23/01/2025

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận chạm mốc mãn tải, cần sớm đầu tư giai đoạn 2

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận chạm mốc mãn tải, cần sớm đầu tư giai đoạn 2

Dự án Trung Lương – Mỹ Thuận sau gần 10 năm đình trệ, nhà đầu tư (Công ty CII, Công ty Tuấn Lộc, Công ty B.M.T) đã ký hợp đồng với Tập đoàn Đèo Cả vào thực hiện công tác quản lý dự án.

 

 

Với kinh nghiệm thi công, quản lý nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn, với năng lực quản trị khoa học, Đèo Cả đã đưa cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 theo đúng hồ sơ thiết kế được Bộ Giao thông vận tải thẩm định và phê duyệt theo đúng hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư chỉ sau gần 3 năm.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chạm mốc mãn tải, cần sớm đầu tư giai đoạn 2 - ảnh 1
Trung tâm điều hành, quan sát tình hình giao thông trên tuyến qua hệ thống ITS

Trước thách thức, mới đưa cao tốc vào sử dụng nhưng lưu lượng trung bình gần 23.000 lượt/ngày đêm đã chạm lưu lượng thiết kế dự báo cho năm 2025, chúng tôi đã có những trao đổi với ông Nguyễn Tấn Đông – TGĐ BOT Trung Lương – Mỹ Thuận về vấn đề này.

Xin ông cho biết, từ khi cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đưa vào vận hành phục vụ người dân lưu thông (30.4.2022) đến nay lưu lượng xe và tình hình giao thông trên tuyến như thế nào?

Ông Nguyễn Tấn Đông: Sau thời gian 75 ngày đưa vào khai thác, từ ngày 30.4 đến 14.7.2022, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã phục vụ lượng xe rất lớn là 1.723.289 lượt xe (lưu lượng trung bình trong 30 ngày gần đây khoảng 31.000 lượt/ngày đêm); tình trạng bảo đảm giao thông cũng vượt ngoài dự kiến với việc cứu hộ 455 trường hợp xe bị hỏng, chết máy, nổ lốp, hết nhiên liệu và tiếp nhận giải đáp hơn 1.000 cuộc gọi của người tham gia giao thông thông qua tổng đài điện thoại khẩn cấp.

Với lưu lượng xe lưu thông lớn như vậy, công tác vận hành gặp khó khăn gì?

Vì dự án đình trệ quá lâu nên khi hoàn thành thì đã chạm đến giới hạn mãi tải. Thực tế cho thấy với lưu lượng hiện nay, quy mô giai đoạn 1 của dự án đã không còn đáp ứng được nhu cầu của người tham gia giao thông.

Mặc dù đã thiết kế các vị trí dừng xe khẩn cấp, nhưng do khoảng cách các điểm dừng khẩn cấp lớn (khoảng 10km/điểm) nên nhiều trường hợp xe hư hỏng không thể di chuyển đến vị trí dừng khẩn cấp, bắt buộc phải đậu trên làn xe chạy, thậm chí không bật đèn cảnh báo gây mất ATGT. Thực tế, đã xảy ra một số vụ tai nạn do lái xe không làm chủ tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn nên không kịp xử lý khi khi có những tình huống xe hỏng dừng đỗ đột ngột trên đường.

Khi xảy ra sự cố giao thông, công tác tiếp cận hiện trường rất khó khăn, nhiều lúc lực lượng cứu hộ cứu nạn phải chạy bộ để tiếp cận hiện trường, sau khi điều tiết thì các phương tiện cứu hộ mới vào được vị trí sự cố. Vì vậy mất nhiều thời gian tiếp cận hiện trường, xử lý sự cố, gây ùn tắc giao thông, giảm hiệu quả khai thác,…

Đơn vị đã tổ chức vận hành như thế nào?

Để vận hành một công trình lớn, Doanh nghiệp dự án đã thuê Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) – đơn vị có kinh nghiệm quản lý vận hành hầm, đường cao tốc nổi bật hiện nay vào quản lý vận hành bằng hợp đồng O&M. HHV đã huy động 200 nhân sự có kinh nghiệm từ các dự án hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân và cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn cùng với hơn 20 đầu thiết bị chuyên dụng (xe cứu hộ, xe chữa cháy, xe cứu thương,….) để vận hành dự án. Chi phí vận hành khoảng 3 tỷ đồng/tháng.

Tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hiện đã được lắp đặt hệ thống giao thông thông minh (ITS) để quản lý, kiểm soát, vận hành khai thác và bảo trì cung cấp thông tin trực tiếp nâng cao an toàn cho người tham gia giao thông trên tuyến. Thông qua hệ thống ITS, Trung tâm điều hành đường cao tốc đã kịp thời phát hiện xe bị sự cố để hỗ trợ cứu hộ cứu nạn.

Chủ đầu tư cũng đã tổ chức ký quy chế phối hợp với Cục CSGT (C08), Sở GTVT, Công an tỉnh Tiền Giang và UBND các huyện nơi dự án đi qua để phối hợp xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình vận hành khai thác.

Như vậy, khi phải bỏ ra số tiền lớn để vận hành dự án nhưng lại chưa tổ chức thu phí, việc này đã gây khó khăn gì?

Chắc chắn việc vận hành dự án mà chưa thu phí thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Thứ nhất: Nhà đầu tư phải tự bỏ ra nguồn tài chính để phục vụ công tác vận hành; Thứ 2: chưa có nguồn thu để hoàn vốn và trả lãi vay cho phía ngân hàng; Thứ 3, khi chưa tổ chức thu phí, hay nói cách khác là khi lưu thông miễn phí thì không kiểm soát được tải trọng xe, không kiểm soát xe không đủ điều kiện lưu thông và một lý do quan trọng nữa là không điều tiết được giao thông trên tuyến.

Vì sao sau khi khánh thành và đưa dự án vào vận hành (30.4.2022) đến nay dự án vẫn chưa triển khai thu phí hoàn vốn theo thỏa thuận trong hợp đồng?

Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được đưa vào khai thác không thu phí trong 60 ngày để đánh giá về chất lượng công trình và công tác tổ chức giao thông an toàn trên tuyến. Sau thời gian trên, chất lượng công trình được đánh giá là phù hợp với thiết kế được Bộ GTVT phê duyệt nhưng còn một số bất cập về đảm bảo an toàn giao thông của phương án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1. Doanh nghiệp đã thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang kéo dài thời gian không thu phí thêm 30 ngày để chờ chủ trương của cấp có thẩm quyền về các giải pháp xử lý tình huống trước mắt đồng thời xem xét sự cần thiết đầu tư giai đoạn 2 của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của 21 triệu dân Đồng bằng sông Cửu Long về tuyến đường cao tốc huyết mạch để phát triển kinh tế – xã hội cho toàn khu vực.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chạm mốc mãn tải, cần sớm đầu tư giai đoạn 2 - ảnh 2
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận chính thức đưa vào vận hành từ ngày 30.4.2022 sau gần 10 năm đình trệ

Nhà đầu tư đã đề xuất gì đến cấp có thẩm quyền nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia lưu thông trên tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận?

Chúng tôi nhận thấy các bất cập cần phải giải quyết như: Quy mô đầu tư giai đoạn 1 đã chạm mốc mãn tải; Chưa có trạm dừng kiểm tra kỹ thuật, cứu hộ cứu nạn, chưa có làn dừng khẩn cấp… nên khi xảy ra các sự cố như phương tiện hư hỏng, hết nhiên liệu, va chạm giao thông do tài xế chạy đường dài không dừng nghỉ… rất khó khăn trong công tác cứu nạn cứu hộ, gây ùn tắc giao thông, giảm hiệu quả khai thác; Người dân chưa quen với “văn hoá giao thông trên cao tốc”,…

Với lưu lượng xe như hiện nay, tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 đã chạm mốc mãn tải và không đáp ứng được nhu cầu lưu thông trong thời gian tới. Trước mắt, đề nghị Bộ GTVT sớm có đánh giá và chỉ đạo khắc phục các tồn tại của thiết kế phân kỳ đầu tư liên quan đến ATGT. Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang cần sớm tạo điều kiện để nhà đầu tư bổ sung trạm dừng nghỉ và kiểm tra kỹ thuật; Cần triển khai sớm công việc đầu tư giai đoạn 2 của dự án bởi các chỉ số về lưu lượng xe năm 2022 đã vượt các trị số tính toán cho giai đoạn 2 vào năm 2025.

TNO