23/12/2024

Vì sao giá xăng dầu không giảm được trên 4.000 đồng/lít?

Vì sao giá xăng dầu không giảm được trên 4.000 đồng/lít?

Việc mạnh tay trích lập quỹ bình ổn lên tới gần 1.000 đồng/lít khiến giá xăng dầu không thể giảm sâu thêm ở mức trên 4.000 đồng/lít trong kỳ đầu tiên áp dụng việc giảm thuế kịch khung thuế bảo vệ môi trường ngày 11-7.

 

 

Vì sao giá xăng dầu không giảm được trên 4.000 đồng/lít? - Ảnh 1.

Từ 0h ngày 11-7, giá xăng giảm 3.090 – 3.110 đồng/lít, giá mặt hàng dầu cũng hạ 800 – 3.020 đồng/lít – Ảnh: NAM TRẦN

Từ 0h ngày 11-7, giá xăng dầu chính thức được điều chỉnh để đồng bộ với việc thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Cộng hưởng với chu kỳ điều hành giá trong 10 ngày qua khi giá thế giới giảm mạnh, giá xăng dầu trong nước đã ghi nhận mức giảm sâu nhất kể từ đầu năm nay.

Theo đó, với việc giảm trên 3.000 đồng/lít với các loại xăng và dầu diesel, các mặt hàng khác giảm 2.000 đồng/lít, giá xăng dầu đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cụ thể, xăng E5RON92 có giá 27.788 đồng/lít, xăng RON95-III 29.675 đồng/lít, dầu diesel 0.05S 26.593 đồng/lít, dầu hỏa 26.345 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S 17.712 đồng/kg.

Theo cơ quan điều hành, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá từ ngày 1-7 đến 11-7 là 128,707 USD/thùng với xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92, giảm 19,070 USD/thùng, với xăng RON95 136,530 USD/thùng, giảm 18,314 USD/thùng.

Với các mặt hàng dầu giảm trên 20 USD/thùng, như dầu hỏa có giá 140,858 USD/thùng; dầu diesel là 146,705 USD/thùng. Dầu mazut 180CST 3,5S có giá 533,750 USD/tấn, giảm 72,645 USD/tấn.

Với mức giảm giá như trên, giá xăng trong nước đã về dưới mức 30.000 đồng/lít, tương đương ngưỡng giá ở thời điểm giữa tháng 3.

Trước bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng cao trong nhiều tháng qua, người tiêu dùng kỳ vọng sẽ có mức giảm giá sâu hơn nhằm hỗ trợ thiết thực người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, ổn định đời sống sau dịch bệnh.

Vì sao giá xăng dầu không giảm được trên 4.000 đồng/lít? - Ảnh 2.

Người dân đổ xăng tại một cửa hàng xăng dầu trên đường Thụy Khuê, Hà Nội trưa 11-7 – Ảnh: NAM TRẦN

Theo tính toán, với mức giá xăng dầu thành phẩm thế giới giảm mạnh như trên, cùng với việc giảm thuế, giá xăng có thể giảm từ 4.500 – 5.000 đồng/lít; trong khi giá dầu có thể giảm từ 4.000 đồng/lít (đã bao gồm trừ thuế tiêu thụ đặc biệt và không thực hiện trích lập quỹ bình ổn).

Với cơ cấu giá xăng dầu hiện nay, tỉ trọng thuế đối với mặt hàng xăng chiếm khoảng 23% đối với xăng E5RON92 và 24% với RON95 và dầu diesel là 12,5%. Theo đó, với mức giá được công bố như trên, hiện các khoản thuế chiếm gần 6.400 đồng/lít với E4RON92, xăng RON95 trên 7.000 đồng/lít và dầu diesel trên 3.000 đồng/lít.

Trong trường hợp thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường kịch khung, áp dụng với xăng (trừ etanol) còn 1.000 đồng/lít, dầu diesel còn 500 đồng/lít, dầu mazut còn 300 đồng/lít, giá xăng dầu sẽ được giảm tương ứng. Khi đó, tỉ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu chỉ còn trên 20% với xăng E5RON92, khoảng 21% so với RON95 và 11% với dầu diesel.

Tuy vậy, trên thực tế việc giảm mạnh giá xăng dầu thành phẩm thế giới cũng áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường từ ngày 11-7 được xem tạo ra dư địa để cơ quan điều hành trích lập vào quỹ bình ổn. Vì vậy, liên bộ Công thương – Tài chính đã quyết định mạnh tay trích lập quỹ bình ổn sau nhiều kỳ dừng trích lập, khiến cho giá xăng dầu không có cơ hội để giảm ở mức dự báo và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, mức trích lập được xem tương đương với mức giảm thuế bảo vệ môi trường được áp dụng ngày 11-7, bao gồm các loại xăng ở mức 950 đồng/lít và dầu diesel ở mức 550 đồng/lít. Trong khi đó, hai mặt hàng dầu còn lại trích lập ở mức cao hơn, gồm dầu hỏa ở mức 800 đồng/lít, dầu mazut ở mức 950 đồng/kg nên giá xăng ngày 11-7 bị thu hẹp biên độ giảm giá và được điều chỉnh giảm khoảng từ 2.000 – 3.000 đồng/lít các loại.

Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, đến nay số dư Quỹ bình ổn xăng dầu đang ở mức thấp. Tính đến ngày 31-5, số dư quỹ là 580,382 tỉ đồng thì ước đến ngày 30-6, số dư quỹ chỉ còn khoảng 223,505 tỉ đồng.

Cơ quan điều hành cho rằng đây là số dư quá thấp để duy trì quỹ bình ổn, nên ngay khi giá giảm, việc trích lập vào quỹ được thực hiện để tạo nguồn cho quỹ hoạt động sau này khi giá có biến động tăng.

Bộ Công thương cho biết nhờ việc áp dụng linh hoạt quỹ bình ổn đã giúp kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu. Dẫn chứng giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới giao dịch trên thị trường Singapore để tính giá cơ sở vào đầu tháng 7 so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 34,80 – 84,50%, trong khi giá trong nước chỉ tăng từ 20,54 – 65,44%.

NGỌC AN
TTO