19/11/2024

Còn lạ lẫm với hoá đơn điện tử

Còn lạ lẫm với hóa đơn điện tử

Dù hóa đơn giấy đã bị khai tử và được thay bằng hoá đơn điện tử từ ngày 1-7, nhưng đến nay nhiều người dân vẫn chưa biết về hoá đơn điện tử. Đi cà phê, siêu thị, nhà thuốc…, người dân vẫn nhận hoá đơn hoặc phiếu tính tiền bằng giấy.

Còn lạ lẫm với hóa đơn điện tử - Ảnh 1.

Dù cơ quan thuế đã khai tử hóa đơn giấy nhưng nhiều người mua hàng chưa đòi cửa hàng xuất hóa đơn điện tử – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trong khi đó cả hai lần Tổng cục Thuế tổ chức quay xổ số hóa đơn thì người trúng thưởng chỉ là doanh nghiệp, dù mục tiêu của xổ số hóa đơn là để phổ cập việc mua hàng phải lấy hóa đơn điện tử đến người dân.

 

Mua hàng không được xuất hoá đơn

Phản ánh đến Tuổi Trẻ, chị L.T.N. (Hà Đông, Hà Nội) kể hôm 3-7 có mua hàng ở một siêu thị trên đường Phan Đình Giót. Khi thanh toán, chị có đề nghị xuất hóa đơn điện tử nhưng nhân viên cửa hàng cho biết chỉ xuất cho khách hàng là doanh nghiệp.

Với khách hàng cá nhân, hệ thống của đơn vị bán hàng này không xuất được. “Theo tôi tìm hiểu quy định, người mua hàng là cá nhân hay doanh nghiệp đều được người bán xuất hóa đơn điện tử. Nếu hóa đơn điện tử chỉ xuất cho người mua là doanh nghiệp thì sẽ không đảm bảo công bằng” – chị L.T.N. thắc mắc.

Chị Duyên (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho hay khi đi siêu thị mua đồ ăn trong tuần với hóa đơn hơn 1 triệu đồng nhưng nhân viên siêu thị vẫn in ra hóa đơn bằng giấy như mọi khi.

“Tôi quan sát thấy với những khách hàng khác nhân viên siêu thị cũng làm như vậy và cũng không ai thắc mắc về việc cơ quan thuế đã khai tử hóa đơn giấy và chỉ còn hóa đơn điện tử nhưng vì sao siêu thị vẫn in hóa đơn giấy. Đi uống cà phê ở các quán chuỗi, tôi cũng chỉ nhận phiếu tính tiền chứ không có hóa đơn điện tử”, chị Duyên nói.

Tuy nhiên khi yêu cầu được cung cấp hóa đơn điện tử, người mua hàng hóa hay dịch vụ cũng không thể có hóa đơn ngay. Anh Kiên (TP.HCM) cho hay trong chuyến công tác tại Hà Nội mới đây, anh yêu cầu taxi xuất hóa đơn để anh về quyết toán công tác phí với cơ quan, nhưng phải đến 3 ngày sau anh mới nhận được hóa đơn điện tử gửi qua email.

“Trên thực tế nếu không phải là người am hiểu thì ít ai biết hóa đơn điện tử phải là file XML và khách hàng có thể tra cứu trên website của công ty. Nhiều người tiêu dùng cứ tưởng hóa đơn gửi qua emai đã là hóa đơn điện tử”, anh Kiên nói.

Còn lạ lẫm với hóa đơn điện tử - Ảnh 2.

Xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng tại một cửa hàng ở TP.HCM – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Doanh nghiệp cũng gặp khó

Ghi nhận của Tuổi Trẻ trong những ngày đầu áp dụng hóa đơn điện tử cho thấy đã xảy ra nhiều trục trặc nên hệ thống của cơ quan thuế không cấp mã kịp thời. Chị N.M.L. – kế toán công ty về bán và sửa chữa ôtô trên đường Giải Phóng (Hà Nội) – than thở có một số hóa đơn điện tử được gửi lên để cấp mã nhưng sau 2 ngày vẫn chưa nhận được để xuất cho khách hàng.

Doanh nghiệp chỉ nhận được thông báo từ nhà cung cấp phần mềm với nội dung “Viettel thông báo: từ 14h30 ngày 1-7-2022, hệ thống Tổng cục Thuế tạm dừng cấp mã hóa đơn điện tử. Viettel và các nhà cung cấp hóa đơn điện tử đang phối hợp Tổng cục Thuế kiểm tra xử lý. Kính mong quý khách thông cảm và thực hiện lại sau. Cảm ơn quý khách”.

Anh L.T.V. – kế toán chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp thực phẩm, trái cây tươi ở Hà Nội – cho hay ngày 2-7 Viettel ra thông báo vào sáng cùng ngày, Tổng cục Thuế đã mở lại hệ thống cấp mã hóa đơn điện tử nhưng việc cấp mã của Tổng cục Thuế đang chậm. “Viettel đang phối hợp Tổng cục Thuế kiểm tra xử lý. Với trường hợp hóa đơn bị từ chối cấp mã với mã lỗi, Viettel sẽ phối hợp với Tổng cục Thuế đối soát sau khi hệ thống Tổng cục Thuế ổn định. Kính mong quý khách hàng thông cảm và kiểm tra lại sau. Cảm ơn quý khách!”, thông báo nêu.

Theo chị N.M.L., những khách hàng là doanh nghiệp sẽ hiểu không phải lỗi do người bán nhưng người mua là cá nhân lại cho rằng doanh nghiệp này có vấn đề gì nhưng doanh nghiệp chỉ biết xin lỗi và mong khách hàng thông cảm chứ không thể làm gì khác. “Theo quy định, người bán phải xuất ngay hóa đơn điện tử cho người mua. Việc hóa đơn điện tử gửi lên hệ thống của Tổng cục Thuế mà 2 ngày không được cấp mã thì ai sẽ chịu trách nhiệm?” – chị N.M.L. đặt vấn đề.

Phó giám đốc tài chính của một doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết bị điện cho rằng Tổng cục Thuế phải lường trước hết tình huống để có phương án xử lý kịp thời, thay vì bắt doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử ngồi chờ cấp mã. “Doanh nghiệp sai thì đè cổ phạt, còn hệ thống thuế lỗi thì bắt doanh nghiệp chịu”, vị này nói.

Còn lạ lẫm với hóa đơn điện tử - Ảnh 3.

Hóa đơn hàng hóa để thanh toán trong siêu thị tại TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Xuất hoá đơn chậm do… độ trễ?

Trừ trường hợp doanh nghiệp hoặc cá nhân cần lấy hóa đơn để quyết toán chi phí với công ty, phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa có thói quen mua hàng lấy hóa đơn. Theo giải thích của bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, người tiêu dùng ở Tây Hồ (Hà Nội), thời gian xuất hóa đơn điện tử mất 5-10 phút nên chưa thật sự thuận lợi cho người mua nhận hóa đơn.

Anh Vinh, một người tiêu dùng khác, cho rằng không biết lấy hóa đơn để làm gì, cũng không nắm được thông tin hóa đơn mua hàng sẽ được quay xổ số để nhận thưởng. Trước đó, Tổng cục Thuế đã hai lần trao giải hóa đơn may mắn cho người trúng thưởng chương trình xổ số hóa đơn, mỗi lần 3 giải với số tiền trúng thưởng 50 triệu đồng/giải. Tuy nhiên, 5/6 người trúng thưởng là doanh nghiệp, trường hợp còn lại là hộ kinh doanh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một công ty tư vấn thuế cho rằng ngành thuế cần mở rộng tuyên truyền hơn về hóa đơn điện tử để người dân biết hóa đơn điện tử là gì và sẽ có quyền lợi như thế nào khi lấy hóa đơn điện tử. “Một khi những người tiêu dùng lấy hóa đơn và may mắn được trúng thưởng thì sẽ có hiệu ứng lan tỏa để khi mua hàng hóa, dịch vụ họ sẽ đòi hóa đơn”, vị này nói.

Một lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết theo quy định từ ngày 1-7, khi bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua, không phân biệt người mua là cá nhân hay doanh nghiệp. “Khi người mua hàng có yêu cầu lấy hóa đơn điện tử, siêu thị phải có trách nhiệm xuất gửi chứng từ này cho người mua theo quy định”, vị này khẳng định.

Việc cửa hàng không xuất hóa đơn điện tử cho người mua hàng cá nhân như phản ánh trên, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục Thuế TP Hà Nội triển khai khẩn trương rà soát kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì cơ quan thuế sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật. “Việc xuất hóa đơn không trực tiếp từ máy tính tiền nên luôn có độ trễ giữa thời điểm thanh toán và thời điểm xuất hóa đơn. Việc nhanh hay chậm trong xuất hóa đơn phụ thuộc vào việc tổ chức công việc của từng siêu thị”, vị này nói.

Trong thời gian tới, theo vị này, Tổng cục Thuế sẽ triển khai hình thức hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền áp dụng đối với lĩnh vực có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng như siêu thị, cửa hàng tiện lợi

“Hình thức hóa đơn này sẽ giải quyết được triệt để độ trễ giữa thời điểm thanh toán và thời điểm lập hóa đơn. Ngoài ra, hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền còn tạo điều kiện thuận lợi cho người bán và người mua trong việc giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ phải xuất hóa đơn không phân biệt giá trị từng lần”, vị này nói.

 

Ngành thuế thừa nhận quá tải

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Tổng cục Thuế cho biết 1-7 là ngày đầu áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc. Số lượng hóa đơn gửi cơ quan thuế cấp mã tăng đột biến, dẫn đến hiện tượng xử lý chậm. Thời điểm đó, hệ thống đã mất trung bình 1 phút để cấp được mã 1 hóa đơn trong khi bình thường hệ thống chỉ mất 1 giây, dẫn đến các hóa đơn gửi đến cơ quan thuế sau thời điểm đó bị chờ xử lý.

“Ngay sau khi phát hiện vấn đề, chúng tôi đã khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống của cơ quan thuế và thực hiện bổ sung máy chủ dự phòng, điểm xử lý dữ liệu và điều hướng các luồng xử lý hóa đơn” – vị này nói và cho biết đến 3h30 sáng 2-7 hệ thống hóa đơn điện tử đã hoạt động bình thường. Trong ngày 2-7, Tổng cục Thuế cũng đã phối hợp với các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử đối soát và cấp mã đối với toàn bộ hóa đơn điện tử.

Tuy nhiên trong ngày 3 và 4-7, cơ quan thuế vẫn nhận được một số phản ảnh của doanh nghiệp về việc chưa nhận được hóa đơn đã cấp mã. Với các trường hợp cụ thể này, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm tra để phản hồi kết quả lại ngay cho khách hàng của mình. Hệ thống hóa đơn điện tử của cơ quan thuế ghi nhận tự động đầy đủ thông tin về thời gian tiếp nhận dữ liệu, thời gian cấp mã và gửi kết quả cho người nộp thuế.

“Sau khi người nộp thuế nhận được hóa đơn điện tử đã có mã của cơ quan thuế thì sẽ được coi là đầy đủ thông tin để gửi cho người mua. Vì vậy, hóa đơn của người nộp thuế trong trường hợp này không phải là hóa đơn xuất chậm nên sẽ không bị xử phạt” – Tổng cục Thuế nhấn mạnh.

 

Sẽ ủy quyền cấp mã hoá đơn

Để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận và xử lý cấp mã với số lượng rất lớn hóa đơn điện tử, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế, Tổng cục Thuế cho biết sẽ phối hợp 25 tổ chức nhận, truyền và lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử kiểm thử. Trên cơ sở đó ủy quyền cấp mã hóa đơn cho các tổ chức này trong trường hợp hệ thống hóa đơn điện tử của cơ quan thuế gặp sự cố.

Theo Tổng cục Thuế, tính đến ngày 30-6, số lượng hóa đơn điện tử đã được phát hành là hơn 536,6 triệu. Để có cơ hội trúng giải xổ số hóa đơn, người dân khi mua hàng hóa, dịch vụ phải yêu cầu người bán hàng lập hóa đơn điện tử và chờ Tổng cục Thuế công bố số hóa đơn trúng giải tại chương trình “Hóa đơn may mắn” tổ chức trong lần tiếp theo.

LÊ THANH – ÁNH HỒNG
TTO