Bác sĩ chỉ ra thời gian vàng để cấp cứu người say nắng

Bác sĩ chỉ ra thời gian vàng để cấp cứu người say nắng

Người bị say nắng dẫn đến sốc nhiệt, sẽ rơi vào trạng thái khó thở, huyết áp tụt và ngất lịm. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ ảnh hưởng não, suy thận, thậm chí tử vong.

 

 

Say nắng dẫn đến sốc nhiệt có tỷ lệ tử vong tương đương đột quỵ

BS-CKII Nguyễn Viết Hậu, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cảnh báo say nắng dẫn đến sốc nhiệt có tỷ lệ tử vong tương đương đột quỵ do tim hay đột quỵ do não. Lý do là cơ thể bị mất muối và nước kéo dài đi kèm sự quá tải khả năng hoạt động của trung tâm điều nhiệt.

Các biểu hiện sớm nhất có thể dễ dàng nhận thấy khi bị say nắng là mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, da mặt đỏ gay. Nặng hơn, người bệnh sẽ rơi vào trạng thái khó thở, huyết áp tụt và ngất lịm. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ ảnh hưởng não, suy thận, thậm chí tử vong.

“Tình trạng nắng nóng kéo dài vào những ngày hè khiến cơ thể dễ bị các tổn thương, điển hình là rối loạn cân bằng nước, điện giải toàn thân, rối loạn điều hòa thân nhiệt hay còn gọi là hội chứng say nắng”, bác sĩ CKI. Nguyễn Minh Thuận, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn chia sẻ.

 

Dấu hiệu nhận biết say nắng

Theo bác sĩ Thuận, say nắng thường diễn ra đột ngột, kèm theo tổn thương thần kinh nặng và có thể gây tử vong nếu không phát hiện và xử trí kịp thời. Vì vậy chúng ta cần nắm những dấu hiệu nhận biết người bị say nắng, đặc biệt là những dấu hiệu gây nguy hiểm đến tính mạng

Những dấu hiệu say nắng nhẹ: nhịp tim nhanh, thở nhanh, đỏ da (do cơ chế thải nhiệt – giãn mạch dưới da), có thể vã mồ hôi, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, chú ý ở người già các dấu hiệu thường kín đáo và không đặc hiệu ở giai đoạn sớm.

Những dấu hiệu say nắng nặng hơn như tụt huyết áp, rối loạn chức năng thần kinh: thay đổi tri giác, kích động, mê sảng, lú lẫn, co giật và hôn mê, mất điện giải nặng, rối loạn thăng bằng nội môi. Xuất huyết do rối loạn đông máu nặng. Nặng hơn nữa là suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Bác sĩ chỉ ra thời gian vàng để cấp cứu người say nắng - ảnh 1
Tài xế tìm chỗ tránh nắng, bổ sung nước trong những ngày nắng nóng cao điểm tại TP.HCM LÊ CẦM

Thời gian vàng để cấp cứu người bị say nắng

“Khoảng thời gian 1 giờ sau khi bị say nắng ở mức độ nặng được gọi là “thời điểm vàng” để cấp cứu, bởi nếu cấp cứu ngay trong khoảng thời gian này thì hiệu quả gần như đạt 100%. Ngược lại, nếu chậm cấp cứu, làm mát cho bệnh nhân trong vòng 3 giờ sau khi bị đột quỵ não do nóng thì 100% nạn nhân sẽ tử vong”, bác sĩ Thuận nhấn mạnh.

Bác sĩ Thuận khuyến cáo, trong cấp cứu say nắng, say nóng phải hết sức chú ý đến việc cấp cứu ban đầu tại hiện trường. Bằng mọi biện pháp phải hạ nhanh nhiệt độ cơ thể trong “thời điểm vàng”. Chỉ chuyển bệnh nhân về tuyến sau hoặc chuyển tới cơ sở hồi sức cấp cứu gần nhất nếu các biện pháp cấp cứu ban đầu không hiệu quả, không cải thiện nhanh về lâm sàng. Chú ý trên đường vận chuyển vẫn phải duy trì các biện pháp cấp cứu cơ bản, trong đó lưu ý các biện pháp hạ thân nhiệt.

LÊ CẦM

TNO