23/12/2024

Euro – USD ngang giá: Giúp giảm lạm phát ở Mỹ, khách du lịch được ‘giảm giá’ 15%

Euro – USD ngang giá: Giúp giảm lạm phát ở Mỹ, khách du lịch được ‘giảm giá’ 15%

Lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ, đồng euro và USD có tỉ giá gần tương đương. Việc hai đồng tiền giá trị bậc nhất thế giới ngang giá nhau mang lại cả tác động tích cực lẫn tiêu cực.

 

 

Euro - USD ngang giá: Giúp giảm lạm phát ở Mỹ, khách du lịch được ‘giảm giá’ 15% - Ảnh 1.

Đồng euro đã bị đồng USD san bằng khoảng cách – Ảnh minh họa: REUTERS

Đối với người dân Mỹ, đây là một tín hiệu tích cực. Tỉ giá cân bằng có thể giúp người Mỹ có những chuyến du lịch rẻ hơn ở châu Âu, giúp các doanh nghiệp nước này tiếp cận những mặt hàng châu Âu với giá phải chăng, và thậm chí làm giảm lạm phát ở Mỹ.

Ngược lại, với người dân châu Âu, tỉ giá euro – USD hiện tại đang tạo ra sự lo lắng về tốc độ phát triển chậm của lục địa già trong bối cảnh toàn cầu hóa.

 

Người Mỹ vui mừng 

Tỉ giá euro – USD ngang bằng có thể mang lại những kết quả tích cực đối với các doanh nghiệp của hai bên.

Các doanh nghiệp xuất khẩu ở châu Âu sẽ được hưởng lợi lớn khi đồng euro yếu đi. Do sự chênh lệch về tỉ giá giữa euro và USD, người tiêu dùng nước ngoài sẽ được thấy giá cả các mặt hàng của các doanh nghiệp châu Âu giảm đi đáng kể.

Ngược lại, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực và có giá trị hàng trăm tỉ euro của châu Âu sẽ bị tác động lớn, bao gồm hàng không vũ trụ, xe hơi, hàng điện tử, hàng xa xỉ và hóa chất.

Đối với các doanh nghiệp Mỹ, giá hàng nhập từ châu Âu sẽ giảm đi đáng kể, từ đó giải thoát sức ép kinh tế và lạm phát do COVID-19 gây ra đối với thị trường.

Người dân Mỹ đặc biệt được hưởng lợi khi không còn phải đối mặt với tỉ lệ lạm phát cao, từ đó có thể tăng dòng tiền được chuyển vào thị trường trong và ngoài nước, theo báo Washington Post.

Ông Jay Hatfield, giám đốc điều hành tại Cơ sở hạ tầng Capital Management, nói với Washington Post rằng đồng đô la mạnh hơn có thể giúp kiềm chế giá.

“Đồng USD mạnh khiến giá hàng hóa toàn cầu thấp hơn, vì hầu hết hàng hóa được định giá bằng USD” – ông Hatfield nói.

“Chúng tôi dự đoán lạm phát sẽ bắt đầu giảm đáng kể vào mùa thu tới khi giá hàng hóa được phản ánh trong các chỉ số giá cả” – ông Hatfield nhận định.

Tuy vậy, vẫn còn tồn tại nhiều thách thức khó khăn cho cả Mỹ lẫn châu Âu.

Đối với các doanh nghiệp châu Âu cần nhập khẩu nhiều, việc tỉ giá euro – USD cân bằng sẽ tạo ra nhiều thiệt thòi vì giá tiền nhập các mặt hàng sẽ cao hơn. Trong các lĩnh vực cần nhiều nguyên liệu thô, các doanh nghiệp sẽ cần phải cắt giảm chi tiêu để thích ứng với việc tăng giá và nhu cầu thị trường.

Như vậy, tỉ giá thay đổi có thể tạo ra người thắng và người thua tùy thuộc vào sự kết hợp của xuất nhập khẩu.

Ở Mỹ, việc đồng USD đang đi lên cũng có thể làm tổn hại đến xuất khẩu của Mỹ ra nước ngoài, do sức mua của những nước bên ngoài bị suy yếu.

Euro - USD ngang giá: Giúp giảm lạm phát ở Mỹ, khách du lịch được ‘giảm giá’ 15% - Ảnh 2.

Nguồn: Tradingview.com – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Khách du lịch đến châu Âu hưởng lợi

Theo kênh CNBC, việc cân bằng tỉ giá giữa euro và USD cũng giống như được giảm giá 15% cho khách du lịch Mỹ hoặc những người sử dụng đồng USD.

Hiện tại, 1 euro có giá trị dưới 1,01 USD – giảm 11% so với gần 1,13 USD vào đầu năm 2022 và giảm 15% so với gần 1,19 USD một năm trước (2021).

Đối với những người Mỹ coi châu Âu là điểm đến du lịch phổ biến, tỉ lệ gần 1-1 giữa đồng euro và USD tạo ra nhiều cơ hội hiếm có.

Người dân Mỹ sẽ có khả năng chi tiêu lớn hơn khi đến các điểm đến thuộc khu vực đồng euro như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, và Hy Lạp.

Động lực tiền tệ cũng có thể mang lại lợi ích cho những người Mỹ đi du lịch bên ngoài khu vực đồng euro. Đồng đô la Mỹ cũng tăng so với đồng peso của Mexico, đô la Canada và đô la Úc, và đồng won của Hàn Quốc trong tháng trước.

Đối với người châu Âu và những người kiếm được tiền lương bằng đồng euro, việc đi du lịch ra nước ngoài và chi tiêu bằng đô la Mỹ sẽ trở nên đắt đỏ hơn.

Bên cạnh đó, lo lắng về khả năng khủng hoảng kinh tế ở châu Âu cùng với việc Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ siết chặt các chính sách tiền tệ sẽ làm giảm số lượng khách du lịch từ châu Âu đi đến Mỹ hoặc ra nước ngoài.

Chẳng hạn, chỉ số giá du lịch của Hiệp hội Du lịch Mỹ, chi phí tại Mỹ cho các mặt hàng như vé máy bay, chỗ ở, giải trí và ăn uống đã tăng gần 19% trong tháng 5 so với cùng thời điểm năm 2019, trước dịch COVID-19.

Do đó, việc tỉ giá euro – USD ngang bằng sẽ tạo thêm nhiều cản trở cho các công dân châu Âu muốn đi du lịch ở những khu vực khác.

 

Hai lý do khiến euro – USD gần ngang giá

Có hai yếu tố chính dẫn đến việc đồng euro mất giá so với USD. Thứ nhất, để đối phó với các thay đổi kinh tế do dịch COVID-19 mang đến cho người dân Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất khiến USD tăng giá.

Thứ hai, xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến nguồn cung cấp lương thực và năng lượng đến nhiều quốc gia ở châu Âu bị trì trệ, lạm phát tăng cao và đồng euro mất giá.

MINH TRÍ
TTO