23/12/2024

Những việc thí sinh cần làm sau khi thi tốt nghiệp THPT

Những việc thí sinh cần làm sau khi thi tốt nghiệp THPT

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT được sử dụng xét công nhận tốt nghiệp đồng thời tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Thí sinh cần làm gì sau kỳ thi này để hoàn thành tốt 2 mục tiêu trên?

 

 

Những mốc thời gian cần chú ý

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến được công bố đồng loạt trên cả nước vào ngày 24.7. Trên cơ sở này, các sở GD-ĐT tổ chức xét công nhận tốt nghiệp chậm nhất vào ngày 26.7, công bố kết quả chậm nhất vào 2 ngày sau đó và gửi giấy chứng nhận kết quả thi này thời hạn cuối vào ngày 30.7. Song song với đó, trong hơn một tuần từ ngày 24.7 – 3.8, thí sinh (TS) có nguyện vọng nộp đơn phúc khảo bài thi. Cũng theo kế hoạch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, từ ngày 22.7 đến 17 giờ ngày 20.8, TS thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.

Những việc thí sinh cần làm sau khi thi tốt nghiệp THPT - ảnh 1
Thí sinh sau khi dự thi tốt nghiệp THPT cần lưu ý các mốc thời gian xét tuyển vào đại học  NGỌC DƯƠNG

Theo thạc sĩ Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Tiền Giang), một điểm đặc biệt của kỳ thi năm nay là có khá nhiều học sinh thuộc diện xét đặc cách tốt nghiệp do nhiễm Covid-19, nhập viện do sốt xuất huyết… Với các trường hợp này, ông Hải lưu ý: “Các TS này cần nhanh chóng hoàn tất hồ sơ xin xét đặc cách để nộp trước ngày 15.7 theo quy định”.

Với những TS đã hoàn tất kỳ thi, ông Hải lưu ý một số việc quan trọng cần làm sau kỳ thi này. Trước hết là theo dõi để biết kết quả thi và kết quả xét công nhận tốt nghiệp. Từ điểm thi các môn theo tổ hợp xét tuyển, TS cần chuẩn bị để sẵn sàng chủ động tham gia vào quy trình xét tuyển sắp tới. Nếu xảy ra trường hợp kết quả thi các môn trong tổ hợp xét tuyển dự định dùng để đăng ký xét tuyển không giống như dự kiến ban đầu, TS cần tính toán để có sự điều chỉnh phù hợp.

Một điểm quan trọng liên quan đến việc xét tuyển sớm, ông Hải nhấn mạnh: “Nhiều TS đang chủ quan khi đã đủ điều kiện trúng tuyển các phương thức tuyển sinh riêng. Nhưng các em cần nhớ, với quy trình xét tuyển mới của năm nay, tuyệt đối không được bỏ qua việc đăng ký lại các nguyện vọng này trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT nếu muốn trúng tuyển thực sự”. Ngoài ra, cũng theo ông Hải: “Những trường hợp có nguyện vọng sử dụng cả điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, giai đoạn này nên dành thời gian tìm hiểu thông tin tuyển sinh các trường, điểm chuẩn tham khảo các năm trước… Trên cơ sở đó, căn cứ vào kết quả thi đạt được, TS tránh rơi vào tình trạng lúng túng khi thực hiện sắp xếp nguyện vọng đăng ký thời gian tới”.

Thạc sĩ Trần Lê Trọng Phúc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM, cũng cho rằng một việc cũng khá quan trọng là cần rà soát kỹ kết quả học tập THPT trên hệ thống dữ liệu chung trong thời gian từ ngày 1 – 18.7. Với TS tự do, trường hợp chưa tạo tài khoản trên hệ thống cần thực hiện đăng ký từ ngày 12 – 18.7.

 

Lưu ý phương thức xét tuyển sớm

Trong khi đó, cán bộ tuyển sinh các trường ĐH có những lưu ý đặc biệt về các phương thức tuyển sinh riêng nhưng phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung.

Theo thạc sĩ Lê Phan Quốc, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, các trường ĐH sẽ tổ chức nhận hồ sơ, xét tuyển và công bố kết quả các phương thức xét tuyển sớm trước 17 giờ ngày 21.7 theo quy định của bộ. Do vậy, trước khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT vào ngày 24.7, TS cần theo dõi kỹ lịch tuyển sinh phương thức xét tuyển sớm của các trường để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội phù hợp.

Phân tích cụ thể lưu ý trên, ông Quốc nêu ví dụ quy định của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ở phương thức tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển. “Các TS tham gia phương thức xét tuyển sớm cần đăng ký trên hệ thống của trường đến hết ngày 14.7. Nếu không đăng ký trên hệ thống của trường các phương thức xét tuyển sớm, thì dù có đăng ký xét tuyển trên hệ thống của bộ các phương thức này, TS vẫn không được chấp nhận. Tất nhiên, nếu không đăng ký phương thức xét tuyển sớm TS vẫn còn cơ hội ở phương thức khác như: điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ”, ông Quốc nói.

Cùng quan điểm này, thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), lưu ý TS một số việc với các phương thức tuyển sinh riêng. Trong thời gian từ ngày 22.7 đến 17 giờ ngày 20.8, TS thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trong khi đó, thạc sĩ Phùng Quán, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cũng lưu ý sau khi thi tốt nghiệp TS chuẩn bị xét tuyển vào ĐH từ ngày 22.7. TS cần thận trọng đưa ra quyết định xếp thứ tự các nguyện vọng, đặc biệt là nguyện vọng 1. “Vẫn như các năm trước, dù phương thức nào đi nữa thì các ngành nhiều TS quan tâm cơ hội trúng tuyển khó hơn các ngành khác. Cho nên nếu TS đã đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành mà TS yêu thích bằng phương thức xét tuyển sớm thì TS nên để nguyện vọng 1”, ông Quán khuyên.

 

Tư vấn trực tuyến: Những điều thí sinh cần lưu ý sau khi thi tốt nghiệp

Vào 14 giờ 30 hôm nay (12.7), Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Những điều cần làm sau khi thi tốt nghiệp” ở các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.

Chuyên gia tuyển sinh các trường ĐH sẽ giúp TS nắm vững các mốc thời gian, những việc cần làm sau kỳ thi tốt nghiệp. Đặc biệt là đưa ra những lưu ý quan trọng khi tham gia xét tuyển.

Chương trình diễn ra vào lúc 14 giờ 30 – 15 giờ 30 với các chuyên gia: tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM; thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn; thạc sĩ Tô Ngọc Hoàng Nguyên, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen.

Bảo Hân

HÀ ÁNH

TNO