18/11/2024

Ám ảnh mùa du lịch ‘delay’

Ám ảnh mùa du lịch ‘delay’

Bùng nổ du lịch cao điểm hè, các sân bay quá tải khiến hành khách khốn khổ vì những chuyến bay liên tục thông báo “delay” (chậm chuyến).

 

 

5 giờ đồng hồ bay từ Hà Nội vào TP.HCM

Đặt vé máy bay chặng từ Hà Nội vào TP.HCM chủ nhật 3.7, chị Khánh Hà (ngụ Q.4, TP.HCM) chọn chuyến bay lúc 16 giờ 45. Tính thời gian bay thoải mái khoảng 2 giờ, chị Hà dự định đáp xuống Tân Sơn Nhất khoảng 19 giờ, không quá muộn để đỡ khó khăn trong việc đón taxi từ sân bay về nhà.

Ám ảnh mùa du lịch 'delay' - ảnh 1
Sân bay Tân Sơn Nhất đông nghẹt hành khách  H.M

Thế nhưng, chuẩn bị di chuyển tới sân bay Nội Bài, Hãng gửi thông báo về điện thoại, cho biết chuyến bay của chị đã chuyển giờ khởi hành sang 18 giờ 25 vì lý do khai thác. Tới sân bay, hoàn thành hết các thủ tục, cửa khởi hành mở đúng thời gian dự kiến, tuy máy bay bắt đầu lăn bánh lúc 18 giờ 33, chậm 8 phút nhưng chị Khánh Hà vẫn chắc mẩm sẽ không phải chờ nữa nên hẹn gia đình 20 giờ 30 đón tại sân bay Tân Sơn Nhất. Không ngờ, máy bay lăn bánh rồi lại tiếp tục chờ tới khoảng 18 giờ 50 mới chính thức cất cánh. Thời gian bay cũng kéo dài hơn mọi khi, tới đúng 20 giờ 50, chuyến bay của chị mới hạ cánh.

Hạ cánh xong, chị Khánh Hà cùng hàng trăm hành khách vẫn tiếp tục phải đứng xếp hàng chờ máy bay mở cửa. Đúng 21 giờ 28, chị Hà mới ra được tới trước cửa nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất. “Từ lúc máy bay hạ cánh tới khi xuống được khỏi máy bay mất gần 40 phút. Nếu tính theo giờ đặt vé từ đầu thì tôi đã tốn 5 giờ đồng hồ để bay từ Nội Bài vào tới TP.HCM. Cất cánh muộn, bay chậm, hạ cánh rồi vẫn còn tiếp tục “tắc”. Trên máy bay thì chủ yếu là các gia đình đi du lịch nên đông trẻ con, chúng hò hét, khóc lóc vì chờ đợi mệt mỏi…”, chị Khánh Hà lắc đầu ngao ngán.

Cao điểm hè “bùng nổ” nhu cầu du lịch cũng chính là thời điểm “bùng nổ” tình trạng máy bay trễ chuyến. Thống kê của Cục Hàng không VN cho thấy, trong tháng 6 (từ ngày 19.5 – 18.6) có hơn 5.602 chuyến bay của các hãng hàng không trong nước chậm chuyến, chiếm tới 18,2% số chuyến bay thực hiện trong thời điểm này, tăng 9,4 điểm so với tháng 5 và tăng tới 15,9 điểm so với cùng kỳ.

 

Sân bay “than” áp lực, hãng cũng khốn khổ

Ngồi chờ tại các sân bay giai đoạn này, âm thanh phổ biến nhất được phát trên loa thông báo là lời xin lỗi hành khách, chuyến bay đổi giờ khởi hành do máy bay đến trễ.

Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết việc có nhiều chuyến bay cất hạ cánh trễ đã góp phần tạo hiệu ứng dây chuyền, không chỉ gây ách tắc phía nhà chờ bên trong nhà ga mà còn tác động tới việc ùn tắc phía ngoài khu vực ga quốc nội. Điều này khiến tình trạng thiếu tài xế đưa đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất vốn đang áp lực, lại càng thêm trầm trọng khi hành khách dồn chờ đón xe trong một khung giờ.

Đại diện một hãng hàng không chia sẻ có rất nhiều nguyên nhân khiến máy bay không thể tới sân bay đúng giờ để đón hành khách. Về nguyên nhân chủ quan, máy bay không phải lúc nào cũng nằm sẵn ở sân bay chờ khách mà liên tục phải điều chỉnh quay vòng đón/trả khách từ điểm này tới điểm khác. Đặc biệt, với các hãng hàng không giá rẻ, đông khách, tốc độ quay vòng của 1 máy bay nhanh, liên tục.

Tốc độ quay đầu trong khoảng 25 – 30 phút với điều kiện mọi yếu tố đều đảm bảo chính xác, đúng giờ. Vì thế, chỉ cần một yếu tố tác động khiến máy bay chậm trễ tại một điểm là sẽ kéo theo trễ dây chuyền các chuyến tại điểm khác. Tuy vậy, vị này nhìn nhận việc máy bay đến trễ chỉ một phần do nguyên nhân chủ quan từ phía doanh nghiệp, chủ yếu do các yếu tố khách quan bên ngoài tác động.

Cụ thể, giai đoạn mùa hè thời tiết bất thường, mưa giông hoặc gió khiến máy bay không thể cất/hạ cánh theo đúng kế hoạch. Quan trọng nhất, lượng khách bùng nổ, vượt đỉnh cao điểm giai đoạn trước dịch khiến hầu hết sân bay đều quá tải. Các đường bay quốc tế hiện chỉ chiếm 5% tổng sản lượng khai thác, 95% còn lại đổ dồn vào bay nội địa, tạo áp lực rất lớn tới hạ tầng các nhà ga quốc nội, đặc biệt là tại sân bay Tân Sơn Nhất. Khách quá đông, trong khi lực lượng an ninh giai đoạn đầu cao điểm hè còn thiếu dẫn đến các dịch vụ, thủ tục kiểm soát an ninh bị chậm. Cùng với đó, các trang thiết bị phục vụ chuyến bay như xe buýt, xe thang không đáp ứng đủ nhu cầu, dẫn đến tình trạng đưa/đón khách lên/xuống khỏi máy bay thường xuyên chậm trễ. Chưa kể, cách tổ chức, đi lại của xe buýt và các loại xe dịch vụ chở hàng hóa thường xuyên gặp xung đột với quá trình di chuyển máy bay, khiến thời gian càng bị kéo dài.

Cùng nhận định, đại diện một Hãng hàng không khẳng định máy bay “deley”, không chỉ hành khách thiệt mà chính các hãng cũng khốn khổ. Trung bình, máy bay khởi động chờ cất cánh hoặc bay vòng thêm 1 phút thì hãng tốn thêm 100 USD chi phí. Giả sử từ Nội Bài về tới TP.HCM như trường hợp của chị Khánh Hà, máy bay chờ tại đường lăn tổng cộng khoảng 50 phút, đồng nghĩa mất thêm 5.000 USD. Chưa kể chi phí xăng dầu hiện tăng gấp 3 – 4 lần, áp lực chi phí càng đè nặng thêm tới doanh nghiệp.

“Không hãng hàng không nào muốn máy bay delay. Mấu chốt là hạ tầng các sân bay đã quá tải trầm trọng, đứng đầu là sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó tới Nội Bài. Các sân bay như Đà Nẵng, Phú Quốc… ùn tắc theo từng thời điểm. Nếu không nhanh chóng giải bài toán hạ tầng sân bay thì khi thị trường du lịch quốc tế nhộn nhịp trở lại, tình hình chắc chắn sẽ còn tệ hơn nữa”, vị này lo ngại.

Đại diện một hãng hàng không phân khác tích thêm: Dù sân bay Tân Sơn Nhất đã đưa vào hoạt động 2 đường băng mới nhưng các đường băng này nằm cạnh nhau, không thể điều hành máy bay cất/hạ cánh cùng lúc. Cộng với khả năng điều hành cất/hạ cánh thấp, năng lực điều hành cất/hạ cánh tại Tân Sơn Nhất chỉ đạt 40 – 42 chuyến/giờ, thấp hơn nhiều so với con số 65 – 70 chuyến/giờ tại sân bay ở Thái Lan hay các nước khác góp phần làm ùn tắc, gây chậm trễ chuyến bay.

HÀ MAI

TNO