18/11/2024

Tiêu dùng thịt heo giảm

Tiêu dùng thịt heo giảm

Giá lương thực  – thực phẩm trên toàn cầu tăng như vũ bão nhưng tại thị trường nội địa, giá thịt heo, món truyền thống trong bữa ăn hằng ngày của đa số người dân, lại ì ạch cả năm nay không thể bật lên.

 

 

Theo báo cáo của Công ty Ipsos, chuyên nghiên cứu thị trường đa quốc gia có trụ sở tại Pháp, mức tiêu thụ thịt heo theo đầu người trong năm 2018 là 31,4 kg, năm 2020 còn 25 kg và năm 2022 là 23,5 kg; tương đương mức giảm 13,5%. Liệu có phải người Việt đã hết thích ăn thịt heo?

 

Giảm heo do giảm thu nhập?

Chị Lý Ngọc Tuyền, làm nghề buôn bán nhỏ ở Q.5, cho biết gia đình chị vốn rất thích các món ăn từ thịt heo nhưng từ đầu năm tới nay, chị đã chủ động giảm lượng thịt và tăng cá, trứng, đậu hũ và rau củ. “Thu nhập không tăng mà giá cả mọi thứ đều tăng nên phải tính toán lại chi tiêu cho từng bữa ăn. Chẳng hạn 100.000 đồng thay vì mua thịt cả nhà 4 người chỉ ăn đủ một buổi thì mua các loại cá bình dân như cá kèo, cá lóc, cá rô phi… về vừa kho vừa nấu canh có thể ăn được 2 buổi”, chị giải thích. Tuy nhiên, việc chuyển hướng tiêu dùng giờ cũng bấp bênh khi mà các loại thực phẩm này cũng đang nhích dần lên theo mặt bằng chung của thị trường. Chị Tuyền chép miệng trước đây giá cá các loại trung bình từ 60.000 – 70.000 đồng thì nay đã tăng thêm từ 10.000 – 15.000 đồng/kg so với hồi đầu năm.

Tiêu dùng thịt heo giảm - ảnh 1
Tiêu dùng thịt heo giảm do thu nhập người dân thấp  CHÍ NHÂN

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giải thích trong cơ cấu nguồn đạm trong bữa cơm của người Việt, trước đây thịt heo chiếm tỷ lệ khoảng 70%, phần còn lại là thịt gia cầm, thủy sản và thịt bò… Vào thời điểm giá heo quá cao, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang các loại khác. Bây giờ giá thức ăn chăn nuôi cao thì giá thịt heo và gà, kể cả các loại khác cũng tăng. Giá gà xuất chuồng lên tới 70.000 đồng/kg, còn gà công nghiệp lông trắng cũng trên 30.000 đồng/kg. “Vì vậy tôi không nghĩ giảm tiêu dùng thịt heo là xu hướng trong dài hạn. Khi kinh tế phục hồi, giá cả ổn định, thu nhập tăng thì sức tiêu dùng sẽ tăng trở lại”, ông Đoán nói.

Theo Ipsos, với giá thành chăn nuôi heo trong 6 tháng qua thì chỉ những trang trại chăn nuôi lớn, kiểm soát tốt dịch bệnh mới có lãi. Trong những tháng cuối năm 2022, giá heo hơi xuất chuồng sẽ tăng nhẹ và duy trì ở mức 60.000 đồng/kg do đàn heo thịt sụt giảm. Đến tháng 4.2023, giá heo hơi có thể trở lại mức 58.000 đồng/kg do đàn được phục hồi. “Ngành chăn nuôi heo còn chịu ảnh hưởng bởi áp lực đứt gãy chuỗi cung ứng và giá nguyên vật liệu tăng cao. Giá thịt heo đến cuối năm sẽ không tăng cao và không tác động quá lớn đến lạm phát của cả nước do nhu cầu chưa phục hồi hoàn toàn”, Ipsos dự báo.

 

Dịch bệnh và túi tiền eo hẹp

Ông Phong Quách, Giám đốc bộ phận tư vấn Ipsos VN, thì cho rằng nguyên nhân người Việt giảm ăn thịt heo giai đoạn trước 2020 chủ yếu là do dịch tả heo châu Phi. Trên quy mô toàn cầu, bệnh này vẫn chưa có thuốc điều trị. Người tiêu dùng e ngại và tìm kiếm nguồn cung thay thế từ các sản phẩm khác. Giai đoạn này, lượng tiêu thụ thịt gia cầm tính theo đầu người tăng trưởng mạnh nhất ước khoảng 8,5% mỗi năm; bên cạnh đó là thịt bò và hải sản. Tiêu thụ thịt gà từ 12 kg năm 2016 đã tăng lên 20 kg trong năm nay. Hải sản lên tới 29 kg và trở thành nguồn cung protein chính cho người Việt hiện nay. Giai đoạn sau 2020, ngành chăn nuôi heo còn phải đối mặt với giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt khiến giá thành thịt heo tăng theo. Giá thịt trên thị trường tăng trong khi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng giảm mua và tìm nguồn cung thay thế hợp túi tiền hơn như gà công nghiệp lông trắng. “Giá thành chăn nuôi heo không giảm, nhu cầu tiêu thụ thịt heo khó có khả năng quay trở lại như trước đây vì nó quá cao so với thu nhập của người dân”, ông Phong Quách nói.

Văn hóa tiêu thụ thịt heo còn rất mạnh

Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp VN, trong cơ cấu rổ thức ăn của người Việt, thịt heo chiếm tới 70%, gà khoảng 15 – 20% còn lại là thịt bò và thủy sản. Nhu cầu tiêu thụ thịt heo liên tục tăng trong những năm gần đây theo thu nhập của người dân từ mức 3 – 4 triệu tấn lên 5 – 6 triệu tấn/năm. Những năm trước, thấy sự bất cân đối trong cơ cấu bữa ăn của người Việt và việc chăn nuôi heo quá phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, ngành nông nghiệp cũng tuyên truyền khuyến khích người dân thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng giảm ăn thịt heo chuyển qua các loại khác nhưng không thành công. “Nếu hiện nay có sự thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng giảm thịt heo cũng tốt. Tuy nhiên, tôi không tin tưởng lắm vào những thông tin này hoặc nó chỉ có tính thời điểm, giai đoạn. Trong văn hóa người Việt, thói quen tiêu dùng thịt heo vẫn rất đậm nét”, ông Bửu nói.

Thừa nhận nhu cầu tiêu thụ thịt heo giảm, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nói: “Vấn đề chính là thu nhập của người dân không tăng trong khi vật giá cái gì cũng tăng. Không có tiền thì buộc họ chỉ mua cái gì trong khả năng chi tiêu; làm cho nhu cầu thịt heo giảm trong khi giá thịt gà công nghiệp và cá phù hợp hơn với đồng lương hiện tại của người lao động. Điều này cũng ảnh hưởng đến người chăn nuôi heo, họ chưa có lãi khi giá bán hiện tại từ 55.000 – 58.000 đồng/kg heo hơi. Với giá thức ăn chăn nuôi hiện nay, giá heo hơi phải từ 60.000 – 65.000 đồng/kg nông dân mới bắt đầu có lãi và tái sản xuất được”.

CHÍ NHÂN

TNO