừng. Thị trường nội địa ảm đạm, gánh nặng tiêu thụ đè lên xuất khẩu nhưng kênh này cũng không khởi sắc. Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay xuất khẩu xi măng và clinker đạt trên 16 triệu tấn, trị giá 740 triệu USD, giảm 22% về lượng và giảm gần 8% về trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu trung bình của xi măng và clinker đạt 45,5 USD/tấn, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ, nhưng mức tăng này còn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của chi phí đầu vào.

Trong 6 tháng đầu năm nay, để đối phó với chi phí đầu vào tăng cao, các DN sản xuất xi măng đã tăng giá 3 lần với tổng mức tăng từ 220.000 – 270.000 đồng/tấn nhưng vẫn không ăn thua. Vì thế, đã xuất hiện tình trạng một vài nhà máy phải dừng lò nghiền clinker do càng sản xuất càng lỗ. Tuy nhiên, đó chưa phải khó khăn duy nhất. Đáng lo hơn là tình trạng tồn kho tăng do tiêu thụ chậm. Có thể sắp tới một số nhà máy xi măng phải làm việc lại với nhà phân phối để giảm giá nhiều hơn nhằm giải phóng hàng tồn.

Hiện nay giá thành sản xuất xi măng khoảng từ 1,4 – 1,5 triệu đồng/tấn, nhưng thực tế giá bán ra trên thị trường chỉ khoảng từ 1,1 – 1,3 triệu/tấn, DN chịu lỗ từ 200.000 – 240.000 đồng/tấn. Với tình hình này, DN sẽ phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh năm nay. Đối diện thua lỗ và dừng sản xuất là tình trạng của một bộ phận nhà máy xi măng lúc này, nhất là với những dây chuyền cũ, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu. Đây là bài toán không hề đơn giản.

 

Sắt thép mở đường giảm giá

Trong quý 2 vừa qua, giá thép trong nước đã có 7 lần điều chỉnh giảm với tổng mức giảm khoảng 2,5 triệu đồng/tấn, hiện dao động trong khoảng 16 – 17 triệu đồng/tấn, do giá quặng sắt liên tục lao dốc. Việc giá sắt thép hạ nhiệt sẽ tạo cơ hội cho các công trình đẩy nhanh tiến độ và làm ấm lại thị trường xây dựng nói chung. Trong đó có tới 16 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tính đến cuối năm nay. Trong bối cảnh giá sắt thép bắt đầu hạ nhiệt sẽ góp phần hỗ trợ cho hoạt động đầu tư xây dựng sau khoảng thời gian gián đoạn vì dịch bệnh.

Vật liệu xây dựng sẽ đảo chiều giảm giá? - ảnh 2
Giá vật liệu xây dựng được dự báo sẽ đảo chiều vì đang ở mức cao  NGỌC DƯƠNG

VNDirect cho rằng đối với ngành thép, thị trường nội địa sẽ là động lực tăng trưởng sản lượng tiêu thụ trong nửa cuối năm 2022 trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và sự nóng lên của thị trường bất động sản nhà ở. Kỳ vọng giá bán thép xây dựng sẽ giảm dần về mức trung bình trong dài hạn, tuy nhiên triển vọng nhu cầu thép phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và giá nguyên liệu đầu vào vẫn duy trì ở mức cao sẽ khiến quá trình giảm giá này kéo dài.

Đối với ngành đá xây dựng và nhựa đường, dự báo nhu cầu sẽ tăng cao trong năm nay, trong đó ngành nhựa đường sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mạnh từ năm 2022 và hưởng lợi từ việc rải nhựa đường diễn ra trong giai đoạn sau của các dự án giao thông, đơn cử các dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1.

KTS Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và VLXD TP.HCM (SACA), cho rằng VN là nước có lợi thế về cả ngành xây dựng và cung cấp VLXD. Về VLXD xuất khẩu, xi măng và clinker VN đã đứng đầu thế giới từ năm 2017. Nhiều loại VLXD của VN sản xuất được xuất khẩu đi hàng chục quốc gia. Ví dụ kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ từ năm 2019 của VN đã đứng đầu thế giới. Đây là cơ sở hết sức quan trọng tạo nên một lợi thế cạnh tranh có tính chiến lược trên thị trường xây dựng thế giới. Hiện nay số lượng kỹ sư xây dựng của VN rất dồi dào. Mức trung bình của thế giới là 3.000 kỹ sư xây dựng trên 1 triệu dân thì VN có nhiều hơn gấp 3 lần. Đây là một lợi thế rất quan trọng nhưng nếu chúng ta không biết khai thác nó thì sẽ là gánh nặng trong tương lai khi nhu cầu xây dựng mới đạt mức bão hòa.

Cũng theo ông Hải, thị trường xây dựng thế giới hiện nay có giá trị lên đến 12.000 tỉ USD và theo dự báo đến năm 2030 sẽ lên đến 19.000 tỉ USD. Trong khi thị trường xây dựng VN chỉ khoảng từ 50 – 60 tỉ USD, ít hơn 200 lần so với quy mô của thị trường thế giới. Nếu chúng ta áp dụng nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thì sẽ chinh phục được thị trường xây dựng thế giới, và công nghiệp xây dựng nhất định sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.

“Cần xây dựng một chiến lược quốc gia trong đó xác định đâu là cơ hội, đâu là thách thức, đâu là những nhiệm vụ quan trọng và có giải pháp để thực thi những nhiệm vụ quan trọng đó để nâng cao năng lực cạnh tranh chung của ngành xây dựng, giúp ngành xây dựng thành công trong xuất khẩu. Để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược này cần có sự hợp tác của các hiệp hội tạo nên hệ sinh thái tối ưu trong ngành xây dựng VN. Sự tham gia của các DN và ngành nghề có liên quan sẽ đạt được sự cộng hưởng và mang lại sự tối ưu về hiệu quả hợp tác. Bên cạnh đó, ngành xây dựng rất cần sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, của Nhà nước”.

KTS Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và VLXD TP.HCM

CHÍ NHÂN – QUANG THUẦN

TNO