23/01/2025

‘Mưa’ phụ phí từ hãng xe công nghệ: Chống độc quyền, chèn ép người tiêu dùng

‘Mưa’ phụ phí từ hãng xe công nghệ: Chống độc quyền, chèn ép người tiêu dùng

Hơn một tuần Grab thông báo triển khai thu phí nắng nóng 5.000 đồng/chuyến xe, tài xế lẫn khách hàng bức xúc khi hãng xe tự đưa ra quy định riêng không phù hợp.

 

 

Mưa phụ phí từ hãng xe công nghệ: Chống độc quyền, chèn ép người tiêu dùng - Ảnh 1.

Các loại phí cứ liên tục được hãng xe công nghệ “cập nhật” bất kể phản ứng từ người tiêu dùng…

Theo nhiều chuyên gia, cơ quan chức năng cần vào cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các app gọi xe công nghệ, đặc biệt là Grab. Không thể để một doanh nghiệp độc quyền tự đặt ra luật chơi, “móc túi” khách hàng và “ăn chặn” của tài xế.

 

8 – 10 loại phụ phí!

Trưa 15-7, nhóm tài xế Grab đứng đợi khách ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cho biết những ngày qua khách hàng gọi xe thường thắc mắc về phụ phí mà Grab thông báo thu trên mỗi cuốc xe. Ngay cả tài xế cũng băn khoăn với chính sách phụ thu phí “nắng nóng gay gắt” 5.000 đồng/chuyến khi cộng trực tiếp vào giá cước để thu từ khách hàng.

Tài xế GrabBike N.V.Dũng cho hay qua một tuần chạy xe đến nay, tài khoản của anh chỉ nhận được thông báo thu phụ phí của Grab, còn thực hiện thu phí vẫn chưa thấy. Do khoản hỗ trợ thời tiết nắng nóng gay gắt được cộng trực tiếp vào giá cước, nhiều tài xế chưa rõ khoản này sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế hay không. Hãng cũng không đề cập chi tiết khía cạnh này.

Nhiều tài xế còn cho rằng Grab đang “chơi chiêu” để lôi kéo tài xế hoạt động chứ thực tế thời tiết vào tháng 7 bắt đầu vào mùa mưa, nắng nóng cũng dịu bớt.

Nếu thật sự hỗ trợ tài xế từ tháng 4 – 5, thời tiết nắng nóng nhưng hãng không có bất kỳ hỗ trợ nào, ngoài chính sách thưởng cuốc xe nhưng không phải tài xế nào cũng nhận được. Chính sách này tung ra thông tin mập mờ thu thêm 5.000 đồng/cuốc xe để giữ chân tài xế cũ, thu hút tài xế mới.

Thực tế phụ thu phí nắng nóng một cách lạ đời của Grab như giọt nước tràn ly khi các app đang nở rộ các phụ thu phí khách nhằm tăng giá cước nhưng mang danh nghĩa hỗ trợ tài xế hoạt động. Bởi tỉ lệ ăn chia của các app với tài xế thông thường ở mức 7:3.

Phụ phí cộng vào giá cước, app gọi xe đã chiếm một phần phụ thu đáng ra thuộc về người trực tiếp chịu ảnh hưởng, gây ra sự bất công nhất định giữa các bên liên quan.

Theo thống kê của Tuổi Trẻ, có 5 – 8 loại phụ phí bủa vây chuyến xe công nghệ. Chẳng hạn, Grab thu phí trời mưa, kẹt xe, ban đêm, tài xế chờ lâu… với mức giá 5.000 – 10.000 đồng với xe 2 bánh, ôtô cao hơn, 10.000 – 20.000 đồng.

Gojek thu phụ phí như khung giờ ăn khuya áp dụng cho các đơn hàng GoFood với mức 5.000 đồng/đơn hàng, áp dụng tại các quán, nhà hàng trong trung tâm thương mại.

Phụ phí gửi xe, phụ phí ban đêm 10.000 đồng/đơn hàng trong khung giờ từ 23h cho đến 6h sáng hôm sau. Các loại phí này được cộng vào giá cước, hãng hưởng tỉ lệ chiết khấu với tài xế. Các hãng công nghệ Grab, Be, Gojek… còn có phụ phí cho người sử dụng nền tảng dịch vụ.

Khách hàng sẽ phải chi trả thêm từ 1.000 – 2.000 đồng trên mỗi lần sử dụng, tùy dịch vụ trên ứng dụng. Đáng chú ý là mức phí này hoàn toàn do chủ ứng dụng hưởng, chứ không chia sẻ với đối tác tài xế.

Mưa phụ phí từ hãng xe công nghệ: Chống độc quyền, chèn ép người tiêu dùng - Ảnh 2.

Các loại phí cứ liên tục được hãng xe công nghệ “cập nhật” bất kể phản ứng từ người tiêu dùng… trong đó có phí sử dụng nền tảng dịch vụ – Ảnh: Q.ĐỊNH

Đua “móc túi” người tiêu dùng

Việc các app gọi xe công nghệ thu phụ phí, tăng giá cước vô tội vạ không chỉ khiến nhiều khách hàng bất bình mà cũng gây bức xúc với các tài xế.

Trong phản ảnh đến Tuổi Trẻ ngày 15-7, anh Tâm, một tài xế chạy Grab, bức xúc cho biết Grab thu phụ phí nắng nóng nhưng tài xế không được hưởng. “Chỉ có Grab Pay mới được hỗ trợ 3.000 đồng/lần, còn dịch vụ khác đều không có. Chưa hết, khi đơn hàng bị hủy hay khách không nhận, tài xế cũng phải chịu”, anh Tâm cho biết.

Theo một số chuyên gia, sau khi thống lĩnh thị trường với dày đặc các mảng hoạt động như gọi xe, giao hàng, đi chợ hộ, cho vay… các app đổ tiền vào khuyến mãi thu hút tài xế, tạo thói quen người tiêu dùng. Khi đạt được mục tiêu, hầu hết các hãng mỗi tháng đều tung ra các chính sách để tăng phí dịch vụ, cắt bớt khuyến mãi và nở rộ các loại phí để bù lại chi phí bỏ ra trước đó.

Báo cáo nghiên cứu thị trường của ABI Research cho biết thị phần của Grab đến năm 2021 lên tới 74,6%, Be chiếm 12,4%, Gojek 12,3%. Dù khảo sát này chỉ đánh giá riêng dịch vụ gọi xe, chưa hoàn toàn thống kê đủ các dịch vụ khác của các app nhưng dựa vào số liệu này và thực tế trên thị trường cho thấy Grab đang thống lĩnh thị trường.

Theo Luật cạnh tranh 2018, doanh nghiệp có thị phần 30% trở lên được xem là có vị trí thống lĩnh thị trường, phải chịu sự giám sát riêng để đảm bảo không lợi dụng vị trí đặc biệt để trục lợi.

Điều 27 của luật này quy định những hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền bị cấm như “áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý… có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng” và “áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng”.

“Việc Grab đơn phương áp đặt phụ thu nắng nóng có dấu hiệu vi phạm các quy định nêu trên. Khi doanh nghiệp độc quyền thị trường sẽ áp đặt giá, phí và buộc người tiêu dùng phải chấp nhận để tận thu”, một chuyên gia nói.

Bà Phan Thị Việt Thu, chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, cũng cho rằng việc phụ thu phí nắng nóng của Grab hoàn toàn bất hợp lý, một hình thức tận thu người tiêu dùng dưới danh nghĩa hỗ trợ tài xế.

“Nếu hãng xe đưa ra các khoản phụ phí mà người dùng thấy không hợp lý, không chấp nhận thì có thể không sử dụng dịch vụ, hoặc tìm dịch vụ khác thay thế. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn dịch vụ”, bà Thu nói.

 

Chờ cơ quan chức năng vào cuộc

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chị Hoàng Yến (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết đang chờ kết quả vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc chấn chỉnh các app gọi xe tăng các phụ phí vô tội vạ, xáo trộn giá cước gọi xe gây bức xúc khách hàng lẫn tài xế.

“Tôi rất mong đợi cơ quan chức năng làm rõ, đưa thị trường gọi xe hoạt động cân bằng về giá cả chứ đừng bát nháo, mất kiểm soát như hiện nay”, chị Hoàng Yến đề nghị.

* Ông Trần Bảo Ngọc (vụ trưởng Vụ Vận tải của Bộ GTVT):

Chưa có quy định buộc kê khai giá cước

TranBaoNgoc 1(Read-Only)

Việc quản lý giá cước vận tải đường bộ đang được thực hiện theo quy định của Luật giá và các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn.

Tuy nhiên, Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Theo đó, giá cước vận tải ôtô được hình thành trên cơ sở cung cầu của thị trường, không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Nhà nước có cơ chế để kiểm soát giá cước thông qua hình thức kê khai giá, thanh tra kiểm tra để đảm bảo mức giá cước phù hợp với thị trường.

Cũng theo quy định, cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ (xe khách liên tỉnh), xe buýt và taxi thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá với sở giao thông vận tải – cơ quan tiếp nhận kê khai giá. Cho đến nay, chưa có quy định các loại hình xe hợp đồng điện tử như Grabcar, Becar, Gocar… phải kê khai giá cước.

TUẤN PHÙNG

 

Cần bổ sung vào diện đăng ký giá và phụ phí

Trả lời Tuổi Trẻ về việc hãng xe công nghệ thu thêm phụ phí, lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết vấn đề này thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải – cơ quan quản lý chuyên ngành. Cũng theo vị này, Luật giá không quy định doanh nghiệp phải kê khai, đăng ký phụ phí cước vận tải xe công nghệ với cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng về bản chất, việc một số hãng xe công nghệ đẻ thêm loại phí và tăng phí là hình thức tăng giá dịch vụ. Trong đó, một số loại phí không có cơ sở như mới đây Grab đẻ thêm phí “thời tiết nắng nóng gay gắt”.

Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, theo ông Long, cần buộc doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng phải đăng ký, kê khai giá và phụ phí với cơ quan quản lý, nhất là trong bối cảnh thị trường gọi xe ở Việt Nam lâu nay có một đơn vị chiếm vị trí thống lĩnh.

“Bộ Tài chính đang sửa đổi Luật giá lần này cần bổ sung hình thức quản lý giá phù hợp đối với những mặt hàng, dịch vụ kinh doanh áp dụng công nghệ số. Với vận tải hành khách xe công nghệ, các hãng công nghệ Grab, Be, Gojek… cần phải kê khai, niêm yết, công khai giá cước, phụ phí để cơ quan quản lý giám sát và người tiêu dùng biết”, ông Long nói.

L.THANH

 

Nhiều nước chống độc quyền công nghệ

Những năm gần đây, các nhà hoạch định chính sách tại nhiều quốc gia đã đưa ra hướng nhìn nhận mới về tác hại của độc quyền công nghệ, không chỉ dừng lại ở ảnh hưởng đến giá cả.

Dù vậy, giới quan sát nhận định đây sẽ không phải nỗ lực dễ dàng vì khung pháp lý liên quan đến chống độc quyền trong lĩnh vực công nghệ còn quá mới mẻ, chưa kể những đổi mới liên tục và đa dạng trong mảng này.

Nổi bật trong câu chuyện trên là 4 cái tên Google, Amazon, Facebook (nay là Meta) và Apple. Theo trang Quartz, tính từ năm 2010 – 2020, 4 tập đoàn big tech này đã đối mặt với 24 vụ kiện chống độc quyền tại châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ và Mỹ.

Ủy ban châu Âu đã 3 lần khởi kiện Google với các cáo buộc: lợi dụng công cụ tìm kiếm Google.com để ưu tiên sản phẩm riêng; lợi dụng hệ điều hành điện thoại Android để ưu tiên các ứng dụng do hãng phát triển, và đàn áp cạnh tranh trong mảng quảng cáo kỹ thuật số.

Tổng mức phạt châu Âu đưa ra cho cả 3 cáo buộc này lên đến 9,4 tỉ USD và Google hiện vẫn kháng cáo. Hãng công nghệ trên cũng đối mặt với nhiều cáo buộc độc quyền khác tại Hàn Quốc, Mỹ và Ấn Độ.

NGUYÊN HẠNH

CÔNG TRUNG
TTO