08/09/2024

Tế bào trong cơ thể tự thay mới liên tục, sao con người vẫn già đi?

Tế bào trong cơ thể tự thay mới liên tục, sao con người vẫn già đi?

Cơ thể con người có hàng nghìn tỉ tế bào. Theo thời gian, các tế bào già đi và bị hư hỏng, vì vậy các tế bào trong cơ thể con người liên tục tái tạo. Vậy sao con người vẫn già đi?

 

Tế bào trong cơ thể tự thay mới liên tục, sao con người vẫn già đi? - Ảnh 1.

Tế bào máu trong cơ thể người – Ảnh: DRUG TARGET REVIEW

Cứ sau chu kỳ 7 năm, hầu hết tế bào trong cơ thể con người được thay mới – từ lông mi đến thực quản. Nói cách khác, sau khoảng 7 năm sao chép tế bào, cơ thể con người là một tập hợp đa số tế bào mới, từ trong ra ngoài.

Tuy nhiên, không phải tất cả tế bào đều thay mới với tốc độ và tuổi thọ như nhau.

Ông Olaf Bergmann, nhà nghiên cứu chính tại khoa tế bào và sinh học phân tử Viện Karolinska ở Stockholm (Thụy Điển), nói với trang tin Live Science: “Hầu hết tế bào da và ruột được thay rất nhanh, có thể trong vài tháng. Các tế bào trong gan tái tạo với tốc độ hơi chậm hơn”.

Ông Bergmann và các đồng nghiệp đã phân tích mô gan bằng cách sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ và nhận thấy rằng hầu hết các tế bào gan được thay thế trong vòng 3 năm.

Có những tế bào trong các cơ quan và hệ thống khác thậm chí còn tái tạo chậm hơn và tụt hậu so với thời điểm 7 năm.

Ví dụ, trong tim người tế bào đổi mới với tốc độ khá chậm. Chỉ có khoảng 40% tổng số tế bào cơ tim (tế bào chịu trách nhiệm về lực co bóp trong tim) được thay đổi trong suốt cuộc đời.

Trong khi đó các tế bào xương cần khoảng 10 năm để tái tạo toàn bộ một bộ xương.

Với não, quá trình đổi mới tế bào có thể còn “nhàn nhã” hơn. Các nhà khoa học đã phát hiện bằng chứng cho thấy một số tế bào thần kinh ở vùng Hippocampus (cấu trúc não phức tạp nằm sâu trong thùy thái dương) được đổi mới, nhưng chỉ với tốc độ 1,75% hằng năm. Nhưng các loại tế bào thần kinh khác sẽ ở lại với một người trong suốt cuộc đời của họ, ông Bergmann nói.

Mặt khác không phải mọi tế bào đều có tuổi thọ như nhau. Ví dụ, các tế bào trong dạ dày có thể đổi mới nhanh nhất là hai ngày một lần, vì chúng thường xuyên tiếp xúc với axit tiêu hóa.

Các tế bào tạo nên làn da được thay thế sau mỗi hai đến ba tuần. Là lớp bảo vệ chính chống lại môi trường, làn da cần phải ở trạng thái tốt nhất.

Trong khi đó tế bào hồng cầu tồn tại trong khoảng bốn tháng. Tế bào bạch cầu, nhân tố chính trong việc chống lại nhiễm trùng, có thể tồn tại từ vài ngày đến hơn một tuần. Ngược lại, các tế bào mỡ sống khá lâu – tuổi trung bình là 10 năm.

Nếu các bộ phận của con người như da, ruột và gan, được đổi mới vài năm một lần, thì tại sao con người không trẻ mãi?

Ông Bergmann giải thích: ngay cả khi các tế bào của một người tương đối trẻ, tuổi sinh học của chúng phản ánh cách cơ thể của họ phản ứng với thời gian.

Khi các cơ quan đổi mới tế bào, các cơ quan vẫn già đi do những thay đổi trong các tế bào tái tạo. Khi tế bào nhân lên, DNA phải liên tục phân chia và sao chép. Theo thời gian, các đột biến của tế bào có thể tích tụ và ảnh hưởng đến tuổi thọ của nó.

Nói đơn giản hơn, ngay cả khi các tế bào trong các bộ phận của cơ thể được thay mới, thì DNA trong tế bào đã già đi do bị sao chép nhiều, khiến con người cảm thấy sức nặng của tất cả những năm tháng đã qua đi.

GIA MINH
TTO