Gỡ ‘điểm nghẽn’ để hàng Việt rộng cửa vào Thái Lan
Gỡ ‘điểm nghẽn’ để hàng Việt rộng cửa vào Thái Lan
Đây là chủ đề được thảo luận rất sôi nổi tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Thái Lan – TP.HCM diễn ra ngày 8-7, bởi dù sản phẩm của Việt Nam được đánh giá chất lượng và đa dạng nhưng vẫn đang “lép vế” so với hàng hoá của bạn.
Khoảng 180 đại diện của doanh nghiệp Thái Lan, TP.HCM cùng các cơ quan liên quan đã mổ xẻ những rào cản, thế mạnh trong xuất nhập khẩu nhằm đẩy mạnh hợp tác hơn nữa giữa hai nước. Kim ngạch hai chiều giữa Thái Lan và Việt Nam đạt 19,5 tỉ USD năm 2021 nhưng vẫn còn dư địa để đạt mục tiêu 25 tỉ USD vào năm 2025.
Việt Nam nhập siêu
Xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt khoảng 7 tỉ USD mỗi năm, theo đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thái Lan – ông Phan Chí Thành. Đây được coi là một thành công so với nhiều thị trường khác, nhưng Việt Nam lại đang nhập siêu hàng hóa từ nước láng giềng.
“Tôi có dịp đến một siêu thị ở Thái Lan và thấy hầu như vắng bóng hàng Việt” – ông Đinh Vĩnh Cường, chủ tịch Tập đoàn Công nghệ 365 group, chia sẻ.
Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam trăn trở vì hàng Thái Lan rất phổ biến ở Việt Nam nhưng rất ít hàng Việt Nam đến được với người dùng Thái Lan. Chẳng hạn hiện chỉ có vài loại trái cây Việt Nam được nhập vào Thái Lan như thanh long, vải, nhãn, xoài dù trái cây của chúng ta có ưu thế hơn về giá và chất lượng.
Nói về điều này, Sở Công thương TP.HCM cho biết dù rào cản thuế quan giữa Thái Lan và Việt Nam cũng như các nước ASEAN hầu như bằng 0 nhưng trên thực tế nhiều nước vẫn có những rào cản kỹ thuật đối với một số mặt hàng như nông sản, trái cây tươi.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Minh, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái – Việt Bangkok, nói hàng Việt Nam, đặc biệt là thực phẩm, rất đa dạng, phong phú, bao bì đẹp nhưng lại có rất ít tại Thái Lan. “Nguyên nhân do rào cản kỹ thuật của Thái Lan khiến cho việc đăng ký lưu hành sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm”, ông Minh nói.
Theo một số doanh nghiệp, những rào cản không chỉ của Thái Lan mà còn của các nước khác khiến sản phẩm của Việt Nam cũng chịu nhiều thiệt thòi như phải đi “đường vòng” qua Thái Lan và qua tiếp nước thứ ba dưới nhãn mác của Thái Lan.
“Người Thái rất thích hàng Việt Nam, chẳng hạn khi gạo ST25 của chúng ta nổi tiếng thế giới thì họ cũng sang Việt Nam mua và đóng mác Thái Lan để xuất khẩu tiếp. Sầu riêng cũng là trái cây rất nổi tiếng của Việt Nam, nhưng do hiệp định thương mại của ta với Trung Quốc hiện nay chưa “thẳng” được nên phải đi vòng qua Thái Lan rồi mới xuất qua Trung Quốc” – ông Lê Bá Linh, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Pacific Food, cho biết tại diễn đàn. Cũng theo ông Linh, một số nước mắm nguyên liệu của Việt Nam được Thái Lan mua, chế biến lại rồi bán.
Tháo gỡ điểm nghẽn
Để đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp và quan chức đưa ra nhiều giải pháp. Ông Hồ Văn Lâm, chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái Lan – Việt Nam, cũng như một số doanh nghiệp khác cho rằng cần giảm bớt các rào cản kỹ thuật, đẩy mạnh đàm phán để Thái Lan công nhận các tiêu chuẩn hàng hóa Việt Nam, tăng cường quảng bá và nghiên cứu thị trường, chú trọng vào bao bì và các tiêu chí an toàn thực phẩm.
Đại sứ Phan Chí Thành cho rằng đối với trái cây, cần mở rộng danh mục sản phẩm được xuất sang Thái Lan. Ông cũng ủng hộ ý tưởng lập kho gửi hàng hóa Việt Nam qua Thái Lan.
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cũng mổ xẻ thế mạnh của Thái Lan như kinh nghiệm nhiều năm trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu, thiết lập hệ thống phân phối để đưa sản phẩm vào Việt Nam.
“Thái Lan rất thành công trong việc thiết lập hệ thống bán buôn bán lẻ ở Việt Nam. Tại các hệ thống như BigC, Metro…, doanh nghiệp Thái Lan chiếm đa số thị phần. Khi họ đã có hệ thống phân phối vững chắc, việc thúc đẩy xuất khẩu sang Việt Nam là đương nhiên. Do đó, nếu chúng ta có hệ thống phân phối tại Thái Lan thì các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh đưa hàng Việt Nam sang”, Đại sứ Phan Chí Thành đề xuất.
Việc kết nối các doanh nghiệp cũng vô cùng quan trọng. “Doanh nghiệp của chúng tôi có hơn 10 năm đưa hàng hóa ra các thị trường Mỹ, Canada, Nhật, Hàn Quốc. Sản phẩm nước mắm của chúng tôi khi qua Mỹ đã soán ngôi đứng đầu của Thái Lan và hiện đứng số 1 trên Amazon.com. Chúng tôi đã vượt qua các rào cản kỹ thuật và hy vọng sẽ kết hợp với doanh nghiệp của Việt kiều tại Thái Lan để đưa sản phẩm qua thị trường này”, ông Lê Bá Linh chia sẻ.
Đại sứ Phan Chí Thành cho biết sắp tới sẽ thành lập hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam làm ăn tại Thái Lan để tạo đầu mối kết nối các doanh nghiệp với nhau. Trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, ông Thành cũng nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp Việt kiều là cầu nối hữu nghị và kinh tế giữa hai nước.
Luôn học hỏi
“Doanh nghiệp Thái Lan rất chỉn chu, kỹ lưỡng từ bao bì đến chất lượng sản phẩm. Nhà máy của họ luôn tuân thủ các tiêu chuẩn và sạch sẽ. Các nhà máy Việt Nam cũng rất sạch, nhưng liên quan đến an toàn thực phẩm thì chúng ta phải chú trọng hơn nữa. Một điều rất quan trọng là bao bì, vì những sản phẩm có bao bì tốt sẽ được yêu thích hơn sản phẩm sơ sài”, ông Lê Bá Linh nói.
Theo ông Linh, các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều rào cản như ngôn ngữ, kỹ thuật, ít tiếp xúc với các thị trường, “nhưng tôi tin rằng các thế hệ sau của chúng ta sẽ đủ tự tin để giao thương với doanh nghiệp thế giới”. Theo ông Linh, doanh nghiệp Việt nên học hỏi nhiều hơn nữa, không chỉ từ Thái Lan mà cả các nước khác như Trung Quốc, Malaysia.
“Các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang Thái Lan nên tìm hiểu thị trường bên đó thế nào, có những mặt hàng nào khác với Việt Nam, phải sản xuất và đóng gói thế nào để bán được. Nếu làm được như vậy, họ có thể vào được thị trường này”, theo ông Hồ Văn Lâm.
“Diễn đàn là bước đầu tiên trên chặng đường dài để kết nối các doanh nghiệp Việt Nam, TP.HCM với các doanh nghiệp Việt kiều ở Thái Lan… Các doanh nghiệp Việt kiều ở Thái Lan sẽ là những sứ giả quan trọng để giới thiệu sản phẩm Việt Nam” – Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nói, tin rằng diễn đàn sẽ góp phần thắt chặt quan hệ và thúc đẩy hợp tác, quan hệ song phương Việt Nam – Thái Lan. Ông Hoan cho biết các cơ quan chính quyền sẽ góp phần bằng việc kiến nghị để gỡ bỏ một số rào cản còn tồn tại.
Doanh nghiệp Thái tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam
Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp Thái Lan cho biết đang có nhu cầu kết nối, tìm kiếm đối tác, doanh nghiệp tại TP.HCM trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghệ, năng lượng sạch, giáo dục, y tế…
“Trong vài ngày khảo sát ở Việt Nam, tôi rất ấn tượng với Kiên Giang bởi nơi đây có tiềm năng phát triển rất lớn, có sân bay và bến tàu”, một doanh nhân Thái Lan chia sẻ.
Các doanh nghiệp nước bạn tìm kiếm những điều rất cụ thể. Chẳng hạn một doanh nhân Thái Lan cho biết muốn phát triển nền tảng công nghệ thông tin và muốn tìm các đối tác doanh nghiệp cỡ vừa để cùng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.