22/12/2024

Nghịch lý: Phát triển điện tái tạo gây sức ép tăng giá điện chung

Nghịch lý: Phát triển điện tái tạo gây sức ép tăng giá điện chung

Việc phối hợp thuỷ điện, nhiệt điện và điện mặt trời sẽ trở nên phức tạp, khó khăn hơn nên đầu tư chung cho cả hệ thống tăng lên, gây sức ép lên giá bán lẻ điện, nên phát triển nguồn tái tạo cần được cân nhắc ở mức độ phù hợp.

 

 

Nghịch lý: Phát triển điện tái tạo gây sức ép tăng giá điện chung - Ảnh 1.

Khu vực điện gió và điện mặt trời ở huyện Thuận Nam, Ninh Thuận – Ảnh: T.T.D.

Thông tin trên được Bộ Công thương đánh giá gần đây trong báo cáo liên quan tới phát triển điện mặt trời theo Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh.

Bộ Công thương cho rằng, cơ chế giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) đã tạo cú hích mạnh mẽ với lĩnh vực điện mặt trời. Tuy nhiên, việc xác định giá FIT áp dụng cho 2 năm chưa phản ánh sát, kịp thời với thay đổi nhanh chóng của công nghệ, giá thiết bị.

 

Điện mặt trời tăng nhanh, truyền tải không theo kịp

Chính sách khuyến khích theo một giá FIT áp dụng toàn quốc cũng chưa phản ánh sự khác nhau về tiềm năng khu vực, dẫn tới sự phát triển tập trung nhiều dự án tại một số tỉnh có tiềm năng tốt, gây áp lực lên lưới điện truyền tải và có khả năng ảnh hưởng ổn định hệ thống điện.

Cụ thể, các dự án điện mặt trời nối lưới phát triển tập trung tại miền Trung, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên với quy mô lớn, vận hành nhanh trong khi năng lực lưới truyền tải điện hiện hữu và lưới điện phát triển theo quy hoạch điện lực chưa tính đến sự thâm nhập lớn của các nguồn điện tái tạo này.

“Việc này dẫn tới khả năng lưới điện không đảm bảo hấp thụ hết toàn bộ sản lượng điện phát của các nguồn điện mặt trời trong tương lai, gây quá tải lưới cục bộ, tổn thất điện năng và độ tin cậy cung cấp điện cho địa phương” – Bộ Công thương đánh giá việc phát triển lưới truyền tải chưa tương xứng với tốc độ phát triển quá nhanh của dự án điện mặt trời.

Chưa kể, điện mặt trời có tính chất không ổn định, phân tán, chỉ phát điện vào ban ngày, nên các dự án quy mô lớn có khả năng ảnh hưởng tới hệ thống điện, trong khi nguồn này chỉ góp một phần công suất đặt vào độ tin cậy cấp điện toàn hệ thống, nên cần nguồn dự phòng tương ứng.

“Việc phối hợp thủy điện, nhiệt điện và điện mặt trời sẽ trở nên phức tạp, khó khăn hơn, nên đầu tư chung cho cả hệ thống tăng lên gây sức ép lên giá bán lẻ điện. Vì thế, việc phát triển các nguồn điện tái tạo cần được cân nhắc ở mức độ phù hợp với lưới điện, khả năng vận hành, sức ép tăng giá điện”, Bộ Công thương đánh giá.

 

Thách thức cho vận hành, sức ép lên giá điện

Bên cạnh đó, dự án điện mặt trời sử dụng nhiều đất, nên việc chuyển đổi mục đích sử dụng, đền bù giải tỏa, bồi thường đất đai nhiều khó khăn, chi phí đền bù tăng cao. Năng lực một số nhà đầu tư còn hạn chế, nhà đầu tư trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm, thiết bị chủ yếu phải nhập khẩu nên phụ thuộc vào giá thành thế giới.

Sau quyết định 11 về cơ chế giá FIT ưu đãi cho năng lượng tái tạo (giá FIT 1) hết hiệu lực, Bộ Công thương xây dựng và trình Chính phủ quyết định 13/2020 về cơ chế giá ưu đãi (FIT 2) áp dụng cho các dự án năng lượng tái tạo từ sau tháng 7-2019 và được Thủ tướng ban hành vào tháng 4-2020. Cơ quan này khẳng định các bước tham mưu, lập và trình Chính phủ giá FIT 2 tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành.

Ngoài kết quả đạt được, tổng kết việc thực hiện quyết định 13/2020, Bộ Công thương cũng chỉ ra tồn tại, hạn chế là điện mặt trời, điện gió “phát triển nóng”, tập trung ở miền Trung, miền Nam. Tính đồng bộ trong phát triển nguồn, lưới điện còn hạn chế, không kịp giải tỏa công suất nguồn điện.

Tỉ trọng năng lượng tái tạo cao, chiếm 24,3% tổng công suất và 44% công suất tiêu thụ, gây khó khăn trong vận hành, điều độ hệ thống điện và ảnh hưởng vận hành các nguồn điện than, khí.

 

Quyết định cũ hết hiệu lực, cơ chế đấu thầu xây dựng từ năm 2019 chưa xong

Về cơ chế đấu thầu cho điện gió, điện mặt trời sau khi các chính sách ưu đãi giá FIT (quyết định 11, quyết định 13) hết hiệu lực, Bộ Công thương cho hay đã xây dựng dự thảo và tham vấn ý kiến các cơ quan chuyên môn từ cuối năm 2019, thống nhất xây dựng nghị định của Chính phủ về đấu thầu chọn nhà đầu tư các dự án nguồn điện.

Theo bộ này, sau khi Luật đầu tư 2020, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ tháng 1-2021, việc chọn chủ đầu tư các dự án điện phải tuân thủ quy định của Luật đấu thầu và các hướng dẫn liên quan. Do đó, nhà đầu tư các dự án, trừ một số trường hợp đặc biệt, sẽ được chọn qua đấu thầu, sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Hiện nay, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo vẫn đang lập hồ sơ, đề xuất xây dựng quy định này. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đang xây dựng quyết định của Thủ tướng về cơ chế đấu thầu mua điện từ các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.

N.AN
TTO