Đông Nam Á hưởng lợi từ sáng kiến PGII
Đông Nam Á hưởng lợi từ sáng kiến PGII
Tuần này, các nhà lãnh đạo nhóm G7 đã thông qua sáng kiến “Đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu” (PGII) trị giá 600 tỉ USD. Khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ đón nhận làn sóng đầu tư khổng lồ từ thoả thuận này.
Trong thông cáo của Nhà Trắng ngày 26-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Madrid đã nhất trí thông qua thỏa thuận về đầu tư cơ sở hạ tầng mới PGII.
Đây là phiên bản cập nhật của sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) từng được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm ngoái.
4 lĩnh vực ưu tiên
Theo đó, Mỹ và các nước G7 sẽ huy động 200 tỉ USD ngân sách đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu ở các nước có mức thu nhập thấp và trung bình trong vòng 5 năm tới. Mục tiêu tổng thể của dự án dự kiến thu hút 600 tỉ USD vào năm 2027.
Cụ thể, sáng kiến có 4 lĩnh vực ưu tiên đầu tư bao gồm: an ninh khí hậu và năng lượng, kết nối kỹ thuật số, hệ thống y tế và an ninh y tế, bình đẳng giới và công bằng xã hội. Phạm vi đầu tư của dự án sẽ trải rộng từ khu vực châu Phi, Trung Đông, Tây Âu sang đến tận khu vực Đông Nam Á.
Các nước Đông Nam Á dự kiến sẽ là trung tâm thu hút vốn đầu tư của sáng kiến PGII. Trong đó, Công ty viễn thông SubCom, có trụ sở tại bang New Yersey (Mỹ), đầu tư 600 triệu USD xây dựng 6 tuyến cáp viễn thông ngầm dưới đáy biển có tổng chiều dài 17.000km.
Đây là tuyến cáp giúp kết nối nhanh chóng mạng lưới thông tin giữa khu vực Đông Nam Á, Trung Đông và Tây Âu.
Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) sẽ đầu tư 40 triệu USD xây dựng mạng lưới điện giữa các nước Đông Nam Á với mục tiêu giảm tiêu thụ khí carbon, phát triển mô hình năng lượng sạch và tăng cường dòng chảy thương mại về năng lượng cho khu vực.
“Nó không có nhiều ý nghĩa trong ngắn hạn nhưng có ý nghĩa về lâu dài hơn. Các nước khu vực Đông Nam Á sẽ hưởng lợi từ các dự án mới này của Mỹ và các đối tác G7”, chuyên gia kinh tế David Riedel, nhà sáng lập tổ chức tư vấn Riedel Research Group, nói với Đài CNBC ngày 28-6.
So với sáng kiến B3W, điểm khác biệt lớn nhất của dự án PGII là các vấn đề mới nổi như an ninh năng lượng, an ninh sức khỏe và sự thay đổi mục tiêu từ nền tảng công nghệ kỹ thuật số sang kết nối kỹ thuật số.
Chuyên gia Fikry A. Rahman và Abdul Razak Ahmad tại Viện Nghiên cứu quan hệ đối ngoại Bait Al Amanah (Malaysia) nhận định với tạp chí The Diplomat: “Sáng kiến PGII thể hiện một động thái chiến lược của Mỹ và các đồng minh G7 nhằm lấp đầy khoảng trống về sự thiếu hụt vốn đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu do đại dịch COVID-19 và xung đột Nga – Ukraine tạo ra”.
PGII không nhằm cung cấp một giải pháp thay thế cho khoản đầu tư cơ sở hạ tầng cứng ước tính khoảng 1.000 tỉ USD của Trung Quốc trên khắp thế giới trong thập niên qua.
Ông Conor M. Savoy, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế.
Đối trọng với “Vành đai – con đường”?
Ông Choi Shing Kwok, giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu ISEAS – Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, cho biết: “Vẫn còn nghi vấn liệu ở giai đoạn khởi đầu này quy mô sáng kiến PGII có thể cạnh tranh với sáng kiến “Vành đai – con đường” do Trung Quốc khởi xướng hay không?”.
Theo các chuyên gia, cách tiếp cận của sáng kiến PGII khác với sáng kiến “Vành đai – con đường”. Đó là sử dụng nguồn vốn đầu tư chính thức ở mức giới hạn để thúc đẩy và khuyến khích nguồn vốn từ tư nhân nhiều hơn.
Mỹ và các nước G7 cho rằng mục tiêu của sáng kiến PGII chính là những kết quả từ thực tế. Các nước khu vực Đông Nam Á sẽ nhìn thấy những lợi ích thiết thực và lâu dài của các dự án để cùng tham gia tích cực hơn.
Các nguyên tắc của sáng kiến PGII cũng tương tự phiên bản B3W trước đó. Đó là các định hướng về cam kết toàn cầu, tiêu chuẩn cao và minh bạch. Điều này khác với sáng kiến BRI của Trung Quốc vốn có nguy cơ tạo ra “bẫy nợ” và những lo ngại về chất lượng và môi trường ở các quốc gia nhận được dòng vốn từ dự án này.
Tuy nhiên, theo tạp chí The Diplomat, các quốc gia khu vực Đông Nam Á không muốn có cách tiếp cận tổng bằng 0 để thực hiện các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng. Họ mong muốn tiếp cận các dự án đầu tư theo tiêu chí “xanh – sạch – rẻ” và đặt ưu tiên cao về môi trường và chất lượng.
Sáng kiến BRI của Trung Quốc đã được triển khai ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á. Do đó, PGII cần hướng tới bổ sung các sáng kiến do chính quốc gia tiếp nhận vốn đầu tư đề xuất, đồng thời cần lấp đầy những khoảng trống về cơ sở hạ tầng ở các quốc gia này.
Ngoài ra, bất kỳ dự án nào có quy mô như vậy đều có những thách thức bên trong riêng của nó. Đó là khoảng cách về trình độ phát triển giữa các quốc gia, khoảng cách về mặt địa lý giữa Mỹ, các nước đối tác G7 và khu vực Đông Nam Á.
Các dự án đầu tư trong sáng kiến PGII có thể tạo ra sự bất bình đẳng lớn hơn ở các nước, nếu việc triển khai không được quản lý đúng cách.
26.000 tỉ USD
Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, khu vực châu Á sẽ cần khoảng 26.000 tỉ USD để đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có các dự án xanh, cho đến năm 2030.