Lại nguy cơ thiếu điện, cúp điện
Lại nguy cơ thiếu điện, cúp điện
Sự cố mất điện trên diện rộng ở phía Bắc vào ngày 4-7 được cho là một cảnh báo nguy cơ thiếu điện, sự cố có thể diễn ra thời gia
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, trong ngày 5-7, EVN đã họp để phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp.
Tiêu thụ điện tăng mạnh
Theo EVN, từ giữa tháng 6 đến nay, tiêu thụ điện toàn quốc tăng rất mạnh. Dẫn chứng mới nhất từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, trưa 21-6, công suất tiêu thụ điện toàn quốc lần đầu tiên vượt 45.000MW, lập kỷ lục mới với 45.428MW – cao hơn tới gần 3.100MW so với mức đỉnh năm 2021.
EVN liên tục đưa ra cảnh báo về nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải và quá tải ở nhiều thời điểm.
Hiện tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt tới 76.620MW, nhưng riêng nguồn năng lượng tái tạo chiếm hơn 20.300MW (chiếm gần 30% tổng công suất).
Thực tế công suất phát điện chỉ được tối đa hơn 40.000MW, hệ thống điện vẫn đối mặt với nguy cơ “thừa mà thiếu điện”, nguồn dự phòng không có nhiều.
Trong báo cáo gửi Bộ Công thương mới đây, EVN cho hay kế hoạch vận hành hệ thống điện và thị trường điện đã được Bộ Công thương phê duyệt, nhưng đến thời điểm hiện tại do ảnh hưởng của giá thế giới và việc cung cấp nhiên liệu không như dự kiến.
EVN nhận định tổng nguồn huy động trong 5 tháng đầu năm bị thiếu hụt khoảng 224 triệu kWh, riêng nhiệt điện than thiếu hụt 6,6 tỉ kWh. Dự kiến cả năm nguồn huy động có thể thiếu hụt 1,1 – 1,2 tỉ kWh.
Nguy cơ sự cố lặp lại
Theo ông Hà Đăng Sơn – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, do giá nhiên liệu quá cao nên việc cung ứng cho các nhà máy sử dụng than hoặc sử dụng khí gặp khó khăn, khiến hệ thống không có đủ công suất dự phòng để huy động khi nhu cầu lên quá cao hoặc đồng thời có trục trặc ở một số nhà máy điện.
Nguy cơ càng trở nên rõ nét khi năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) được huy động tối đa nhưng đột ngột có đám mây lớn đi qua hoặc mưa diện rộng… sẽ khiến công suất phát tụt rất nhanh, trong khi các nguồn dự phòng lại chưa kịp huy động (do cần thời gian để đạt tới công suất cần thiết) hoặc không đủ công suất cần thiết. Điều này sẽ dẫn tới sự cố quy mô lớn.
“Khi các nguồn điện từ gió và mặt trời được huy động quá nhiều, trong khi hệ thống lại không có đủ các nguồn ổn định và có khả năng huy động nhanh để bù đắp – ví dụ như thủy điện – thì trong tương lai sẽ hoàn toàn có thể tiếp tục diễn ra những sự cố giống ngày 4-7…”, ông Sơn cảnh báo.
Giá điện có thể biến động lớn trong năm?
Theo EVN, đến thời điểm hiện tại, hệ thống điện đã có sự thay đổi lớn về cả số lượng lẫn loại hình nhà máy điện.
Các nhà máy nhiệt điện sử dụng than nội địa hầu hết đã phải chuyển sang sử dụng than pha trộn nhập khẩu do các đơn vị cung ứng than trong nước không đáp ứng được nhu cầu, nên giá điện sẽ ngày càng phụ thuộc giá than nhập khẩu và có thể biến động lớn trong năm.