Doanh nghiệp đói vốn, ngân hàng thiếu ‘room’
Doanh nghiệp đói vốn, ngân hàng thiếu ‘room’
Nhiều doanh nghiệp cho hay không tiếp cận được vốn do ngân hàng hết hạn mức (room) tín dụng.
Nếu hỗ trợ lãi suất 40.000 tỉ đồng hay 100.000 tỉ đồng mà ngân hàng hết room tín dụng thì không có ý nghĩa gì.
TS NGUYỄN TRÍ HIẾU (chuyên gia tài chính)
Siết tín dụng lúc này là cần thiết để kiểm soát lạm phát, song các chuyên gia và ngân hàng đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần sớm nới room tín dụng để đảm bảo nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong những tháng cuối năm.
Doanh nghiệp khát vốn
Anh Nguyễn Văn M. (Phú Thọ) cho hay chờ hơn 1 tháng mà khoản vay 350 triệu đồng vẫn chưa được ngân hàng giải ngân trong khi thủ tục làm xong hết. Theo kế hoạch, số tiền này sẽ thanh toán 2 chiếc máy của xưởng chế biến gỗ.
“Ngân hàng nói tôi chờ từ giữa tháng 6, nay sang tháng 7 rồi vẫn nói chờ thêm vì tháng 8 họ mới được cấp hạn mức tín dụng. Quay sang ngân hàng khác cũng không vay được. Tôi đành phải mượn nóng của người thân, bạn bè” – anh M. than thở.
Ông Nguyễn Thái Linh, giám đốc Công ty TNHH giấy vi tính Liên Sơn, cho hay ngân hàng mà ông vay vốn từ nhiều năm qua vừa tăng lãi suất thêm 0,5%/năm, lên 7,9%/năm, nhưng khổ nhất là họ hết room tín dụng.
“Mỗi năm doanh nghiệp tôi được ngân hàng cấp sẵn hạn mức tín dụng. Dù chưa sử dụng hết hạn mức nhưng room tín dụng chung của ngân hàng đã chạm mức cho phép nên ngân hàng không thể giải ngân thêm. Giờ chỉ có trả nợ cũ bao nhiêu thì vay lại bấy nhiêu…”, ông Linh nói.
Ông cũng cho biết với tình trạng hiện nay, khi có những đơn hàng mới mà vòng vốn chưa quay kịp, doanh nghiệp sẽ không mua kịp vật tư phục vụ cho sản xuất. Chưa kể khi room tín dụng ngân hàng cạn thì vòng quay vốn sẽ bị kéo dài hơn, thu hồi công nợ khó hơn. Khó chồng khó.
Người vay khổ trăm bề
Nhiều người cho hay luôn trong tình trạng thấp thỏm, có người “chết đứng” vì hồ sơ đã duyệt nhưng ngân hàng thông báo hết room.
Anh L. (TP.HCM) được ngân hàng duyệt cho vay 2 tỉ, anh yên tâm đặt cọc 100 triệu đồng nhưng chỉ còn hơn một tuần trước ngày giải ngân thì ngân hàng thông báo hết room. Anh tìm đến những ngân hàng khác cũng đều bị “lắc đầu” với lý do tương tự. Cuối cùng anh phải rủ một người bạn mua chung đồng thời vay mượn thêm.
Sau khi anh đã thanh toán xong, nhân viên ngân hàng “gợi ý” nếu anh chịu mua hợp đồng bảo hiểm 80 triệu đồng thì sẽ được ưu tiên giải ngân khi có hạn mức khiến anh rất bức xúc. “Rõ ràng Ngân hàng Nhà nước đã cấm kiểu “bán bia kèm lạc” này, nhưng do thiếu room nên khách hàng muốn vay đương nhiên phải thuận theo ý ngân hàng”, anh L. bức xúc.
Nhiều trường hợp khác cũng phản ánh với Tuổi Trẻ rằng đã làm xong hồ sơ vay, công chứng hợp đồng thế chấp tài sản từ cuối tháng 6 nhưng đến nay ngân hàng thông báo chưa thể giải ngân vì hết hạn mức.
Có trường hợp ngân hàng yêu cầu ký thành 2-3 phương án rút vốn: giải ngân một lần 100% hạn mức, giải ngân làm hai lần hoặc ba lần tùy theo hạn mức. Sau đó, nếu “hên” thì khách hàng được giải ngân một lần, không thì kéo dài hai, ba lần, rất hồi hộp.
Tín dụng tăng cao nhất trong nhiều năm
Trong khi doanh nghiệp, người dân mòn mỏi chờ vay thì các ngân hàng đang ở trong cảnh tiền không thiếu nhưng thiếu “room”.
Ông Nguyễn Hưng, tổng giám đốc TPBank, cho hay các ngân hàng khó có thể cho vay vì cạn room tín dụng. Ông Phạm Đức Ấn, chủ tịch Agribank, cho biết năm nay ngân hàng này được ngân hàng Nhà nước phê duyệt cho tăng trưởng tín dụng là 7%.
Đến giờ này, Agribank đã tăng gần 6% rồi và hơn 1% còn lại trong thời gian 6 tháng cuối năm là bài toán rất lớn. “Chắc chắn Agribank không đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Nếu đáp ứng nhu cầu của khách hàng thì ngân hàng sẽ vi phạm”, ông Ấn nói.
Ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết tính đến nay tổng dư nợ toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,4 triệu tỉ đồng. Tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 9,35% so với cuối năm 2021. Đây là mức khá cao so với cùng kỳ các năm.
Còn về vấn đề tăng trưởng tín dụng, lãi suất, tỉ giá… sẽ được Ngân hàng Nhà nước giải quyết tại hội nghị sơ kết hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, diễn ra vào cuối tuần tới.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện mới đầu tháng 7 nhưng nhiều khách hàng được ngân hàng hẹn giải ngân vào tháng 8 nếu Ngân hàng Nhà nước nới room. Có ngân hàng đánh giá room có thể sẽ căng đến hết tháng 9.
Ngân hàng Nhà nước đến nay vẫn chưa nới room mà chỉ cho phép sử dụng hết hạn mức được cấp của năm nay. Lý do là nếu để các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng theo nhu cầu thì áp lực với lạm phát là rất lớn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, công nhận lạm phát năm nay đang chịu áp lực rất lớn, nếu không kiểm soát cung tiền thì lạm phát sẽ bùng lên trong năm nay và năm sau khiến lãi suất tăng cao.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cũng đồng tình với việc siết room tín dụng vì mục tiêu lớn hơn là ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy vậy, để đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, ông Hiếu đề nghị Ngân hàng Nhà nước nên nới room tín dụng cho cả năm nay lên 18% vì nhu cầu vốn cho sản xuất – kinh doanh trong 6 tháng cuối năm là rất lớn, nhất là nền kinh tế đang dần phục hồi. 6 tháng đầu năm, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng hơn 9%.
“Tuy nhiên, room tín dụng cần được ưu tiên cấp cho những ngân hàng hoạt động kinh doanh hiệu quả, lãi suất vay phù hợp để cho vay đối với những doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt và ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên như doanh nghiệp nhỏ và vừa…” – ông Hiếu kiến nghị.
Nói thêm về gói giảm lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã khi vay vốn tại ngân hàng thương mại, ông Hiếu đề nghị cần tách gói này ra khỏi hạn mức tín dụng thông thường. Mục đích để triển khai chính sách này cho kịp thời và đạt hiệu quả cao nhất. Vì nếu hỗ trợ 40.000 tỉ đồng hay 100.000 tỉ đồng mà ngân hàng hết room tín dụng thì không có ý nghĩa gì.
Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy dù chưa được nới room nhưng từ đầu tháng 7 hầu hết các ngân hàng tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn gửi. Cụ thể ở kỳ hạn 1-3 tháng, lãi suất đã lên mức gần kịch trần 4%/năm. Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cao nhất lên tới 6,8%/năm.
Với những kỳ hạn gửi dài hơn, từ 9-12 tháng, lãi suất huy động có nơi lên đến 7,3%/năm. Với các kỳ hạn trên 12 tháng, lãi suất cao nhất tới 7,55%/năm. Không chỉ các ngân hàng cổ phần mà nhóm “big 4” cũng tăng lãi suất, có ngân hàng lần đầu tiên tăng lãi suất sau gần một năm.
Hiện “quán quân” về lãi suất là SCB, với lãi suất cho kỳ hạn 12 tháng là 7,3%/năm và trên 12 tháng là 7,55%/năm.
Các ngân hàng cho hay việc tăng lãi suất huy động lúc này do nhiều nguyên nhân: sức ép từ lạm phát, để chuẩn bị nguồn vốn khi được nới room, giữ vốn vì các ngân hàng khác đều tăng lãi suất.
Trên thực tế, lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng đều đã nhích 0,5%/năm từ tháng 6. Liệu lãi suất cho vay còn tăng mạnh trong thời gian tới?
Dự báo, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng có xu hướng tăng lên khi nhu cầu vốn tăng cao và lãi suất đầu vào đang nhích lên. Còn chủ tịch Agribank Phạm Đức Ấn nhận định năm nay là năm rất đặc biệt đối với tăng trưởng tín dụng.
Đến nay, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 9,35%, cao gấp đôi so với huy động vốn là 4,51%. Đây là câu chuyện gây áp lực rất lớn cho lãi suất. Agribank thời gian qua không dám tăng lãi suất huy động, vì nếu cuộc đua lãi suất tiền gửi lên cao thì lãi suất đầu ra sẽ tăng và doanh nghiệp phải gánh, giá cả hàng hóa cũng bị đẩy lên.
“Nguồn lực trong dân chỉ có thế. Huy động vốn năm nay cao hơn năm trước không nhiều. Nếu muốn tăng tín dụng thì chỉ ngân hàng nọ giành giật vốn từ ngân hàng kia. Như thế sẽ đẩy cuộc đua tăng lãi suất… Nên chúng tôi rất mong Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước… có kế hoạch đảm bảo tăng trưởng tín dụng ở mức nhất định” – ông Ấn nói.