24/12/2024

Điều chỉnh chương trình môn sử ra sao?

Điều chỉnh chương trình môn sử ra sao?

Bộ Giáo dục và đào tạo đã điều chỉnh chương trình môn lịch sử ở bậc THPT chỉ còn 52 tiết/năm học và dạy bắt buộc cho 100% học sinh.

 

 

Điều chỉnh chương trình môn sử ra sao? - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM trong giờ học môn lịch sử – Ảnh: NHƯ HÙNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ về thay đổi này, ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và đào tạo), cho biết:

Anh Box

Ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT)

Nghị quyết 63/NQ-QH vừa ban hành yêu cầu Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến điều chỉnh chương trình môn lịch sử có phần bắt buộc và lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống.

Bộ Giáo dục và đào tạo (Bộ GD-ĐT) đã tiếp thu và điều chỉnh theo hướng chọn lọc kiến thức cốt lõi từ chương trình lịch sử 70 tiết, giảm bớt yêu cầu cần đạt để có một chương trình 52 tiết/năm học, phù hợp dạy đại trà.

Để triển khai, trước hết Bộ GD-ĐT đang xin quy trình để ban hành thông tư sửa đổi bổ sung thông tư 32/2018/TT-BGDĐT làm cơ sở pháp lý; đồng thời thành lập ban phát triển chương trình lịch sử cấp THPT để rà soát, chọn lọc, điều chỉnh chương trình và biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện, hoàn thành trước 25-8-2022. Bộ GD-ĐT sẽ phải tổ chức các hội thảo xin ý kiến các tổ chức, các nhà khoa học, giáo viên về chương trình lịch sử THPT phần bắt buộc, tổ chức các đợt tập huấn hướng dẫn thực hiện đảm bảo kế hoạch…

Tinh giản từ chương trình đã thiết kế

* Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từng triển khai trong 6 năm, trải qua nhiều hình thức trưng cầu ý kiến, nhiều vòng thẩm định. Nhưng chương trình điều chỉnh lần này chỉ có quỹ thời gian eo hẹp hơn 1 tháng, liệu có đảm bảo chất lượng, yêu cầu đặt ra không?

– Ngay từ khi môn lịch sử được đưa ra thảo luận – khi có những ý kiến cho rằng cần dạy bắt buộc môn lịch sử – Bộ GD-ĐT đã chủ động tổ chức hội thảo với các chuyên gia, nhà khoa học, trong đó có những người tham gia xây dựng chương trình lịch sử hiện hành và chương trình lịch sử mới (chương trình 2018) để phân tích những ý kiến góp ý, đặt ra nhiều phương án điều chỉnh.

Cụ thể, khi xác định môn lịch sử có phần nội dung dạy bắt buộc với tất cả học sinh thì phải chọn lọc, giữ lại cái gì, tinh giản cái gì để giảm tải cho học sinh nhưng vẫn đảm bảo nội dung cốt lõi. Còn mốc thời gian trong kế hoạch vừa ban hành chỉ là căn cứ để thực hiện các công việc mang tính thủ tục như thành lập ban phát triển chương trình, thẩm định chương trình…

Việc điều chỉnh chương trình lần này cũng không giống như xây dựng mới một chương trình mà dựa trên chương trình môn học 70 tiết đã được thẩm định, phê duyệt, chọn lọc để có một chương trình tinh giản hơn với thời lượng 52 tiết nên thời gian dù gấp rút nhưng có thể hoàn thành được.

* Căn cứ nào để Bộ GD-ĐT quyết định ban hành chương trình lịch sử bắt buộc lại là 52 tiết?

– Căn cứ vào mục tiêu đặt ra của môn học, điều kiện để thực hiện đại trà, sao cho việc triển khai không gây xáo trộn vào thời điểm hiện tại, không phá vỡ cấu trúc chương trình THPT đã thiết kế.

Chương trình môn lịch sử hiện hành có thời lượng trung bình 1-1,5 tiết/tuần, tổng thời lượng một năm học khoảng 52,5 tiết. Chương trình lịch sử bắt buộc sắp triển khai cũng có 52 tiết/năm học sẽ không khiến các nhà trường khó khăn về giáo viên khi triển khai đại trà.

Điều chỉnh chương trình môn sử ra sao? - Ảnh 4.

Thí sinh dự thi lớp 10 tại TP.HCM năm 2022. Đây là những học sinh sẽ học chương trình lớp 10 mới vào năm học tới – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Giảm số môn học lựa chọn

* Thêm môn lịch sử có phần dạy bắt buộc, cấu trúc môn học ở lớp 10 năm học tới và cấp THPT sẽ có thay đổi như thế nào?

– Chương trình của học sinh từ lớp 10 (nằm trong chương trình giáo dục phổ thông 2018) sẽ có tám môn học/hoạt động bắt buộc gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục quốc phòng an ninh, giáo dục địa phương, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp và lịch sử (chương trình 52 tiết).

Ngoài ra, mỗi học sinh sẽ được chọn học bốn môn thuộc nhóm môn học lựa chọn (giảm bớt một môn so với quy định trước đó) gồm vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế & pháp luật, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật.

Chương trình giáo dục phổ thông ở cấp THPT cũng thiết kế các chuyên đề chuyên sâu, mỗi học sinh sẽ được chọn học ba cụm chuyên đề. Trường hợp những học sinh muốn học chuyên sâu lịch sử thì ngoài phần bắt buộc, có thể lựa chọn học thêm chuyên đề lịch sử 35 tiết. Học sinh chỉ chọn những cụm chuyên đề nằm trong môn học được học (không chọn chuyên đề của môn không lựa chọn học).

* Các trường THPT đã xây dựng tổ hợp môn học tương ứng với cấu trúc lớp 10 để tuyển sinh cho năm học tới, thời điểm này bộ mới điều chỉnh có thể gây xáo trộn, khó khăn cho các nhà trường. Bộ GD-ĐT hỗ trợ, hướng dẫn các nhà trường như thế nào về việc này?

– Tới thời điểm này hầu hết các trường THPT đều dự kiến các tổ hợp môn học và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện ở lớp 10. Với thay đổi ở môn lịch sử, các trường sẽ phải điều chỉnh theo, nhưng cũng không xáo trộn lớn.

Cụ thể, những tổ hợp đã xây dựng có môn lịch sử vẫn có thể giữ nguyên. Học sinh chọn tổ hợp này sẽ học chương trình lịch sử 52 tiết bắt buộc (thay vì học chương trình 70 tiết như thiết kế ban đầu). Khi môn lịch sử được chuyển sang nhóm môn học bắt buộc thì ở nhóm môn lựa chọn của các tổ hợp này sẽ còn lại 4 môn học.

Ở nhóm này, đối với học sinh có nguyện vọng chuyên sâu về lịch sử có thể xây dựng cụm chuyên đề lựa chọn lịch sử 35 tiết, đồng thời chọn thêm hai cụm chuyên đề lựa chọn 35 tiết của các môn học khác để học sinh lựa chọn.

Với những tổ hợp môn học lựa chọn được các trường xây dựng trước đó không có môn lịch sử thì chỉ cần bỏ bớt 1 môn bất kỳ trong số 5 môn, phù hợp với điều kiện đáp ứng của mỗi trường.

Có kịp triển khai chương trình mới?

* Còn hơn 1 tháng nữa năm học mới sẽ bắt đầu, vậy những điều chỉnh trên có kịp cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10 năm học tới không?

– Tới thời điểm hiện tại, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 10 năm học tới vẫn đảm bảo đúng tiến độ. Việc tập huấn cán bộ, giáo viên triển khai chương trình mới trong đó có môn lịch sử (70 tiết/năm học) đã thực hiện theo đúng lộ trình trong các năm qua.

Đến nay, việc điều chỉnh chương trình được thực hiện tinh giản từ chính chương trình mà giáo viên đã được bồi dưỡng nên giáo viên đã bảo đảm năng lực để thực hiện.

Riêng về chương trình lịch sử điều chỉnh, sau khi bộ có hướng dẫn, các trường chủ động chỉ đạo các tổ chuyên môn nghiên cứu, thảo luận, thống nhất thực hiện theo đúng hướng dẫn. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức một số đợt tập huấn nhằm giúp cán bộ, giáo viên hiểu đúng, tháo gỡ vướng mắc gặp phải trong khi triển khai thực hiện.

Việc tập huấn giáo viên không phải chỉ làm trước khi triển khai chương trình, mà quan điểm của bộ là tập huấn thường xuyên, tập huấn tại chỗ (trong các trường, trong sinh hoạt tổ chuyên môn).

Đổi mới phương pháp dạy sử

* Trong cuộc tranh luận về môn lịch sử vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng việc chú trọng đổi mới phương pháp dạy lịch sử để học sinh thực sự yêu thích quan trọng hơn là ép buộc học sinh phải học trong sự chán ghét. Vậy cùng với điều chỉnh chương trình, Bộ GD-ĐT có giải pháp gì để thay đổi?

– Trong hướng dẫn thực hiện chương trình, Bộ GD-ĐT sẽ lưu ý việc này. Trước đây, nhiều văn bản quy định, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT đã ban hành hiện vẫn còn hiệu lực thể hiện rõ tinh thần này. Cụ thể các trường có thể xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp, liên môn, các chủ đề giáo dục đáp ứng yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động thực hiện trong, ngoài lớp, dạy học gắn với di sản, hoạt động sản xuất kinh doanh…

Với yêu cầu chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục trường (theo công văn 5512), Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện chương trình với các hình thức, phương pháp đa dạng. Trong đó việc xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn, gắn với thực tế cuộc sống, gắn với những vấn đề học sinh quan tâm là một cách dạy học hiệu quả đã được nhiều nhà trường áp dụng.ông đúc.

VĨNH HÀ thực hiện
TTO