22/01/2025

Tìm đủ cách để ‘sống’ cùng giá xăng dầu

Tìm đủ cách để ‘sống’ cùng giá xăng dầu

Sau việc xăng tăng giá 7 lần liên tiếp, nhiều doanh nghiệp sản xuất, vận tải chia sẻ họ phải tìm mọi cách để giảm bớt áp lực, duy trì hoạt động.

 

 

Tìm đủ cách để sống cùng giá xăng dầu - Ảnh 1.

Ông Lý Minh Sang (tài xế của HTX vận tải huyện Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu) buồn thiu khi buộc phải nhiều thì hỗ trợ nhiều. tăng giá vé xe, kéo theo việc ế khách – Ảnh: CHÂU TUẤN

Vậy những giải pháp có thể chia sẻ để cùng nhau đi qua cơn bão xăng dầu này là gì?

 

Cắt giảm tối đa chi phí

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Anh – tổng giám đốc Công ty CP cao su Đức Minh – cho biết công ty xác định năm nay lợi nhuận không nhiều và để đảm bảo sản xuất, công ty phải tự đi tìm các nguồn nguyên liệu mới có giá thành rẻ hơn hoặc chuyển sang mua chung nguyên vật liệu để bớt đi các chi phí.

Bên cạnh đó, nếu xăng dầu tiếp tục tăng cao, doanh nghiệp có thể giảm ngày làm việc để bớt đi việc khởi động máy đầu ngày, bớt thời gian “chết” đối với máy móc, giảm đi lại của người lao động…

Trong khi đó, ông Nguyễn Đặng Hiến – tổng giám đốc Công ty Bidrico – chia sẻ doanh nghiệp cũng phải đẩy mạnh cắt giảm các chi phí không cần thiết, tối ưu hóa việc quản trị, điều hành để tiết giảm các chi phí.

Riêng với hoạt động vận tải, tài xế của doanh nghiệp này cũng phải tính toán lại đường đi giao hàng, ưu tiên chọn những cung đường ngắn nhất. Ngoài ra, ông Hiến cho biết doanh nghiệp cũng nỗ lực tung sản phẩm mới để tăng số lượng hàng bán ra, tăng sản xuất để giúp giảm giá thành, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Đối với khối doanh nghiệp FDI, bà Phạm Thị Châu – trưởng phòng hành chính – nhân sự Công ty Vexos Việt Nam – cho biết doanh nghiệp cũng phải tìm các nguyên vật liệu thay thế với giá thành tốt hơn trước đây hoặc có các phương pháp thay thế để giảm chi phí. Bên cạnh đó, bà Châu cho hay việc tuyển dụng cũng hạn chế trong thời điểm này, các nhân sự cố gắng choàng gánh thêm công việc.

Ông Trần Việt Anh – phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM – cho hay từ trước đến nay các doanh nghiệp đã nỗ lực cắt giảm các chi phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất để tiết kiệm các chi phí nên đến hiện nay với nhiều doanh nghiệp, dư địa để tiếp tục cắt giảm cũng không còn nhiều.

Ngành vận tải tung đủ chiêu để cầm cự

Ông Đỗ Phú Đạt – phó tổng giám đốc bến xe Miền Đông – cho biết ngay từ đợt tăng giá xăng đầu tiên (cuối tháng 3), một số nhà xe đã đề xuất và điều chỉnh tăng giá vé. Việc khó khăn hiện nay được xem là tình hình chung, nhưng đối với các doanh nghiệp thì họ sẽ tự tính toán, giảm số xe hoặc cắt giảm nhân sự sao cho tối ưu hóa lợi nhuận.

Về phía bến xe, sẽ hỗ trợ giảm giá một số dịch vụ cho các doanh nghiệp vận tải như quầy bán vé giảm 20% chi phí, chỗ lưu đậu, trông giữ xe giảm 70%; văn phòng giảm 10% và các dịch vụ hỗ trợ đi kèm…

Ông Lý Minh Sang (52 tuổi) chạy tuyến TP.HCM – Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho hay việc tăng giá vé là chuyện “cực chẳng đã” vì vé càng tăng thì khách ngại đi, doanh thu giảm. “Hiện mỗi ngày, xe của chúng tôi chỉ bán được 1 – 2 vé, thậm chí có ngày không bán được vé nào. Hãng xe chỉ hoạt động cầm chừng và chở thêm hàng hóa nhưng doanh thu không bù đủ chi phí”, ông Sang than thở.

Ông Lê Trung Tính, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách TP.HCM, thì cho rằng trong bối cảnh xăng dầu tăng giá, các doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp như thu hẹp quy mô, tái cấu trúc lại bộ máy, tinh giản biên chế. Đặc biệt có thể áp dụng các giải pháp tiết kiệm nhiên liệu như không chạy tốc độ cao, kết hợp vận chuyển khách hai chiều…

Ông Đỗ Văn Thắng – tổng giám đốc Công ty CP Bưu chính Việt Nam (Vintrans) – thì cho hay để khách hàng tối ưu hóa chi phí và chuỗi cung ứng trong thời điểm này, một trong những giải pháp mà doanh nghiệp đưa ra là vận chuyển kết hợp lấy hàng từ nhiều nhà cung cấp một lần sẽ khiến chi phí vận chuyển giảm đáng kể. Nhà cung cấp có thể dựa vào kế hoạch giao hàng để lên kế hoạch sản xuất, không để thừa quá nhiều hàng tồn kho, giúp giảm lượng hàng tồn.

 

Giảm phí BOT, hỗ trợ giá điện?

Với ngành vận tải, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng các dự án thu phí đường bộ, các dự án BOT trong giai đoạn ngắn hạn cần phải điều chỉnh lại nguồn thu từ BOT bởi cơ cấu chi phí luôn có giá vốn và lợi nhuận. Ít nhất trong 3 – 6 tháng cần điều chỉnh nguồn thu từ cầu đường, các dự án BOT ở mức độ giảm tối đa lợi nhuận, thậm chí tạm thời không có lợi nhuận giai đoạn này, giãn lợi nhuận để giảm áp lực cho vận tải.

Với ngành sản xuất, ông Trần Việt Anh chia sẻ, hiện nguồn điện không quá căng thẳng như trước đây trong khi các doanh nghiệp sản xuất đang mua điện với 3 mức giá chênh lệch khá lớn giữa giờ cao điểm, giờ thấp điểm và giờ bình thường.

Theo ông Việt Anh, các doanh nghiệp hiện sản xuất 3 ca liên tục phải chịu 3 mức giá điện khác nhau nên nếu có sự hỗ trợ về giá điện, giảm giá điện giờ cao điểm sẽ tác động ngay đến chi phí sản xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất chủ lực.

 

Tăng giá vé là chuyện chẳng đặng đừng

Bình luận về giá vé vận tải hành khách tăng, ông Lê Trung Tính cho rằng đây chỉ là cách nhằm thu khoản chênh giá nhiên liệu bởi sau thời điểm dịch COVID-19, nhu cầu đi lại không nhiều nên tăng giá vé vào lúc này là biện pháp phản tác dụng.

Ông Tạ Long Hỷ – phó tổng giám đốc Vinasun – cho hay việc tăng cước là một quyết định “đau đầu” của hãng. Nhiều hành khách thấy cước cao sẽ ngại đi nhưng nếu không tăng thì thu nhập tài xế rất thấp, họ tính đến chuyện nghỉ việc. Thời gian qua, Vinasun cũng hỗ trợ tiền xăng cho tài xế. Tùy theo loại xe thì hỗ trợ 1%, 2%, 3% doanh thu, tài xế nào chạy nhiều thì hỗ trợ nhiều.

N.HIỂN – Đ.PHÚ – C.TUẤN – C.TRUNG
TTO