Lịch sử truyền giáo của Giáo hội Công giáo tại Đài Loan
Lịch sử truyền giáo của Giáo hội Công giáo tại Đài Loan
Cha Gianni Criveller, nhà truyền giáo thuộc Hội Truyền giáo Giáo hoàng Hải ngoại (PIME), cha Felice Chech, nhà truyền giáo dòng thánh Camillo, và cha Paulin Batairwa Kubuya, Phó Tổng Thư ký của Bộ Đối thoại Liên tôn, đã có những bài tham luận.
Dưới đây là bài nói chuyện của Cha Gianni Criveller – từng là nhà truyền giáo ở Cao Hùng và Đài Bắc từ năm 1991 đến năm 1994 – về chủ đề “Lịch sử truyền giáo của Giáo hội Công giáo tại Đài Loan”.
Những bước khởi đầu truyền giáo của Formosa
Năm 1624, người Hà Lan chiếm đóng phần phía nam của Đài Loan. Ba năm sau, Georgius Candidius, một quan chức và nhà truyền giáo người Hà Lan, trình bày một báo cáo về dân số địa phương: chỉ có vài trăm ngư dân Trung Quốc đến từ tỉnh Phúc Kiến, phần lớn thuộc các nhóm sắc tộc.
Vào năm 1626, người Tây Ban Nha đến miền bắc Đài Loan. Họ gọi nó là Formosa, hòn đảo xinh đẹp; phương Tây biết đến Đài Loan với tên thuộc địa này. Các nhà truyền giáo dòng Đa Minh thuộc Tỉnh dòng Mân Côi, những người đã làm việc ở Philippines và Nhật Bản, cũng đến Đài Loan. Họ gồm hai người Tây Ban Nha và 11 người Nhật Bản. Họ đã xây dựng nhà thờ đầu tiên và thành lập các cộng đồng ở Cơ Long (Jilong) và Đạm Thuỷ (Danshui), ở vùng phía bắc.
Bắt đầu từ năm 1631, các tu sĩ Phanxicô người Tây Ban Nha và Ý đã đến Đài Loan, như điểm dừng chân để vào Trung Quốc. Từ Đài Loan họ vượt eo biển để đổ bộ vào Phúc Kiến. Bằng cách này, họ đã tránh được Ma Cao, nơi dưới quyền Bồ Đào Nha, và có các tu sĩ dòng Tên đang truyền giáo. Năm 1633, hai tu sĩ Dòng Phanxicô và hai tu sĩ Đa Minh, trong đó có Antonio Maria Caballero và Domingos Morales, vào Trung Quốc theo con đường này. Năm 1642 các nhà truyền giáo Công giáo và người Tây Ban Nha bị người Hà Lan trục xuất khỏi Công ty Đông Ấn Thống nhất. Như vậy đã kết thúc cuộc truyền giáo đầu tiên của Công giáo tại Đài Loan.
Giai đoạn thứ hai: cuộc truyền giáo khó khăn của người Tây Ban Nha
Vào năm 1895, Đài Loan được nhượng cho Nhật Bản sau hiệp ước Shimonoseki. Trong quảng thời gian ngắn giữa việc ký kết và việc chiếm hữu, nước Cộng hòa Formosa đã được tuyên bố thành lập. Năm 1945, Đài Loan được trao trả cho Trung Quốc sau thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.
Trong khi đó, lịch sử của sự hiện diện của Công giáo được nối lại vào năm 1859, cũng nhờ các tu sĩ Đaminh Tây Ban Nha, những người đã hoạt động ở tỉnh Phúc Kiến trong hai thế kỷ. Từ Hạ Môn (Xiamen), các nhà truyền giáo đã vượt qua eo biển và định cư ở Cao Hùng, thành phố chính ở phía nam của hòn đảo. Trong 90 năm, cho đến khi Tưởng Giới Thạch đến vào năm 1949, các tu sĩ Đaminh là những nhà truyền giáo Công giáo duy nhất trên đảo.
Công việc của các tu sĩ Đaminh không hề dễ dàng bởi vì thành phần sắc tộc, xã hội và văn hoá trên đảo rất phức tạp. Những người theo Công giáo rất hiếm. Vào cuối thế kỷ 19, người Công giáo chỉ có hơn 1000 người, tập trung ở một vài ngôi làng nơi các cộng đồng sống biệt lập.
Đặc biệt phải kể đến ngôi làng nhỏ Vạn Khâm (Wanchin), cách Cao Hùng 60km về phía nam. Toàn bộ ngôi làng theo đạo Công giáo từ những năm 1860 và giữ đạo bất chấp sự thù địch của chính quyền và các làng lân cận. Thậm chí ngày nay nó là một nơi đặc biệt. Ở Vạn Khâm, việc thực hành đức tin vẫn còn mạnh mẽ và nhiều ơn gọi tu sĩ nảy sinh ở đây. Tại đền thờ, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội được cử hành rất trọng thể vào ngày 8/12. Vào dịp đó, đức tin được thể hiện thông qua sự kết hợp giữa các yếu tố truyền thống của Trung Quốc, phong tục của người dân địa phương và các hình thức tôn giáo kế thừa từ các nhà truyền giáo Tây Ban Nha.
Nhưng ở phần còn lại của Đài Loan, Giáo hội phát triển chậm chạp. Chủng viện đầu tiên chỉ được mở vào năm 1920. Sự hiện diện của người Nhật đã đặt các Kitô hữu vào một tình thế khó khăn. Để mối quan hệ với chính phủ Nhật Bản được dễ dàng, vào năm 1912, Đài Loan trở thành một quận tự trị nói tiếng Nhật, tách khỏi Hạ Môn.
Các tu sĩ Đaminh đã nỗ lực hết sức để thu hút người Đài Loan theo đạo nhưng vẫn chống lại các Nghi lễ Trung Hoa. Điều này khiến cho việc gắn bó với Phúc Âm của một dân tộc nông thôn có mối liên hệ chặt chẽ với đất đai, nơi chôn cất, tổ tiên, gia đình và các bài vị có tên người chết càng thêm khó khăn. Tình hình chỉ thay đổi sau Thế chiến II. Năm 1935 và 1939, Tòa thánh đã thay đổi quyết định của Đức Biển Đức XIV vào năm 1742, tuyên bố rằng các nghi lễ dành cho Khổng Tử và tổ tiên được chấp nhận.
Trong khi đó, chính sách cải cách ruộng đất, công nghiệp hoá, giáo dục và đô thị hóa đã đưa người dân Đài Loan tách khỏi sự phụ thuộc vào đất đai và gia đình truyền thống, và do đó, tách khỏi việc thực hành các nghi lễ của tổ tiên.
Đài Loan tham gia vào ngoại giao
Toà Thánh và Trung Hoa Dân Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1942: đây là sự kiện đang được kỷ niệm. Vào năm 1946, Đại sứ thứ hai của Trung Quốc cạnh Toà Thánh, luật gia, học giả và chính trị gia nổi tiếng Jophn Wu, đã theo đạo Công giáo nhờ tình bạn với Nicola Maestrini, một nhà truyền giáo PIME ở Hồng Kông. John Wu là tác giả bài viết Khoa học tình yêu, một tiểu luận tuyệt đẹp nói về thánh Têrêsa thành Lisieux; trong tác phẩm, thánh Têrêsa được mô tả là sự tổng hợp của đạo đức Nho giáo và thần bí của Đạo giáo.
Do những biến động chính trị ở Trung Quốc, Sứ thần Antonio Riberi bị trục xuất khỏi Bắc Kinh và Toà Sứ thần của Trung Hoa Dân Quốc chuyển đến Đài Bắc vào năm 1951. Riberi cũng đã đến thăm Hồng Kông, nhưng thành phố khi đó là thuộc địa của Anh, và không thể có sự hiện diện ngoại giao. Trên thực tế, các quan hệ mà Đức Piô XII ký với Trung Hoa Dân Quốc là các quan hệ với Trung Quốc: Tòa Thánh đã chọn ở lại trên lãnh thổ Trung Quốc.
Năm 1970, Đức Phaolô VI đã đến thăm Hồng Kông và đưa ra một lời kêu gọi các nhà chức trách của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Năm sau, Đức Giáo hoàng đã giảm bớt cấp bậc ngoại giao của cơ quan ngoại giao của Toà Thánh bằng cách cử một vị xử lý thường vụ đến Đài Bắc.
Giai đoạn thứ ba: Giáo hội Trung Quốc lưu vong ở Đài Loan
Vào đầu những năm 1950, có 11.000 tín hữu, cộng với 12 tu sĩ Đa Minh Tây Ban Nha và ba linh mục Đài Loan. Từ Trung Quốc, hơn 800 linh mục và vài trăm nữ tu, cả người Trung Quốc và ngoại quốc, đã đến Hồng Kông với Sứ thần Toà Thánh Riberi.
Cùng với họ là một triệu binh lính và người tị nạn, một cuộc di cư đã có một tác động to lớn đến hòn đảo theo cách triệt để và không thể xóa nhòa. Cộng đoàn Công giáo đã gia tăng cách ấn tượng, lên đến con số 300 ngàn. Một nửa dân số Công giáo thuộc các nhóm sắc tộc sống tập trung ở các khu vực miền núi ở trung tâm đảo.
Sáu giáo phận đã được thành lập với các trường học, nhà hưu trí, bệnh viện, trường đại học và trung tâm văn hóa. Với các hoạt động xã hội, nhu cầu của người dân đã được đáp ứng trong những năm khẩn cấp do dòng người tị nạn quá lớn.
Vào những năm 1960 và 1970, Giáo hội Công giáo ở Đài Loan đạt một kỷ lục, đó là tỷ lệ tu sĩ nam nữ cao nhất so với giáo dân. Tuy nhiên, các giám mục và linh mục từ Trung Quốc đại lục đã có chương trình quay trở lại nơi đó càng sớm càng tốt, và do đó đã thành lập một loại Giáo hội lưu vong, ít gắn bó chặt chẽ với cộng đồng dân địa phương. Ngay cả việc sử dụng ngôn ngữ quốc gia bất chấp người Đài Loan khiến Giáo hội Đài Loan cảm thấy không phải là cho người Đài Loan.
Giai đoạn thứ tư: Giáo hội Đài Loan và những thách thức của việc truyền giáo
Tình trạng này đã được khắc phục trong 30 năm qua, khi tiếng Đài Loan được sử dụng trong phụng vụ và tất cả các giám mục đều được chọn từ người dân địa phương, thuộc bất kỳ nhóm sắc tộc nào.
Vào những năm 1970, nhờ nghiên cứu thần học của Đại học Công giáo Đài Bắc, đã có những đề xuất về việc thích ứng phụng vụ: đọc các đoạn từ các tác phẩm khôn ngoan cổ điển của Trung Quốc trong các dịp cử hành; sử dụng các hình ảnh thánh thiêng theo phong cách Trung Quốc.
Ở thành phố Cao Hùng có một nhà thờ duy nhất, nếu tôi nhớ đúng, có nhà xứ và và bàn thờ được lấy cảm hứng từ hình dạng của bàn thờ gia đình truyền thống tôn kính tổ tiên. Đó là Nhà thờ Thánh Catarina thành Sienna, được xây dựng theo phong cách Trung Quốc.
Tuy nhiên, truyền giáo vẫn là một thách đố trong thời hiện đại trong một xã hội đang có nhiều biến đổi lớn. Nhiều điều đã được thực hiện để bảo tồn bản sắc của các cộng đồng không phải người Hoa sống trên các vùng miền núi.
Có khoảng 200.000 người, mỗi nhóm có ngôn ngữ và văn hoá riêng, và tỏ ra rất sẵn lòng đón nhận Tin Mừng. Nhưng tương lai của họ có phần bất định. Những người trẻ rời miền núi đến các thành phố công nghiệp ven biển, và dễ dàng đánh mất bản sắc và đức tin của họ.
Ngày nay việc theo đạo Công giáo đã trở nên hiếm hoi. Gặp gỡ với một người quan tâm đến kitô giáo thực sự là một trường hợp đáng mừng. Kitô giáo vẫn bị nhiều người coi là xa lạ với thế giới Trung Quốc, và là một thực tế phức tạp để hiểu và thực hành. Nhưng cũng có những nỗ lực đáng kể được thực hiện đối với xã hội và những người trẻ tuổi. Nó không nhắm đến thành công về số lượng nhưng nhắm là chứng tá đáng tin cậy của Tin Mừng trong một tiến trình loan báo Tin Mừng của đoàn chiên nhỏ bé.
Ở Đài Bắc, tôi đã bị ấn tượng bởi quyết định đón nhận đức tin của một thanh niên Đài Loan. Về mặt con người mà nói, nó không mang lại bất kỳ lợi thế nào, thực sự sự lựa chọn này bao hàm những khó khăn và chống đối từ phía gia đình và bạn bè. Do đó, đối với tôi, nó dường như là một hoạt động thực sự của Ân sủng.
Tôi kết thúc với suy nghĩ này: Hoàn cảnh lịch sử đã buộc Đài Loan và Toà Thánh đồng hành với nhau trong nhiều năm. Đài Loan không thể bị coi là một di sản lịch sử đơn thuần mà người ta có thể loại bỏ. Đài Loan tuy nhỏ, nhưng câu chuyện của nó có ý nghĩa rất lớn: ở đây Giáo hội được tự do và bình an. Có tự do, đa nguyên, đối thoại giữa các tín đồ của các tín ngưỡng khác nhau và dân chủ. Nó không phải là chuyện nhỏ trong thời đại mà tự do, đối thoại và dân chủ không được yêu thích lắm.
Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2022-07/lich-su-truyen-giao-giao-hoi-cong-giao-dai-loan.html