Vượt qua nỗi buồn thi rớt
Vượt qua nỗi buồn thi rớt
“Con tôi rớt cả ba nguyện vọng vào lớp 10 công lập ở TP.HCM. Xem điểm xong, không chỉ mình con buồn mà cả gia đình tôi đều im lặng. Tuy nhiên, thái độ buông xuôi chán chường của con khiến tôi thấy sợ…”.
Chị H.H.M. – phụ huynh ở quận Bình Thạnh, TP.HCM – tâm sự.
Điều sai lầm nhất của phụ huynh chính là không thừa nhận nỗi buồn của con.
Chị Hồng Mai (phụ huynh ở quận 3, TP.HCM)
“Không dám nhìn mặt ai”
Theo lời chị M., sau khi biết kết quả vợ chồng chị lên mạng tìm thông tin về trường THPT ngoài công lập. “Tôi muốn dẫn con đến một số trường tham quan cơ sở vật chất, tìm hiểu về chương trình giáo dục… trước khi chọn lựa. Nhưng cháu đều từ chối, không muốn ra khỏi phòng kèm theo lời yêu cầu: Ba mẹ đừng làm phiền con, con muốn ở một mình. Ba mẹ chọn trường nào thì con học trường đó. Đã rớt lớp 10 công lập thì học trường tư thục có còn ý nghĩa gì nữa”.
Tương tự, con của chị X. – nhà ở quận 5 – mặc dù vẫn đậu nguyện vọng 3 nhưng vẫn buồn. “Con trai tôi nói rằng cháu không dám chat với bạn bè vì “quá nhục”. Tất cả các bạn chơi thân cùng nhóm với cháu đều đậu vào các trường nổi tiếng ở quận 5, chỉ mình con tôi đậu nguyện vọng 3 vào một trường có điểm chuẩn rất thấp ở quận 6. Nó tâm sự với anh hai là em thuộc dạng bất tài, vô dụng nên mới rớt cả nguyện vọng 1 và 2, giờ không dám nhìn mặt ai”.
Từ ngày 11-7 khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập, phóng viên Tuổi Trẻ đã tiếp nhận khá nhiều câu chuyện về những học sinh thi rớt lớp 10 hoặc đậu lớp 10 trường không như ý. Trong đó, có nhiều học sinh thất vọng nên có những suy nghĩ tiêu cực, mất tự tin, tự đánh giá mình là người yếu kém, thua bạn bè, tự chán ghét bản thân, không thiết tha với cuộc sống hiện tại cũng như con đường học tập ở phía trước.
Để lấy lại sự tự tin
Chị Hồng Mai – phụ huynh ở quận 3, TP.HCM – cho biết mình không thể nào quên những ngày tháng 7 của năm 2020.
“Khi ấy, con tôi vốn là học sinh giỏi ở một trường THCS nổi tiếng của thành phố. Với sức học của cháu, nhiều người đánh giá cháu dư sức đậu vào Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Nhưng kết quả thì thật phũ phàng, không những rớt nguyện vọng 1 mà ngay cả nguyện vọng 2 vào Trường THPT Marie Curie con tôi cũng thiếu 0,25 điểm. Nhìn vào danh sách do cô chủ nhiệm thông báo, thấy đa số các bạn đều đậu vào lớp 10 trường THPT thuộc tốp đầu, con tôi buồn bã đến mức bất cần. Cháu nói là mình thấy quá “quê” với bạn bè và thầy cô, không muốn đi học nữa. Ngày đi nộp hồ sơ nhập học lớp 10, tôi đề nghị sẽ chở con đi cùng cho biết. Con tôi trả lời: Con không muốn học ở ngôi trường ấy đâu, mẹ muốn thì tự đi nộp hồ sơ đi”.
Chị Mai đúc kết: “Điều sai lầm nhất của phụ huynh chính là không thừa nhận nỗi buồn của con. Chồng tôi cứ ào ào với con là rớt trường này thì học trường khác, có gì đâu mà buồn. Ba mẹ ngày xưa cũng học trường làng mà bây giờ vẫn thành đạt đó thôi, không ngờ thằng bé đóng sầm cửa lại: “Mệt quá! Ba đừng nói nữa!”.
Tôi vẫn nhớ câu nói đầy thuyết phục của cô giáo chủ nhiệm năm lớp 9 với con mình, rằng điều quan trọng là con sẽ học tập, rèn luyện như thế nào ở ngôi trường mới. Đâu phải tất cả học sinh học ở trường nổi tiếng đều thành đạt. Và ngược lại, đâu phải tất cả học sinh ở những trường không nổi tiếng đều thất bại. Rất may, nhờ sự tư vấn và giúp đỡ của cô, con tôi đã bình tĩnh, lấy lại niềm tin và chấp nhận học tập ở ngôi trường nguyện vọng 3. Sau 2 năm học THPT, cháu đều đạt học sinh giỏi và rất năng nổ hoạt động phong trào.
Giờ nhớ lại thời kỳ thi rớt ngày xưa, anh ta rất bẽn lẽn, tự nhận định là: “Sao hồi đó mình dở hơi thế, bỏ ăn mất hai bữa. Thi rớt chứ có phải trời sập đâu””.
TS tâm lý Đào Lê Hòa An (giám đốc Trung tâm hướng nghiệp 4.0 JobWay, cố vấn cấp cao tổ chức giáo dục AEG Việt Nam):
Đồng cảm với nỗi buồn của con
Khi con thi rớt hoặc không đậu vào trường THPT mà mình mong muốn thì điều đầu tiên các phụ huynh cần làm là chấp nhận và đồng cảm với nỗi buồn của con. Chính phụ huynh phải tự cởi bỏ áp lực về việc con mình thi rớt trước đã. Vì trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ động viên, an ủi khi con thi rớt nhưng vẫn thể hiện sự thất vọng về con thì sẽ rất khó “kéo” con ra khỏi sự buồn chán, tự ti.
Tiếp theo, các phụ huynh cần trò chuyện để con hiểu rằng việc học tập là việc suốt đời, nhiều người đã có bằng tiến sĩ vẫn phải học chứ đâu phải đã ngừng nghỉ học tập. Thi rớt chỉ là thất bại ở thời điểm hiện tại nhưng ta sẽ thất bại mãi nếu ta nằm lì sau vấp ngã này. Thế thì điều cần thiết bây giờ là con cần “biến đau thương thành hành động”, mạnh mẽ đứng lên sau vấp ngã để có thái độ sống và học tập tích cực, chiến thắng bản thân, học tập chủ động để trưởng thành. Con đừng so sánh với các bạn mà hãy so sánh với chính bản thân mình. Mỗi ngày chúng ta nỗ lực hơn 1% so với ngày hôm qua của chính bản thân ta thì sau một năm ta sẽ thành “phiên bản” mới, tốt hơn gấp nhiều lần so với ta của ngày hôm nay.