23/12/2024

Cần trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về đúng vị trí

Cần trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về đúng vị trí

Sau 2 năm đại dịch liên tiếp, hơn 1 triệu học sinh đã kết thúc bình an kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 và chuẩn bị bước vào giai đoạn xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

 

 

 

Cần trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về đúng vị trí - Ảnh 1.

Có nhiều biện pháp được áp dụng để ngăn ngừa vi phạm quy chế thi. Trong ảnh: một khu vực để đồ của thí sinh tại điểm thi Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cách xa khu vực phòng thi – Ảnh: NGUYÊN BẢO

Đây là kỳ thi tốt nghiệp thứ 3 theo Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ năm 2020, theo đó các học sinh học hết lớp 12 dù không dự thi tốt nghiệp, hoặc thậm chí có dự thi tốt nghiệp nhưng không đạt, vẫn được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

 

Áp lực từ mục tiêu phụ

Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi có 2 mục đích chính: (1) đánh giá kết quả học tập của người học chương trình THPT, làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và (2) lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Với 2 mục tiêu này, kỳ thi có vẻ như đạt được.

Sau mỗi kỳ thi, Bộ GD-ĐT đều công bố các loại phổ điểm theo môn thi, theo tổ hợp môn xét tuyển, theo địa phương, từ đó có thể rút ra những nhận định, đánh giá về chất lượng dạy và học của trường phổ thông (thậm chí có thể phản ánh được chất lượng của đề thi).

Kết quả xét tốt nghiệp cũng rất rõ ràng: luôn ở mức cao, dù 2 năm vừa qua dịch bệnh COVID-19 rất phức tạp ảnh hưởng đến mọi mặt hoạt động của cả nước, trong đó có học tập và thi cử của học sinh.

Thậm chí năm 2021, dù dịch bệnh nặng nề nhất, phải thi tốt nghiệp 2 đợt, nhưng cũng chính là năm đạt tỉ lệ tốt nghiệp cao nhất trong 6 năm gần đây.

Thế nhưng vì sao các mục tiêu chính của kỳ thi đạt kết quả theo mong muốn, nhưng mỗi kỳ thi tốt nghiệp vẫn là áp lực rất lớn không chỉ cho thí sinh mà còn cho chính những người tổ chức thi?

Câu trả lời có lẽ nằm ở mục tiêu phụ của kỳ thi nhưng đã trở thành rất quan trọng, thậm chí là quan trọng nhất: các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Cần trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về đúng vị trí - Ảnh 2.

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT giai đoạn 2007 – 2021 (từ năm 2015 là kỳ thi THPT quốc gia, từ năm 2020 là kỳ thi tốt nghiệp THPT) – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Cần kỳ thi đánh giá năng lực

Ngay từ đầu năm học, chính Bộ GD-ĐT cũng đã khuyến cáo với các ngành/trường có tính cạnh tranh cao nên xem xét mức độ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Theo đó, kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ là bước sàng lọc, sơ tuyển và cần có thêm các hình thức sát hạch, tuyển chọn qua các kỳ thi riêng, thường được gọi chung là kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL), để phân loại tốt hơn đối tượng tuyển sinh, đảm bảo số lượng, chất lượng và công bằng trong tuyển sinh.

Theo chiều hướng đó, một số cơ sở giáo dục đại học đã tổ chức rất thành công các kỳ thi ĐGNL. Trong kỳ tuyển sinh 2022 của các trường ĐH đã có khoảng 250.000 thí sinh dự các kỳ thi ĐGNL này và khoảng 130 trường ĐH sử dụng kết quả thi ĐGNL để xét tuyển.

Dựa trên quy mô tổ chức thi, số học sinh dự thi và số trường ĐH dùng chung kết quả để xét tuyển, có 3 kỳ thi ĐGNL quan trọng nhất là kỳ thi của ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Rõ ràng là việc căn cứ trên kết quả thi ĐGNL để xét tuyển ĐH trở nên quan trọng không chỉ vì tính không ổn định của kỳ thi tốt nghiệp do tình hình dịch bệnh mà còn dựa trên độ tin cậy của kết quả thi ĐGNL.

Và việc bảo đảm tính nghiêm túc, công bằng, chính xác trong xét tuyển ĐH phải là trách nhiệm của các trường ĐH, không phải do Bộ GD-ĐT gánh chịu qua kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay.

Đã đến lúc xem xét trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về đúng vị trí, không để kỳ thi luôn tạo một áp lực nặng nề và có phần tốn kém cho toàn xã hội.

 

Rủi ro rình rập

Chỉ vì mục tiêu phụ – sử dụng để tuyển sinh đại học – mà các nguy cơ gian lận, tiêu cực luôn rình rập kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ chờ có cơ hội là “bùng nổ” (mà cơ hội thì nhiều, qua các kẽ hở của quy chế thi và tuyển sinh cùng sự kiểm tra giám sát lỏng lẻo ở một vài địa phương).

Từ những gian lận, vi phạm của thí sinh cho đến các đại án như sửa kết quả thi, sai phạm trong quy trình làm đề thi…, niềm tin vào kỳ thi tốt nghiệp THPT đã bị xói mòn dần.

TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA
TTO