23/01/2025

Dấu hiệu chuyển nặng của sốt xuất huyết và COVID-19 khác nhau ra sao?

Dấu hiệu chuyển nặng của sốt xuất huyết và COVID-19 khác nhau ra sao?

Sốt xuất huyết nặng gây sốc giảm thể tích, xuất huyết và tổn thương đa cơ quan. COVID-19 nặng chủ yếu là tổn thương phổi, não, và một số hậu quả của phản ứng viêm, còn gọi là cơn bão cytokine.

 

Dấu hiệu chuyển nặng của sốt xuất huyết và COVID-19 khác nhau ra sao? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM – Ảnh: DUYÊN PHAN

Mới đây bé Lê Hoàng Yến N. (8 tuổi, nhà ở xã Thạnh Nhựt, Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) được mẹ đưa đến bác sĩ khám vì sốt cao ba ngày không bớt. Bác sĩ khám và chẩn đoán là bé theo dõi bệnh sốt xuất huyết Dengue, cấp toa về nhà, hẹn tái khám hằng ngày.

Mẹ bé N. hỏi bác sĩ mùa này cũng có nhiều bệnh, trong đó có COVID-19, làm sao biết bé có bị COVID-19 hay không? Theo dõi hai bệnh này có khác nhau không? Bác sĩ cho biết: “Cả hai bệnh này đều phải theo dõi chặt, đặc biệt là sớm nhận ra các dấu hiệu cảnh báo để đưa đến bệnh viện kịp thời”.

– Các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết bao gồm 5 dấu hiệu là bé lừ đừ hoặc bứt rứt, quấy khóc; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều; chảy máu cam, máu răng; tay chân mát.

– Các dấu hiệu cảnh báo về COVID-19 bao gồm 4 dấu hiệu là khó thở, thở nhanh; đau hoặc tức ngực; lừ đừ, bứt rứt; môi tím hoặc mặt hơi xanh.

Các lý do xuất hiện dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết chuyển sang giai đoạn nặng:

Thứ nhất là tình trạng thất thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, đây là một phản ứng giữa virus sốt xuất huyết và kháng thể của cơ thể xảy ra ở mạch máu làm tổn thương mạch máu.

Khi mạch máu bị tổn thương, huyết tương thoát ra khỏi mạch máu ra ngoài gian bào, khiến cho khối lượng máu lưu hành bị giảm. Lúc này máu lên não bị thiếu, gây thiếu oxy não làm ảnh hưởng tới thần kinh của bé gây nên triệu chứng lừ đừ, bứt rứt.

Huyết tương thất thoát ra gian bào cũng làm gan sưng to, bao tử cũng bị kích thích khiến bé bị nôn ói, đau bụng nhiều. Nếu huyết tương thất thoát nhiều hơn 20% thì gây nên sốc, trụy tim mạch, dẫn đến sốc, huyết áp tụt, tay chân lạnh giá.

Thứ hai là do rối loạn đông máu xuất phát từ sự tổn thương mạch máu kết hợp tiểu cầu giảm gây xuất huyết, nặng nhất là xuất huyết ở niêm mạc như máu răng, máu cam, âm đạo tử cung, bao tử, đường ruột, phổi. Trong trường hợp nặng sẽ gây tổn thương các cơ quan gan, tim, não, thận… là hậu quả của các lý do trên kết hợp với phản ứng viêm nặng.

Theo Arthur Clifton Guyton, một nhà sinh lý học danh tiếng người Mỹ, xác định thể tích tuần hoàn mất đi 10 – 15% cơ thể thì còn bù được, mất 20 – 30% sốc xảy ra, mất 35 – 40% huyết áp bằng 0. Như vậy ở người lớn nếu huyết tương thất thoát khỏi lòng mạch khoảng 450ml sẽ gây sốc, trụy tim mạch.

Đối với COVID-19, có hai lý do xuất hiện dấu hiệu cảnh báo nặng là viêm phổi, thiếu oxy não, tổn thương đa cơ quan do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Như vậy dấu hiệu cảnh báo nặng của sốt xuất huyết khác với COVID-19. Sốt xuất huyết nặng gây sốc giảm thể tích, xuất huyết và tổn thương đa cơ quan. COVID-19 nặng chủ yếu là tổn thương phổi, não, và một số hậu quả của phản ứng viêm, còn gọi là cơn bão cytokine.

Dù là sốt xuất huyết hay COVID-19 bà con mình cũng cần theo dõi sát tất cả các dấu hiệu bất thường của con cháu khi mắc bệnh, đưa đến bệnh viện ngay bất cứ giờ nào dù ngày hay đêm, dù mưa hay nắng.

Bà con hãy ghi nhớ các dấu hiệu cảnh báo sớm, hiểu thêm lý do tại sao xuất hiện dấu cảnh báo đó để dễ nhớ hơn, tận dụng thời gian vàng nhằm kịp thời cấp cứu bệnh nặng, trước khi quá muộn.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
TTO