22/12/2024

Giả danh bác sĩ bán thực phẩm chức năng

Giả danh bác sĩ bán thực phẩm chức năng

Hàng loạt người bệnh ở miền Trung mắc lừa bác sĩ giả mạo trên mạng xã hội, nhưng hậu quả thực là bỏ tiền triệu mua thực phẩm chức năng về sử dụng.

 

 

Giả danh bác sĩ bán thực phẩm chức năng - Ảnh 1.

Trong vai người bệnh, phóng viên nhận được đơn hàng là sản phẩm Khớp Đế Vương – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Các bệnh viện khuyến cáo bệnh nhân nên đến bệnh viện thăm khám/gọi trực tiếp đường dây nóng của bệnh viện để được hướng dẫn, tránh tình trạng bị lừa đảo.

 

“Phó giáo sư, tiến sĩ” tự xưng

“Thấy bác sĩ có học hàm học vị, lại công tác bệnh viện lớn nên tôi mới bỏ tiền triệu mua thuốc. Không ngờ về nhà con tôi phát hiện bác sĩ giả mạo, thuốc đã mua rồi không trả lại được đành ngậm bồ hòn làm ngọt” – bà T.H. (một người bệnh bị lừa đảo) nói.

Là người có bệnh mãn tính, bà T.H. (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) thường xuyên ra thăm khám tại Bệnh viện Đà Nẵng. Nhiều lần điều trị bệnh, bà rất tin tưởng đội ngũ nhân viên y tế ở đây.

Một lần khi lên mạng xã hội, thấy tài khoản Facebook tên Văn Hải cũng được bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng chữa hết đau nhức xương khớp thì bà H. liền làm quen bắt chuyện. Người này giới thiệu bà đến trang Facebook của một người tự xưng PGS.TS Nguyễn Quang Hùng đang công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng, chuyên trị thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm.

Sẵn có bệnh trong người nên cả hai vợ chồng bà đều “kết bạn” với “bác sĩ” này qua Zalo. Qua vài lần trò chuyện, bà được tư vấn phương pháp điều trị đau nhức xương khớp nên rất tin tưởng.

Gần đây, bà H. dự định ra Đà Nẵng thăm con trai rồi hẹn khám trực tiếp, nhưng “bác sĩ Hùng” báo bận đi công tác.

“Tôi thấy trên Zalo của ông ấy thường đăng ảnh bệnh nhân, rồi hướng dẫn điều trị nên tin lời giới thiệu các thuốc chuyên trị xương khớp. Hai vợ chồng tôi đặt hai liệu trình tốn gần 10 triệu đồng trước khi phát hiện bác sĩ này không có thật” – bà H. nói. Loại thuốc bà được gửi về là hộp thực phẩm chức năng trị xương khớp dạng viên.

Cũng với thủ đoạn tương tự, ông N. (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) cũng mua những hộp thuốc có tên Khớp Đế Vương với giá 6 triệu đồng qua bưu điện. Ông N. thường xuyên bị đau mỏi vai gáy và tê nhức tay chân, khi kết bạn qua Zalo với “PGS.TS Trần Hoàng Dũng” ông rất an tâm vì “bác sĩ” tư vấn tận tình với nhiều thuật ngữ chuyên môn.

“Tài khoản “PGS.TS Trần Hoàng Dũng” này khi tư vấn bảo tôi rằng bệnh xương khớp phải điều trị lâu dài nên cần phải uống nhiều liệu trình. Tôi mua hai lần rồi thấy cách tư vấn có vẻ như tiếp thị bán hàng nên sinh nghi. Con trai tôi kiểm tra thì thấy đây là thực phẩm chức năng trị xương khớp chứ không phải là thuốc, hỏi người quen ở bệnh viện thì phát hiện bác sĩ này không có thật” – ông N. bức xúc.

Giả danh bác sĩ bán thực phẩm chức năng - Ảnh 2.

Trang Zalo PGS. TS Trần Hoàng Dũng giả mạo, ảnh của PGS giả mạo là ảnh thực của ông Trần Minh Điển, giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Nên liên hệ trực tiếp bệnh viện

Trong vai người bệnh, phóng viên đã trực tiếp liên hệ với người tự xưng PGS.TS Nguyễn Quang Hùng. Quá trình liên lạc, tài khoản này liên tục hỏi về người giới thiệu. Trường hợp nói đúng tên tài khoản Facebook giới thiệu thì tài khoản mang số điện thoại PGS.TS Nguyễn Quang Hùng mới tiếp tục nói chuyện.

Sau khi nói bệnh án, tài khoản này khẳng định có thể điều trị khỏi mọi loại đau nhức xương khớp. Đồng thời ngay sau đó người này liên tục tự xưng là bác sĩ của Bệnh viện Đà Nẵng, từng công tác tại nhiều nơi và đã điều trị khỏi cho rất nhiều người bệnh. Người này hỏi thăm tình trạng sức khỏe và tư vấn liệu trình thuốc điều trị xương khớp có giá 4,5 triệu đồng.

Khi phóng viên liên hệ, “PGS.TS Nguyễn Quang Hùng” kể trên đã chuyển thuốc và nhận thanh toán qua bưu điện (ship code), sản phẩm nhận được cũng là Khớp Đế Vương, số điện thoại người gửi là xxx7910456, giá 1,5 triệu đồng cho 2 hộp thực phẩm chức năng.

Lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng khẳng định tại bệnh viện không có trường hợp nào là “PGS.TS Nguyễn Quang Hùng”, “PGS.TS Trần Hoàng Dũng” và chức danh như hình lừa đảo trên mạng.

Bệnh viện Đà Nẵng và một số bệnh viện trong khu vực cho biết vừa qua sau khi liên hệ với nhiều trường hợp bệnh nhân bị lừa đảo, bệnh viện phát hiện nhiều tài khoản trên mạng xã hội mạo danh cán bộ, nhân viên y tế đang làm việc tại bệnh viện.

Thủ đoạn thường thấy là các chủ tài khoản này gọi điện hoặc cung cấp các đường link website, Facebook, số điện thoại tổng đài giả mạo bệnh viện cho người bệnh, để tư vấn và giới thiệu các loại thuốc điều trị hỗ trợ không rõ nguồn gốc, thực phẩm chức năng.

“Sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh, chúng tôi khuyến cáo thận trọng tránh mắc bẫy lừa đảo của các đối tượng giả danh, dễ ảnh hưởng tới sự an toàn và sức khỏe của bản thân. Trường hợp nghi ngờ lừa đảo, bệnh nhân có thể liên hệ với bệnh viện để xác minh” – lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng nói.

 

Chiêu bán hàng “bẩn”?

Sau khi phóng viên đồng ý mua thuốc và cung cấp địa chỉ, nhận được sản phẩm là hộp thực phẩm chức năng Khớp Đế Vương giá 1,5 triệu đồng/2 hộp. Điểm trùng hợp đây cũng là sản phẩm mà nhiều bệnh nhân ở miền Trung nhận được khi liên hệ với các tài khoản mạo danh bác sĩ.

Trên sản phẩm Khớp Đế Vương có thông tin thương nhân chịu trách nhiệm sản phẩm là Công ty TNHH phát triển và đầu tư Az Faco. Địa chỉ phòng 401, tòa nhà 179 Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Phóng viên đã liên hệ với công ty này qua số hotline, người trả lời cho biết Khớp Đế Vương được công ty bán với giá 1,5 triệu đồng/2 hộp. Tuy nhiên người này từ chối trả lời việc có liên quan đến việc tiếp thị bán sản phẩm trên.

TRƯỜNG TRUNG
TTO