18/11/2024

Thu ngân sách từ dầu thô tăng vọt

Thu ngân sách từ dầu thô tăng vọt

Trong 6 tháng đầu năm, thu từ dầu thô ước đạt hơn 34.000 tỉ đồng, tăng hơn 80% so cùng kỳ.

 

 

Các nhà phân tích cho rằng đây là cơ sở quan trọng để giảm ngay các loại thuế đánh vào mặt hàng xăng dầu, giúp hạ nhiệt giá càng sớm càng tốt.

 

Thu ngân sách từ dầu thô tăng hơn 80%

Đúng như dự báo, chiều qua (1.7), liên bộ Công thương – Tài chính cho điều chỉnh giảm giá xăng dầu. Tuy nhiên, mức giảm đối với mặt hàng xăng từ 110 – 410 đồng/lít chẳng thấm vào đâu so với mức tăng liên tục trong 7 kỳ điều hành qua. Hiện giá xăng dầu vẫn ở mức cao so với thu nhập người dân.

Thu ngân sách từ dầu thô tăng vọt - ảnh 1

Xăng dầu giảm nhẹ từ chiều 1.7, tuy vẫn đang ở mức cao  NGỌC THẮNG

Để hạ nhiệt giá xăng dầu, cùng với việc đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) ở mức kịch khung, Bộ Tài chính đã có báo cáo lên Chính phủ đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với xăng dầu. Tuy nhiên, mức giảm đối với thuế VAT và TTĐB theo đề xuất chưa được nêu cụ thể. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giảm thuế BVMT theo đề xuất của Bộ từ 500 – 1.000 đồng/lít, trung bình mỗi tháng, ngân sách nhà nước hụt thu 1.400 tỉ đồng. Trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7, có hiệu lực từ ngày 1.8.2022 thì ước giảm thu ngân sách (đã bao gồm giảm thuế VAT) khoảng 6.800 tỉ đồng. Hiện, theo dự báo giá dầu thế giới khoảng 110 – 120 USD/thùng, bỏ thu hoàn toàn thuế TTĐB trong 6 tháng cuối năm, ngân sách sẽ hụt thu 10.000 tỉ đồng…

Ngày 30.6, thông tin tại Hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thuế cho thấy thu ngân sách nội địa do ngành thuế quản lý ước đạt 775.262 tỉ đồng, bằng 66% so với dự toán, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, thu từ dầu thô ước đạt 34.116 tỉ đồng, bằng 121% so với dự toán, tăng 80,3% so với cùng kỳ, trên cơ sở giá dầu thô bình quân ước đạt 100,4 USD/thùng. Giá này cao hơn giá dự toán 67,3%, cao hơn 61,8% so với cùng kỳ. Theo nhận xét của lãnh đạo Tổng cục Thuế, thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh tình hình kinh tế những tháng đầu năm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Thu từ dầu thô đạt mức cao do giá dầu thế giới trong những tháng đầu năm tăng cao. Đến nay, theo Tổng cục Thuế, giá dầu thế giới vẫn duy trì ở mức cao, giá dầu Brent đang dao động trong khoảng 110 – 115 USD/thùng, đã có những tác động đến thu từ dầu thô trong 6 tháng đầu năm.

 

Cần giảm ngay

Khi bàn chuyện giảm thuế phí đánh vào xăng dầu, ngành tài chính thường lưỡng lự, cân nhắc tính toán rất kỹ vì lo hụt thu ngân sách. Nhưng việc giá xăng dầu vẫn ở mức cao như hiện nay, đang tác động đến cả nền sản xuất kinh doanh, đến đời sống doanh nghiệp, người dân. Dẫn thông tin như 50% số tàu đánh cá phải nằm bờ, tương đương 50.000 tàu đánh cá không ra khơi vì giá dầu quá cao, càng ra khơi càng lỗ lã rồi hàng loạt tài xế taxi cũng rời bỏ nghề vì không “gồng” nổi giá xăng dầu, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính, bày tỏ: “Nghe rất xót xa, bởi đằng sau họ là hàng trăm ngàn gia đình đang bị tác động tiêu cực từ giá xăng dầu tăng. Nếu chính sách hỗ trợ trực tiếp trên cơ sở giảm theo tỷ lệ phần trăm khi những ngư dân, tài xế xe đổ xăng dầu sẽ có hiệu quả thiết thực ngay”. “Hơn nữa, chính việc ngư dân không ra khơi, nguyên liệu chế biến trong ngành thủy hải sản xuất khẩu bị thiếu hụt, sẽ ảnh hưởng ngành xuất khẩu theo hiệu ứng domino. Điều này không ai muốn cả. Thế nên, theo tôi, cần tập trung hỗ trợ “đúng người, đúng mục đích”, ông Thịnh nói.

Từ đề xuất của Bộ Tài chính về giảm các loại thuế đánh vào giá xăng dầu và công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy con số thặng dư thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm nay, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng cần công khai dự toán thu ngân sách phần thuế, phí nói chung và với mặt hàng xăng dầu nói riêng. Trên cơ sở đó, tính toán thâm hụt thu ngân sách nhà nước cho các kịch bản tính toán giảm thuế TTĐB, thuế VAT, thuế BVMT… dựa theo số thu dự toán từ đầu. Lúc lập dự toán thu từ ngân sách vào tháng 10.2021, dự kiến giá dầu thô xuất khẩu giá 60 USD/thùng, nay giá dầu thô tại nhiều thời điểm đã cao gấp đôi. Giả sử giảm mạnh thuế TTĐB, thuế BVMT… xuống kịch khung, ngân sách có thiếu hụt đôi chút so với dự toán cũng không đáng kể. Theo tính toán của Bộ Tài chính là hụt thu 10.000 tỉ đồng, nhưng khoản thu từ giá nhiên liệu tăng mạnh như phân tích trên có thể bù lại.

Ngoài ra, TS Nguyễn Quốc Việt cũng lưu ý thực tế nhiều khoản theo kế hoạch phải thực hiện từ đầu năm, đến nay đã nửa năm cũng chưa được triển khai. Tất cả kế hoạch chi ngân sách đều rất chậm giải ngân từ giải ngân đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, gói phục hồi… trong khi thặng dư ngân sách thì tăng cao. Thế nên, dư địa để điều chỉnh chi theo khả năng thu ngân sách là có. Nói khác đi là trì hoãn việc giảm thuế với nỗi lo mất cân đối thu chi ngân sách là không đáng ngại tại thời điểm này.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng cần tính rõ số hụt thu ngân sách nếu giảm thuế đánh vào xăng dầu dựa trên số thu hiện nay. Nếu giảm thu thì ngân sách bị ảnh hưởng thế nào và kích thích cho nền kinh tế ra làm sao? Bởi trong thực tế, số thu ngân sách từ dầu đang vượt dự toán. Những đánh giá này cần phải được tính toán và khoa học hơn, thay vì giảm thuế xăng dầu nhỏ giọt hay giảm tràn lan, sẽ không hiệu quả. Thế nên, theo ông Thịnh, chúng ta có thể hy sinh nguồn thu lúc này để ổn định vĩ mô. Song về lâu dài, ngành xăng dầu cần nhóm giải pháp để ổn định, bởi giá xăng dầu thế giới biến động khó đoán. Trong khi chúng ta nay thấy giá xăng tăng quá, giảm bớt 1.000 đồng tiền thuế, mai thấy tăng nữa, giảm thêm chút… là thiếu sự ổn định. “Giá xăng dầu cần giải pháp điều hành chủ động chứ không thể bị động như trong thời gian qua”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

 

Xăng giảm nhẹ hơn 400 đồng/lít

Từ 15 giờ hôm qua 1.7, xăng E5RON92 giảm 411 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 110 đồng/lít, còn dầu diesel 0.05S giảm 404 đồng/lít. Theo Bộ Công thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá ngày 21.6 và 1.7 là: 147,776 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 1,817 USD/thùng, tương đương giảm 1,215% so với kỳ trước); 154,844 USD/thùng xăng RON95 (giảm 1,366 USD/thùng, tương đương giảm 0,875% so với kỳ trước); 161,920 USD/thùng dầu hỏa (giảm 7,330 USD/thùng, tương đương giảm 4,331% so với kỳ trước); 167,395 USD/thùng dầu diesel (giảm 5,170 USD/thùng, tương đương giảm 2,995% so với kỳ trước); 606,395 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 42,777 USD/tấn, tương đương giảm 6,589% so với kỳ trước).

Trước diễn biến đó, cơ quan quản lý yêu cầu trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít và dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazút ở mức 800 đồng/kg; không trích lập quỹ đối với xăng RON95 và dầu diesel (như kỳ trước). Trong khi đó, không chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu đối với các loại xăng dầu. Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu như trên, cơ quan quản lý yêu cầu giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 30.891 đồng/lít, tức giảm 411 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành; xăng RON95-III không cao hơn 32.763 đồng/lít, giảm 110 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành; dầu diesel 0.05S không cao hơn 29.615 đồng/lít, giảm 404 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành; dầu hỏa không cao hơn 28.353 đồng/lít, giảm 432 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành; dầu mazút 180CST 3.5S không cao hơn 19.722 đồng/kg, giảm 1.013 đồng/kg so với giá bán hiện hành).

Chí Hiếu

NGUYÊN NGA

TNO