Gác lại tranh cãi tàu ngầm, Pháp – Úc muốn xây lại quan hệ
Gác lại tranh cãi tàu ngầm, Pháp – Úc muốn xây lại quan hệ
Trong cuộc gặp tân Thủ tướng Úc Anthony Albanese tại Paris ngày 1.7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ông muốn tập trung xây dựng quan hệ tương lai của hai bên sau mâu thuẫn về hợp đồng tàu ngầm hồi năm ngoái.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) cùng Thủ tướng Úc Anthony Albanese tại Paris (Pháp) ngày 1.7 REUTERS |
Reuters đưa tin Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 1.7 nói với tân Thủ tướng Úc Anthony Albanese tại Paris (Pháp) rằng ông muốn tập trung vào tương lai. Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh hai bên đang cố gắng xây dựng lại mối quan hệ vốn căng thẳng do cựu Thủ tướng Úc Scott Morrison quyết định hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm với Pháp.
Khi tiếp đón Thủ tướng Albanese tại Điện Elysee ở Paris, Tổng thống Macron đã được hỏi liệu Úc có nên xin lỗi hay không.
“Ông ấy không chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra. Chúng ta sẽ nói về tương lai, không phải quá khứ”, ông Macron đáp.
Quan hệ giữa Úc và Pháp trở nên tồi tệ vào tháng 10.2021 khi Canberra hủy bỏ chương trình tàu ngầm trị giá hàng tỉ USD với Paris để thay bằng tàu ngầm được chế tạo bằng công nghệ của Mỹ và Anh.
Quyết định hủy bỏ hợp đồng béo bở trên đã khiến Pháp vô cùng phẫn nộ. Tổng thống Macron đã triệu hồi đại sứ Pháp tại Úc, cáo buộc thủ tướng Úc lúc bấy giờ, ông Scott Morrison, nói dối còn ngoại trưởng Pháp nói Canberra đã “đâm sau lưng đồng minh của mình”.
Tuy nhiên, đảng Tự do của ông Morrison đã thất bại trong cuộc bầu cử vào tháng 5. Tân Thủ tướng Albanese, lãnh đạo Công đảng Úc, đã cam kết xây dựng lại quan hệ với Pháp.
Trong tuyên bố tại dinh tổng thống Pháp, ông Albanese cảm ơn sự chào đón nồng nhiệt của Macron. “Niềm tin, sự tôn trọng và sự trung thực mới là điều quan trọng”, ông Albanese cho biết.
Pháp hiện có 1 triệu công dân sống trên các vùng lãnh thổ trải dài trên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cùng 8.000 binh sĩ ở đó. Điều này đã đưa Úc trở thành nền tảng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Pháp nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Pháp đã cung cấp máy bay chiến đấu cho Ấn Độ và đặc biệt là Indonesia để xây dựng quan hệ quân sự với các nước trong khu vực.
Ngày 1.7, ông Macron cho biết lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận về các vấn đề quốc phòng và địa chiến lược cũng như “các dự án mới” về năng lượng tái tạo, kim loại quan trọng, không gian và các vùng cực. Cả Pháp và Úc đều có lãnh thổ ở Nam Cực.
ĐÔNG A
TNO