23/01/2025

Doanh nghiệp quay lại sản xuất, tín hiệu từ phục hồi rõ nét hơn

Doanh nghiệp quay lại sản xuất, tín hiệu từ phục hồi rõ nét hơn

Không chỉ số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh mà số doanh nghiệp quay lại sản xuất kinh doanh cũng tăng. Nhiều doanh nghiệp phân tích nguyên nhân và kiến nghị thêm những chính sách để thúc đẩy phục hồi nhanh hơn.

Doanh nghiệp quay lại sản xuất, tín hiệu từ phục hồi rõ nét hơn - Ảnh 1.

Sản xuất hàng dệt may tại một doanh nghiệp ở Đà Nẵng – Ảnh: TẤN LỰC

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT) cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường lần đầu tiên đạt 116.900, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

 

Phục hồi tốt

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2022 là 76.233, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,2 lần so với mức trung bình giai đoạn 2017 – 2021. Đáng lưu ý, đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm vượt mốc 70.000 doanh nghiệp và cũng là mức kỷ lục trong giai đoạn trên.

So với cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp thành lập mới tại hai đầu tàu kinh tế của cả nước đều có sự gia tăng mạnh. Trong đó, Hà Nội có 14.628 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 9,8%; TP.HCM có 22.469 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,5%.

Tổng vốn doanh nghiệp đăng ký bổ sung vào nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 là 2.730.033 tỉ đồng, tăng 30,3% so với cùng kỳ 2021.

Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 40.667, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,9 lần so với trung bình giai đoạn 2017 – 2021. Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất trong 6 tháng qua là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy, xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm là 83.570, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 50.909, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 24.073.

Thêm giải pháp thúc đẩy phục hồi

Ông Mạc Quốc Anh, phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, phân tích các nguyên nhân giúp doanh nghiệp phục hồi: Quốc hội đã ban hành nghị quyết 43 và Chính phủ cũng đã có nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ, giãn giảm các loại thuế… Cùng với đó là việc đẩy mạnh chi tiêu công, thực hiện thích ứng an toàn, nhiều vốn FDI mới…

Tuy vậy, theo ông Quốc Anh, điều kiện tiếp cận thụ hưởng chính sách vẫn còn ngặt nghèo, như nếu vay vốn thì không được nợ xấu, đáp ứng yêu cầu số lượng cán bộ công nhân viên… Lợi nhuận doanh nghiệp thu hẹp do lạm phát… Do đó, ông Quốc Anh đề nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, giảm các bước để doanh nghiệp thụ hưởng hỗ trợ…

Ông Lê Hữu Nghĩa (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM) cho rằng trong 6 tháng đầu năm doanh nghiệp tại TP.HCM đã phục hồi khá tốt, tinh thần tái sản xuất kinh doanh lên cao. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm tăng kỷ lục nhưng ông Nghĩa đánh giá hiện có 5 rào cản cần lưu ý, nếu không độ trễ của nó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Đầu tiên, lạm phát ở các nước quá cao, có doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng vì nguyên vật liệu tăng cao. Thứ hai, việc giải ngân vốn vay vẫn khó. Thứ ba, lạm phát khiến dân giảm chi tiêu. Thứ tư, việc tuyển dụng nhân sự vẫn khó. Đặc biệt, theo ông Nghĩa, hỗ trợ doanh nghiệp trong gói 350.000 tỉ đồng cần đẩy nhanh, đừng để chậm hơn kế hoạch quá lâu vì sẽ không phát huy tác dụng.

Ông Đào Ngọc Nam, tổng giám đốc Công ty UBOFOOD Việt Nam, đề nghị tiếp tục duy trì giảm 2% VAT, giãn thuế phí và đặc biệt là kéo giảm giá xăng dầu để doanh nghiệp và người lao động vượt qua cơn bão giá.

B.NGỌC – N.AN – N.HIỂN
TTO