23/01/2025

Xuất khẩu tăng mạnh qua thương mại điện tử

Xuất khẩu tăng mạnh qua thương mại điện tử

Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ xuất khẩu qua thương mại điện tử (TMĐT). Nhiều báo cáo quốc tế dự đoán đây sẽ là mảng “gà đẻ trứng vàng” cho Việt Nam trong tương lai gần.

Xuất khẩu tăng mạnh qua thương mại điện tử - Ảnh 1.

Nhân viên một công ty tư vấn cho khách hàng về sản phẩm và cách mua hàng trên sàn thương mại điện tử – Ảnh: T.TRÚC

Sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT cùng với những tác động của đại dịch COVID-19 đã vô tình thôi thúc và mở lối cho nhiều doanh nghiệp Việt bán hàng xuyên biên giới.

 

Ngồi Việt Nam bán hàng xuyên biên giới

Chỉ mới hơn 2 tuổi đời nhưng Monrovia Việt Nam – công ty chuyên cung cấp dụng cụ làm vườn cao cấp có trụ sở tại quận 12, TP.HCM – đã đạt doanh số bán hàng ấn tượng.

Có thương hiệu khác là Docneem Việt Nam, chuyên cung cấp các sản phẩm phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học. Hai công ty này đã nhanh chóng xuất tới 20 tấn phân viên nén, 26.000 chậu Monrovia và 31.000 lít phân bón vi sinh đến tay người tiêu dùng thông qua các sàn TMĐT chỉ từ năm 2021.

“Nhưng điều mà chúng tôi tự hào nhất chính là xuất khẩu, đưa sản phẩm của mình sang thị trường nước ngoài thông qua các kênh đại lý. Cụ thể là thị trường Campuchia và Singapore” – bà Thanh Trúc, quản lý thương hiệu Docneem và Monrovia, chia sẻ. Mới đây, một trong những đại lý kể trên đã mở gian hàng trên Shopee Singapore và nhận được phản hồi tích cực.

Cách xuất khẩu thông qua TMĐT của hai công ty này là dùng chính sách hỗ trợ toàn diện cho các đại lý nước ngoài từ hình ảnh đến sản phẩm chất lượng.

Đại lý sẽ truyền thông rộng rãi sản phẩm giúp công ty giải quyết những hạn chế nguồn lực nhân sự, kho bãi hoặc am hiểu chính sách sở tại. “Từ đó thương hiệu tại thị trường nước ngoài được biết đến nhiều hơn. Tốc độ tăng trưởng 70% so với đầu năm 2021”, bà Trúc thông tin.

Trong khi đó, Công ty mật hoa dừa SokFarm (Trà Vinh) đang đẩy mạnh xuất khẩu qua Amazon sau một thời gian “kiểm thử” trên sàn Alibaba và Amazon. Ông Phạm Đình Ngãi, CEO SokFarm, tự hào: “Sản phẩm của SokFarm được người dùng nước ngoài yêu thích.

Ở Nhật còn có các bài báo tiếng Nhật giải thích về lợi ích của mật hoa dừa SokFarm”. Công ty hiện đã có đầu mối ở Hà Lan, Pháp, Thụy Sĩ, Thái Lan, Nhật và cả châu Mỹ… từ năm 2021. “Hiện hoạt động xuất khẩu chiếm 5% doanh thu, đang hướng đến mục tiêu 15 – 20%”, ông Ngãi cho biết.

 

Mảng xuất khẩu mạnh thứ 5 của Việt Nam

Theo báo cáo về xu hướng xuất khẩu thông qua TMĐT tại Việt Nam do Hãng Amazon vừa công bố, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam ước tăng trưởng trên 20%/năm, đạt 75.400 tỉ đồng (3,3 tỉ USD) trong năm 2021 và dự kiến đạt 256.100 tỉ đồng (11,1 tỉ USD) vào năm 2026. Trong đó, hơn 64% doanh số do các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tạo ra.

Báo cáo nhận định nếu coi “thương mại điện tử B2C” như là một ngành hàng xuất khẩu, đây sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.

Theo thống kê của Công ty Ninja Van, TMĐT xuyên biên giới với các mặt hàng từ Việt Nam hoạt động chủ yếu thông qua các sàn TMĐT quốc tế như Amazon, JD.com, Alibaba, Shopee Global…

Người tiêu dùng ở khắp thế giới hiện có thể mua hàng với số lượng sỉ hoặc lẻ từ các nhà bán hàng Việt Nam. Các loại hàng hóa được doanh nghiệp Việt chọn xuất khẩu nhiều nhất hiện nay là nông sản thành phẩm, thủ công mỹ nghệ, nội thất, gia dụng, chăm sóc sức khỏe, dụng cụ y tế.

Theo ông Phan Xuân Dũng – giám đốc kinh doanh Ninja Van, điều đáng mừng là nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam do các bạn trẻ 9X làm chủ đã tạo dựng thương hiệu rất chuyên nghiệp, từ giá trị cốt lõi cho sản phẩm, tạo gian hàng có hình ảnh đẹp và chất lượng sản phẩm được chứng nhận tốt, nên dễ dàng tăng tỉ lệ chốt đơn cho các khách hàng nước ngoài trên TMĐT.

 

Cơ hội vàng cho xuất khẩu Việt

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Đặng Hoàng Hải – cục trưởng Cục Thương mại điện tử, Bộ Công thương – cho rằng với doanh thu TMĐT theo mô hình B2C toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỉ USD, đặc biệt thị trường TMĐT của các quốc gia là đối tác xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam – như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia EU – ngày càng tăng sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp có sản phẩm tốt, phù hợp với thị trường.

Việc tận dụng được các thị trường TMĐT phát triển mạnh sẽ giúp các doanh nghiệp có thể len vào các thị trường khó tính – nơi tồn tại rất nhiều rào cản và tốn nhiều chi phí nếu giao thương theo cách truyền thống. Hình thức này cũng giúp giảm chi phí vận hành, vừa giúp phân phối sản phẩm đến người dùng cuối.

Trong khi đó, Việt Nam cũng đang có cơ chế hỗ trợ. Theo Kế hoạch phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đã được Chính phủ phê duyệt, sẽ xây dựng gian hàng quốc gia trên một số sàn TMĐT lớn của thế giới, tổ chức các không gian hàng Việt là nơi tập trung các thương hiệu uy tín, có hàm lượng nội địa hóa cao, được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định và đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ.

Các thị trường đang được hướng tới là Đông Nam Á, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…

Ông Hải cho rằng chắc chắn TMĐT xuyên biên giới sẽ mở ra câu chuyện xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam.

Đây là cơ hội không chỉ cho doanh nghiệp xuất khẩu nói chung mà cho cả các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã, các cá nhân.

 

Nỗ lực tạo 10.000 doanh nghiệp TMĐT xuyên biên giới

Mới đây, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) phối hợp với Amazon Global Selling Việt Nam đã khởi động chương trình “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá”.

Các doanh nghiệp và nguồn nhân lực trẻ Việt Nam được đào tạo hơn 20 khóa học về TMĐT xuyên biên giới, nghiên cứu thị trường, xây dựng danh mục sản phẩm, đăng ký và bảo vệ thương hiệu, quy trình bán hàng trên Amazon…

Chương trình hướng tới mục tiêu hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực TMĐT xuyên biên giới cho 10.000 doanh nghiệp trong giai đoạn 2022 – 2026.

 

80% doanh nghiệp thiếu thông tin

Theo báo cáo của Amazon, hoạt động xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới vẫn tồn tại những bất cập với các doanh nghiệp Việt trên các vấn đề chính: 80% doanh nghiệp cho rằng họ thiếu thông tin về các quy định liên quan của thị trường nước ngoài, 81% thừa nhận rằng họ chưa được chuẩn bị để đáp ứng sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài…

ĐỨC THIỆN
TTO