24/12/2024

Triển vọng mới cho cây đậu nành Việt Nam

Triển vọng mới cho cây đậu nành Việt Nam

Vinasoy đang sở hữu 1.533 nguồn gen đậu nành quý không biến đổi gen (non-GMO). Từ nguồn gen quý này, Vinasoy đã và đang lai tạo được giống chất lượng, năng suất cao gấp đôi các giống truyền thống. Điều này mở ra cơ hội lớn cho việc khôi phục sản xuất, chủ động nguồn cung trong nước nhất là nguồn cung đậu nành cho việc chế biến thực phẩm.

 

 

Nụ cười tươi trên cánh đồng Cư Jút

Những ngày đầu tháng 7, người dân Hợp tác xã Sản xuất đậu nành Nam Dong (Cư Jút, Đắk Nông) đang đếm ngược đến ngày thu hoạch. Chị Lê Thị Hạnh, có đến 1,5 ha trồng đậu nành, tâm sự: “Trước đây trồng đậu nành truyền thống năng suất rất thấp, chỉ khoảng 1,7 tấn/ha. Năm nay tôi trồng giống đậu nành Vinasoy 02-NS, dù chỉ sắp đến ngày thu hoạch nhưng với kinh nghiệm gần 30 năm trồng đậu nành thì hiện nay có thể ước tính năng suất ít nhất cũng đạt trên 3 tấn/ha. Mình nhìn thấy số lượng quả trên cây rất nhiều, quả đồng đều, tỷ lệ quả đạt 3 hạt cao và không bị lép. Thêm một ưu điểm là giống này lại ít sâu bệnh. Năm nay lại thuận lợi là mưa nhiều nên rất nhẹ phân thuốc và công chăm sóc. Vụ này chi phí đầu tư kể cả công thu hoạch ước khoảng 700.000 – 800.000 đồng/ha. Đầu ra đã được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường. Năm nay coi như trồng đậu nành ở đây vừa trúng mùa lại được giá.

Triển vọng mới cho cây đậu nành Việt Nam - ảnh 1
Chị Hạnh phấn khởi khi đậu nành đạt quả đồng đều CHÍ NHÂN

Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất đậu nành Nam Dong, cho biết: “Hợp tác xã có 115 xã viên với diện tích 150 ha đã hợp tác với Công ty Vinasoy trồng đậu nành nhiều năm qua. Sự hợp tác đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất và cả kinh tế nên bà con rất phấn khởi”.

Còn ông Hồ Sơn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư Jút, cho biết thêm: “Địa phương có tiềm năng lớn với các loại cây họ đậu, trước đây nổi tiếng với cây đậu nành hoa trắng. Nhưng sau quá trình canh tác nhiều năm đã bị thoái hóa giảm cả chất lượng và năng suất. Giống đậu nành Vinasoy 02-NS được lai tạo từ giống Cư Jút hoa trắng bản địa với giống mới có năng suất cao và chất lượng đậu nành vẫn giữ được hương vị thơm ngon truyền thống.

Triển vọng mới cho cây đậu nành Việt Nam - ảnh 2
Các kỹ sư nông nghiệp Vinasoy tận tình hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật canh tác  CHÍ NHÂN

Ngân hàng gen đậu nành quý hàng đầu Đông Nam Á

Ông Huỳnh Sơn Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC) cho biết: “Ngay từ buổi đầu thành lập, Công ty Vinasoy đã quyết tâm đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu để chủ động được nguồn đậu nành thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Vì vậy, Vinasoy đã đầu tư cho đội ngũ kỹ sư, nhà khoa học giỏi nhất, vào công nghệ nghiên cứu tiên tiến nhất trong lĩnh vực đậu nành để mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội”.

Bước qua tuổi 25, sau rất nhiều nỗ lực Vinasoy đã thu thập, nghiên cứu trong một thời gian rất dài từ các dòng/giống đậu nành trong và ngoài nước, từ các dòng/giống đậu nành hoang dại đến các dòng/giống đậu nành có các đặc tính chuyên biệt như năng suất cao, đạm cao, kháng sâu bệnh, kháng mặn, kháng phèn… Mùa hè năm nay, Trạm khảo nghiệm Cư Jút đã chính thức gieo trồng, khảo nghiệm và đánh giá 1.533 nguồn gen đậu nành này. Đây là nguồn gen phong phú, đa dạng, có nhiều đặc tính quý để làm vật liệu lai tạo, phát triển giống đậu nành mới, phù hợp với các dòng sản phẩm và vùng nguyên liệu.

Triển vọng mới cho cây đậu nành Việt Nam - ảnh 3
Năm nay, Vinasoy chính thức cho gieo trồng khảo nghiệm toàn bộ 1.533 dòng/giống đậu nành để đánh giá chất lượng các nguồn gen  CHÍ NHÂN

Hiện tại, Vinasoy đã phát triển được hai giống đậu nành Vinasoy 01-CT và Vinasoy 02-NS. Giống Vinasoy 02-NS được Bộ NN-PTNT cấp phép lưu hành sản xuất đại trà tại 4 vùng nguyên liệu của Vinasoy: miền Trung, Tây nguyên, Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long.

 

Cơ hội lớn cho cây đậu nành thực phẩm

Ông Đinh Công Chính, Phó trưởng phòng Cây lương thực, Cây thực phẩm – Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT cho biết: “Thời gian qua, diện tích và sản lượng đậu nành của nước ta liên tục giảm dần qua các năm. Nếu như năm 2010, diện tích trồng đậu nành đạt 197.800 ha, thì năm 2021 chỉ còn khoảng 37.000 ha, giảm hơn 75% so với năm 2010. Diện tích cây đậu nành giảm nhanh và mạnh như vậy nguyên nhân chính vì giống bị thoái hóa và năng suất giảm chỉ còn khoảng 1,5 tấn/ha. Thực trạng đó dẫn đến việc Việt Nam thiếu hụt 3,5 – 5 triệu tấn đậu nành/năm, trở thành nước nhập khẩu đậu nành lớn với kim ngạch 2 – 3 tỉ USD/năm”.

Triển vọng mới cho cây đậu nành Việt Nam - ảnh 4
Ông Đinh Công Chính (thứ hai từ phải sang) đánh giá cao những nỗ lực của Vinasoy  CHÍ NHÂN

Tham quan Trạm khảo nghiệm đậu nành tại Cư Jút, ông Chính nói: “Nhờ sở hữu và bảo tồn ngân hàng gen đậu nành quý cùng nền tảng nghiên cứu tiên tiến, Vinasoy có nhiều cơ hội chọn tạo ra ngày càng nhiều các giống đậu nành tốt và thích ứng với nhiều vùng sinh thái khác nhau. Do đó, thời gian tới có thể hy vọng khôi phục và nhân rộng giống cây đậu nành ra trồng đại trà trên phạm vi cả nước trên cơ sở khôi phục lại những ‘chân đất’ đã trồng đậu nành. Với giống đậu nành năng suất cao như của Vinasoy chúng ta có thể tin tưởng vào khả năng mở rộng diện tích từ đó tăng dần sản lượng qua đó giúp giảm dần phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Điều quan trọng trước mắt hiện nay là làm sao Việt Nam chúng ta có thể tự chủ được nguồn đậu nành phục vụ cho chế biến thực phẩm. Nếu làm được như vậy thì việc này cũng có ý nghĩa và giá trị rất lớn về nhiều mặt”.

Cũng theo ông Chính, có thể thấy ngay từ đầu Vinasoy đã xây dựng chiến lược phát triển theo mô hình chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp. Đây là điều mà hiện nay chúng ta vẫn đang nói rất nhiều về mô hình để phát triển nền nông nghiệp Việt Nam.

CHÍ NHÂN

TNO