23/12/2024

Xăng giảm, hàng hoá còn nghe ngóng?

Xăng giảm, hàng hoá còn nghe ngóng?

Không chỉ cước vận tải, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực thực phẩm… cũng đòi “độ trễ” rất lớn trong việc điều chỉnh giảm khi giá xăng dầu giảm mạnh.

 

Chưa có kế hoạch giảm

Sáng 11.7, chị Phan Tường Loan (ngụ tại Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình, TP.HCM) ghé vào tiệm phở Vân bên đường Tân Phước (Q.Tân Bình) ăn sáng. Tô phở tái nhỏ có giá 40.000 đồng, mua thêm ly cà phê sữa tại tiệm bán cà phê rang xay Mia gần đó với giá 18.000 đồng/ly. Chị bảo trước đây một combo thế này chỉ 50.000 đồng nhưng mấy tháng qua được điều chỉnh lên 58.000 đồng vì giá xăng dầu tăng.

Xăng giảm, hàng hóa còn nghe ngóng? - ảnh 1
Do áp lực từ phía nhà cung cấp nên giá một số mặt hàng thiết yếu buộc phải tăng giá, trong đó, điều chỉnh giá nhiều nhất ở các sản phẩm dầu ăn  KHẢ HÒA

“Hỏi anh chủ quán cà phê “take away” Mia rằng giá xăng dầu đang giảm mạnh, giá cà phê có giảm không? Anh lắc đầu bảo không. Vì giá mua cà phê từ Gia Lai về, cước vận tải chưa thấy giảm trong khi giá đường, sữa, đá tinh khiết… đều không có gì thay đổi”, chị Loan kể lại.

Theo khảo sát của Thanh Niên, giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm tăng mạnh trong mấy tháng qua, sau khi giá xăng dầu tăng liên tục. Cá hồi bán trong siêu thị từ hơn 500.000 đồng/kg, nay lên hơn 700.000 đồng/kg, đậu cove từ 25.000 đồng/kg thời gian dài nay 32.000 đồng/kg. Đặc biệt, trong khoảng 1 tháng qua, giá nhiều mặt hàng rau củ Đà Lạt tăng từ gấp rưỡi đến gấp đôi. Từ 30.000 – 35.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg với ớt chuông, rau cải bó xôi từ 13.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg, xà lách từ 15.000 đồng/kg lên 22.000 đồng/kg… Chỉ sau một ngày, một bó rau tăng dăm ba ngàn là điều bình thường.

Tương tự, với các loại trứng gia cầm, cách đây khoảng 1 tháng (ngày 15.6), Sở Tài chính TP.HCM đồng ý cho các doanh nghiệp (DN) tham gia bình ổn giá thị trường tăng giá trứng thêm 2.000 đồng/chục, lên 31.500 đồng/vỉ 10 trứng gà loại 1, 37.000 đồng/vỉ 10 trứng vịt. Tuy nhiên, giá trứng gà ta mua tại chợ dân sinh từ 35.000 đồng/chục lên 40.000 đồng/chục. Ngày 11.7, tại chợ Thái Bình (Q.1), giá trứng vịt loại 1 từ 45.000 đồng/chục tuần trước, nay người bán báo tăng lên 50.000 đồng.

Lý do tăng luôn được người bán giải thích là do giá cước vận tải tăng, xăng dầu tăng và cả thời tiết không thuận lợi… Thế nhưng, khi giá xăng giảm hơn 3.000 đồng/lít khiến không ít người sử dụng xe cá nhân đi lại “nức lòng”, thì tại các chợ, siêu thị, đến chiều ngày 11.7, giá cả vẫn đang theo chiều hướng tăng, không có bất kỳ thay đổi hay kế hoạch thay đổi nào.

Đại diện một số chuỗi siêu thị lớn tại TP.HCM như WinMart, Tops Market, LotteMart… đều cho hay chưa nhận thông tin điều chỉnh giá từ các nhà cung ứng hàng hóa và vận tải.

Đại diện siêu thị LotteMart cho rằng nếu cước vận chuyển giảm, tác động nhanh nhất đến hàng thực phẩm tươi sống được cung cấp hằng ngày cho siêu thị. Tuy nhiên, do xăng mới giảm ngay sáng 11.7, nên chưa nhận thông tin thay đổi nào. Vị này thừa nhận thông tin giá nhiên liệu giảm là cực kỳ tích cực và nhà phân phối rất kỳ vọng có sự điều chỉnh giá thực phẩm trong vài ngày tới.

Tương tự, đại diện Tập đoàn Central Retail Vietnam (sở hữu chuỗi siêu thị GO!, Tops Market, BigC) cho rằng do siêu thị luôn ký hợp đồng ổn định với nhà cung ứng, giá xăng mới giảm sáng nay (11.7), nên chưa có thông tin cập nhật giá mới được. Cũng đang chờ thông tin mới trong vài ngày tới. Còn phía chuỗi cửa hàng tiện lợi WinMart cho hay do áp lực từ phía nhà cung cấp, nên giá một số mặt hàng thiết yếu trong chuỗi bán lẻ này buộc phải tăng giá trong thời gian qua. Trong đó, điều chỉnh giá nhiều nhất ở các sản phẩm dầu ăn, còn lại các mặt hàng khác có sự biến động không đáng kể…

 

Sản xuất cũng “chưa giảm ngay đâu”

Ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Công ty CP Ba Huân, bảo phải chờ vài ngày tới xem tình hình thế nào chứ hiện tại, giá xăng dầu giảm chưa tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Vị này nói sau thời gian cầm cự và nhiều lần đề xuất, trong tháng 6, cơ quan quản lý đã đồng ý để các DN tham gia bình ổn giá thị trường tăng giá bán trứng gà 200 đồng/quả, trong bối cảnh giá ngoài thị trường tự do tăng cao hơn mức đó.

“Trong lúc này, chúng tôi kỳ vọng giữ được giá bình ổn càng lâu càng tốt, chứ giảm thì khó. Thực tế, giá xăng dầu giảm sẽ giảm một ít áp lực cho DN để đồng hành giữ giá bình ổn tốt, chứ nói tính toán để giảm giá trứng lúc này rất khó do giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng mạnh từ đầu tháng nay”, ông Hùng giải thích.

Ông Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc kinh doanh Công ty CP nông nghiệp BaF VN, chia sẻ thời gian qua, giá xăng dầu kéo theo giá nguyên vật liệu ngành chăn nuôi tăng phi mã. Cùng với dịch tả heo châu Phi càn quét qua nhiều vùng miền gây hạn chế nguồn cung, giá thịt heo vì thế cũng tăng. Ngay khi giá nhiên liệu có động thái giảm, BaF đã lập tức tính toán chi phí, mong muốn giảm giá thịt heo để cùng hạ nhiệt giá hàng hóa nói chung trên thị trường. Tuy nhiên, để thịt heo giảm giá cần phụ thuộc nhiều yếu tố. Giá nhiên liệu tác động mạnh nhất tới giá nguyên vật liệu chăn nuôi, cụ thể là cám. Giá xăng giảm 3.000 đồng/lít, tương đương giảm 10%. Cộng với các yếu tố xu hướng giá thế giới, BaF dự báo giá cám có thể giảm 15 – 20%, tương ứng với giá thịt heo giảm khoảng 10%. Mặc dù vậy, giá nguyên vật liệu mua bán theo kỳ hạn. Trung bình, để nhập 1 tấn cám từ nước ngoài về VN mất từ 3 – 4 tháng, đồng nghĩa với giá thịt heo trong nước cũng phải chờ 3 – 4 tháng nữa mới được hưởng tác động này. Chưa kể trong bối cảnh hiện nay, có không ít DN làm ăn chộp giật, chớp thời cơ để tăng giá heo trong nước kiếm lời. Chỉ một DN không thể đủ sức xoay chuyển cả thị trường.

“DN muốn giảm giá heo tiêu dùng nhưng giá nguyên vật liệu, con giống cứ tăng thì không thể cân đối được. BaF có thể tiết giảm chi phí, thậm chí cầm cự chịu lỗ một thời gian để hạ giá thành sản phẩm, góp chung vào tác động tới kinh tế vĩ mô nhưng nếu các DN khác không đồng lòng giảm giá thì sẽ rất khó để tạo ra ảnh hưởng chung tới thị trường tiêu dùng”, đại diện BaF nói.

Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm, Giám đốc kinh doanh Công ty CP hạt điều Hải Bình Gia Lai, cho biết: Cước vận tải tăng từ đầu năm đến nay gần 20%, giá nguyên liệu đầu vào và bao bì… tăng khoảng 3 – 10%, buộc giá thành sản xuất phải tăng. “Ngành sản xuất kinh doanh không thể nào nhạy đến mức xăng hôm nay giảm thì giá bán ra phải giảm ngay được. Chu kỳ điều chỉnh này cần một khoảng thời gian ngắn, tối thiểu 15 ngày. Thế nên, nếu tại kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước kỳ tới (21.7), xăng vẫn giữ mức đó, hoặc giảm nhẹ, thì nhiều thực phẩm chế biến sẽ có sự điều chỉnh. Một mặt bằng giá mới có thể được điều chỉnh giảm 5 – 7%”, ông Phú Lâm nói và cho biết thêm, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của DN “tốt hơn cùng kỳ năm trước”, người tiêu dùng tăng chi tiêu hơn. Tuy nhiên, DN sản xuất hàng chế biến lại đang gặp quá nhiều khó khăn trong nỗ lực mở rộng sản xuất kinh doanh vì thiếu vốn, ngân hàng siết hạn mức tín dụng. Nhiều DN vẫn đang sử dụng dòng tiền ngắn hạn từ vốn vay trung hạn. Sản xuất liên tục, nhưng DN khó tiếp cận vốn vay cũng như đáo hạn. Vì thế, doanh số tăng nhẹ so với năm ngoái, nhưng lợi nhuận giảm mạnh. So với mục tiêu đề ra, DN vẫn đang tăng trưởng âm.

 

Khó hạ nhiệt thị trường

Là ngành chịu tác động trực tiếp từ bão giá xăng dầu, cũng là “trung gian” kéo giá của hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh khác tăng cao, song, ngành vận tải gần như chắc chắn vẫn sẽ đứng ngoài sự kiện xăng giảm giá 10% lần này.

Trả lời Thanh Niên, đại diện một DN vận tải hàng hóa tại TP.HCM khẳng định dù có giảm hết cỡ các loại thuế, phí hiện nay trong giá xăng dầu thì DN vận tải cũng vẫn chưa thể hạ giá cước tương ứng. Nguyên nhân, suốt thời gian qua, giá cước vận tải không tăng theo kịp giá xăng. Công thức chung mà cả DN và thị trường vận tải thống nhất là khi xăng dầu tăng/giảm 10%, DN sẽ điều chỉnh tăng/giảm giá cước tương ứng với tỷ lệ chiếm chi phí của nhiên liệu. Tính từ tháng 6.2021 đến nay, giá dầu đã tăng tới 70%, tính trong tổng thể chi phí thì mức tăng là 20%, trong khi cước vận tải đến nay chỉ điều chỉnh tăng được khoảng 10%. Vì thế, phải gom rất nhiều kỳ điều chỉnh xăng dầu nữa mới đủ sức tác động giảm giá cước vận tải.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định khi giá xăng dầu tăng, vận tải chịu ảnh hưởng trực tiếp. Hệ thống logistics điều chỉnh giá cước rồi tiếp tục tác động gián tiếp tới các ngành khác. Thời gian qua, xăng dầu tăng giá liên tục, mức tăng mạnh nhưng cước vận tải chưa tăng tương xứng. Ngành vận tải như cá nằm trên cạn bởi không hoạt động thì phá sản mà hoạt động thì càng chạy càng lỗ, chết dần chết mòn. Tương tự, dù giá hàng hóa trên thị trường có tăng nhưng cũng vẫn chưa tương xứng với tỷ lệ tăng của giá nguyên liệu đầu vào. Nguyên nhân là cầu giảm, các DN vẫn cố ghìm giá vì sợ ế hàng, mất khách. Do đó, giá xăng giảm 3.000 đồng/lít chỉ có thể mang ý nghĩa hỗ trợ DN, giảm bớt gánh nặng chi phí cho DN, rất khó để kỳ vọng hạ nhiệt giá cả hàng hóa, thị trường.

Theo ông, áp lực giá xăng dầu kéo dài đã gây ra những hệ lụy sâu, DN chịu tổn thất quá lớn. Các DN cũng đã phải gồng mình ghìm giá, không tăng “hết nấc” để tránh tác động chung tới toàn thị trường. 10 ngày là quá ngắn, không đủ để có tác động ngay. Chỉ có thể kỳ vọng nhà nước giảm thêm thuế, phí, giá xăng tiếp tục giảm sâu và có thời gian bình ổn thị trường.

 

Phải tính toán tổng thể

Muốn đo đếm được xăng dầu giảm bao nhiêu mới đủ hạ nhiệt giá hàng hóa thì phải tính toán trong tổng thể bối cảnh kinh tế hiện nay. Tuy vậy, không thể chỉ trông chờ vào mỗi giá xăng. Nhà nước giảm hết thuế, phí; phải tiếp tục loại trừ hết các loại chi phí tiêu cực như phí bôi trơn, lót tay, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo cơ chế thông thoáng về chính sách để DN giảm chi phí đầu vào. Như vậy mới mong kéo giảm được chỉ số CPI, ghìm áp lực lạm phát tới nền kinh tế.

TS Ngô Trí Long

 

NGUYÊN NGA – HÀ MAI

TNO