Nữ sinh thủ khoa ‘xưa nay hiếm’ với 4 điểm 10 ‘bật mí’ bí quyết học hành
Nữ sinh thủ khoa ‘xưa nay hiếm’ với 4 điểm 10 ‘bật mí’ bí quyết học hành
Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại tỉnh Tiền Giang năm nay, Võ Ngọc Gia Bảo, học sinh Trường THCS Xuân Diệu (TP Mỹ Tho), đạt 10 điểm ở cả 4 môn thi toán, ngữ văn, tiếng Anh (môn chung) và hoá học (môn chuyên).
Ông Lê Văn Dũng – trưởng Phòng GD-ĐT TP Mỹ Tho – cho rằng đã lâu lắm rồi mới ghi nhận một thí sinh đạt điểm tối đa ở tất cả các môn, kể cả môn chuyên. “Một trường hợp hiếm gặp và một cô học trò vừa giỏi, vừa ngoan nhưng không chỉ có biết mỗi chuyện học”, ông Dũng tâm đắc.
“Chiến lược” khôn ngoan
Chúng tôi đến nhà gặp Gia Bảo khoảng một tuần kể từ khi Tiền Giang công bố điểm thi lớp 10, dù vậy suốt hơn một tiếng đồng hồ ngồi trò chuyện với nhau, nữ sinh này dường như vẫn chưa hết hồi hộp xen lẫn ngạc nhiên và hạnh phúc trước kết quả đạt được.
Bảo cho biết sau khi xong xuôi mọi bài thi, bạn tự thấy mình thể hiện tốt nhưng không nghĩ có thể giành kết quả mỹ mãn ngoài mong đợi như vậy.
“Ở bài thi toán, mình gặp rắc rối với 2 câu có tính phân loại cao. Mình cố giữ bình tĩnh và thấy cách giải. Ở môn tiếng Anh, mình hoàn thành sớm nhưng 15 phút cuối lại đắn đo về một đáp án đã chọn. Nghĩ đi nghĩ lại tới cuối mới quyết định sửa lại và đã đúng. Còn môn văn, năm nay bài thi đã giảm xuống chỉ còn 90 phút, nên cái khó là sắp xếp, cô đọng bài viết sao cho vừa đủ ý, vừa không quá giờ. Riêng môn hóa, nhờ chuẩn bị kỹ nên mình không gặp nhiều trở ngại”, Gia Bảo nói.
Từ đầu năm, Gia Bảo đã xác định phương châm không để lệch bất cứ môn nào, đồng thời lên kế hoạch “tác chiến” rõ ràng. Ngoài học chính khóa ban ngày, buổi tối Gia Bảo thường bắt đầu ngồi vào bàn học khoảng 20h.
1-2 tiếng đầu tiên, Bảo học hóa vì đây là môn thi chuyên. 1-2 tiếng sau, nữ sinh xử lý các môn toán, văn, tiếng Anh, mỗi ngày một môn. Còn trống bao nhiêu cho tới khi đồng hồ điểm 24h, Bảo sẽ coi qua các môn còn lại trong trường hoặc giải quyết một số đầu việc khác.
Bảo “bật mí” bí quyết: Khi không thể tăng quỹ thì giờ, càng tận dụng được những lúc trên lớp, bạn sẽ càng có nhiều thời gian về nhà để tự học. Nghĩ vậy, Bảo tự giao nhiệm vụ cho mình phải hiểu bài tại lớp bằng mọi giá. Những bài tập, nhiệm vụ thầy cô giao cũng sẽ được bạn thu xếp hoàn thành sớm nhất trước khi về tới nhà.
Nói thì dễ chứ Gia Bảo gặp khá nhiều khó khăn để hiện thực hóa “chiến lược” trên, đặc biệt lúc bước vào thời gian học online.
Bảo nhớ lại nhiều tiết học phải chịu cảnh mạng lag, loa rè nên điểm kiến thức dễ rơi rớt. Thế nên, trong mỗi buổi học trực tuyến, Bảo cố giữ sự tập trung, tránh mọi thứ sao nhãng.
Hết tiết học, thay vì “out” liền phần mềm trực tuyến, Bảo chủ động nán lại, hỏi giáo viên tất tần tật những chỗ nào chưa rõ hoặc bị bỏ sót.
Sau mỗi buổi, Bảo dò lại một lần nữa những ý quan trọng rồi tiếp tục “chất vấn” thầy cô qua Facebook hay Zalo những phần chưa thông suốt trước khi tắt máy.
Thầy Lê Hà Vĩnh Thái – giáo viên chủ nhiệm năm lớp 9 của Gia Bảo – nhận xét tính kỷ luật luôn được Bảo đề cao.
Nữ sinh này tuân theo những kế hoạch đã định, không làm chệch hướng lộ trình đã đặt ra. Ở Bảo còn có sự tỉ mỉ và cẩn trọng. Chẳng hạn trong môn toán của thầy Thái, các bài làm của Bảo đều thể hiện độ sâu về hiểu biết và sự chi li trong từng lời giải. Cũng nhờ vậy, bạn tránh được những lỗi sai không đáng có khi bước vào kỳ thi chính thức.
Trải nghiệm càng nhiều càng tốt
Bên cạnh chuyện học, Gia Bảo là cô bé năng nổ, luôn có “chân” trong ban chấp hành Đoàn, Đội ở những trường mình từng học.
Nhận xét về bản thân, Gia Bảo tự nhận mình có niềm đam mê với một số trải nghiệm mà đôi khi người khác cho là “chuyện không đâu”.
Như hồi lớp 6, Bảo tốn cả tháng trời viết bài cho cuộc thi tìm hiểu về Anh hùng Vừ A Dính. Cô bạn lặn lộn vào thư viện trường, thư viện của Công an tỉnh – nơi mẹ Bảo đang công tác – để kiếm tài liệu.
Muốn có thêm ảnh tại tư gia người thân của liệt sĩ Dính đang sống, Bảo thông qua mẹ để liên lạc một vài cô chú người quen ngoài Bắc đến tận nơi chụp ảnh. Năm đó, bài viết của Bảo giành giải nhất cấp quốc gia.
Tới lớp 7, Gia Bảo là đại biểu dự Diễn đàn về quyền trẻ em ở Tiền Giang. Tại đây, Bảo trình bày một tham luận về vấn nạn bạo lực học đường trước làn sóng liên tiếp có những clip quay cảnh học sinh xô xát.
“Bản thân mình thấy các bạn đứng nhìn hay quay phim đã không thể chấp nhận được, chưa nói tới những bạn dùng vũ lực đánh nhau. Mình nêu lên mong muốn các trường cần có những biện pháp bảo vệ học sinh, đồng thời nâng cao nhận thức của các bạn về bạo lực học đường”, Bảo nhớ lại.
Bài chia sẻ của nữ sinh này được đánh giá cao, giúp Bảo trở thành đại diện tỉnh nhà tham dự Diễn đàn về quyền trẻ em cấp quốc gia.
Bảo “nói nhỏ” rằng chính nhờ những hoạt động “đâu đâu” như vậy mà suốt hồi THCS, năm nào bạn đều có dịp ra Hà Nội dự những chương trình cấp toàn quốc.
Gia Bảo cho rằng nếu chỉ biết học sẽ rất chán, trong khi đó cấp 1, cấp 2 có nhiều thời gian rảnh. Vả lại từ những trải nghiệm này, Bảo học thêm được nhiều điều mới lạ, quen nhiều bạn mới, rèn được sự tự tin, kỹ năng giao tiếp. “Mình cảm thấy trưởng thành hơn một chút qua mỗi chuyến đi, thu nhặt nhiều điều bổ ích thay vì chỉ ngồi trong trường”, Bảo nói.
Tự lập từ nhỏ
Ông Võ Mỹ Bình – cha của Gia Bảo – nhận xét con gái là cô bé có tinh thần tự lập rất tốt. Vì cha và mẹ đều là công chức nhà nước, giờ giấc đôi khi không thể linh hoạt, chuyện học tập thường được Bảo chủ động sắp xếp, nhất là về thời khóa biểu. Bảo luôn ý thức được mình cần học thêm những gì để cải thiện bản thân hơn mỗi ngày.
Gia Bảo cũng là người thích thử sức, đặt ra những mục tiêu để khám phá giới hạn. Vừa qua, Bảo không chỉ thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Tiền Giang mà còn đăng ký thêm kỳ thi vào Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Gia đình đưa Bảo lên Sài Gòn “thi cho biết”, cuối cùng đậu luôn vào lớp chuyên hóa của Trường phổ thông Năng khiếu. Trúng tuyển 2 trường chuyên – một ở Tiền Giang, một ở TP.HCM – Bảo quyết định sẽ học gần nhà.
Đi con đường hoà học
Nói về dự định cho 3 năm THPT, Bảo chia sẻ mình sẽ cố gắng sử dụng hiệu quả thời gian cấp 3 để tích lũy thêm những kiến thức mình còn thiếu, cũng như làm những điều mới mẻ như chơi guitar, tự học tiếng Hàn hay đi dạy kèm tại các lớp tình thương.
“Hướng đi của mình sau này sẽ là du học ngành hóa vì mình có niềm đam mê rất lớn với môn này. Hết cấp 3, mình dự định sẽ xin học bổng cử nhân ở Singapore trước khi cân nhắc tiếp tục học lên cao hơn tại một nước phương Tây”, Bảo nói.